Điểm mặt 5 phát hiện thú vị của bóng đá Đông Nam Á tại SEA Games 29

SEA Games 29 kết thúc, một lứa cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Đông Nam Á cũng được trình diện. Thế nhưng, những cầu thủ đã có tiếng tăm ở khu vực không phải những người tỏa sáng rực rỡ nhất. Hãy cùng chúng tôi xem lại 5 cái tên, những cầu thủ được coi là phát hiện thú vị của bóng đá Đông Nam Á sau SEA Games 29.

Thanabalan Nadarajah (U22 Malaysia)

Đến SEA Games 29, HLV Ong Kim Swee triệu tập đến 7 tiền đạo lên đội tuyển U22 Malaysia nhưng ông đặt niềm tin vào Adam Nor Azlin và Jafri Firdaus nhiều nhất. Thế nhưng, sau giải đấu, người mà ông Ong Kim Swee phải cảm ơn nhiều nhất lại gọi tên Thanabalan.

HLV Ong vẫn không thể tin số 12 ghi đến 4 bàn thắng và trở thành 1 trong 3 vua phá lưới của giải cùng Công Phượng (Việt Nam) và Aung Thu (Myanmar). Hơn hết, Thanabalan trực tiếp đem về hai chiến thắng cho U22 Malaysia, trong đó có chiến thắng 1-0 trước U22 Indonesia tại bán kết.

4 bàn thắng của Thanabalan tại SEA Games 29 đều là những tình huống dứt điểm 1 chạm trong vòng cấm.

4 bàn thắng/6 trận đấu của tiền đạo sinh năm 1995 đều được ghi trong vòng cấm địa, 2 cú đánh đầu, 1 cú sút, 1 tình huống bóng tự tìm đến chân và bay vào lưới. Khả năng chọn vị trí thông minh và dứt điểm 1 chạm gọn gàng của Thanabalan là tốt nhất tại SEA Games 29.

Và từ đấy, anh được ví von với những chuyên gia chọn vị trí của bóng đá đương đại như Thomas Mueller (Đức) và Javier Hernandez (Mexico).

Ngày sinh: 25/2/1995

Vị trí thi đấu: Tiền đạo

CLB hiện tại: Felcra FC (Malaysia Super League)

Nopphon Phonkam (U22 Thái Lan)

Nhân vật tiêu biểu trong triết lý thực dụng của HLV Worrawoot Srimaka tại SEA Games 29. U22 Thái Lan không còn đá hoa mỹ như hai kỳ SEA Games nhưng vẫn giành HCV xứng đáng. Nopphon Phonkam như một chiến binh thầm lặng ở tuyến giữa.

Lối chơi phòng ngự, phi mỹ của HLV Worrawoot Srimaka khiến Phonkam quan trọng hơn nhiều so với những tiền vệ sáng tạo như Chaiyawat Buran, Worachit hay Chaowat Veerachat.

Nopphon Phonkam (số 8) là “động cơ” của tuyến giữa U22 Thái Lan, nhân vật thầm lặng giúp đội tuyển trẻ xứ sở chùa vàng giành HCV SEA Games 29.

Tiền vệ sinh năm 1996 sở hữu thể hình, thể lực tốt giúp anh có mặt ở mọi điểm nóng trên sân và là bức tường đầu tiên án ngữ phía trước trung vệ Worawut Namvech và thủ môn Nont Muangngam.

Chiếc huy chương vàng và thành tích chỉ để thủng lưới 1 bàn sau 7 trận đấu của U22 Thái Lan có công rất lớn từ Nopphon Phonkam. Anh hứa hẹn sẽ tiếp bước các đàn anh ở đội tuyển quốc gia là Tanaboon Kerasat hay Pokklaw Anan.

Ngày sinh: 19/6/1996

Vị trí thi đấu: Tiền vệ trung tâm/Tiền vệ phòng ngự

CLB hiện tại: Air Force Centrral FC (Thai League 2)

Nont Muangngam (U22 Thái Lan)

Haziq Nadzli (U22 Malaysia) được chọn là thủ môn xuất sắc nhất vòng bảng. Thế nhưng, không cần đến lúc thủ môn này mắc sai lầm cực kỳ đáng trách ở trận chung kết thì Nont Muangngam đã là thủ môn xuất sắc nhất SEA Games 29 rồi

7 trận đấu, 560 phút thi đấu trọn vẹn, Nont chỉ bị đánh bại đúng 1 lần trên chấm phạt đền. Không chỉ tạo lập kỷ lục ở môn bóng đá nam của đại hội, giá trị của Nont Muangngam nằm ở sự thể hình, sự tập trung và phong thái bắt bóng chắc chắn. Những thứ Nont được tôi rèn khi ăn tập ở lò đào tạo AS Nancy (Pháp).

Nont Muangngam thi đấu vô cùng chắc chắn trong khung gỗ U22 Thái Lan

Một kỳ SEA Games mà các thủ môn mắc rất nhiều sai lầm thì Nont Muangngam là thước đo cho sự chắc chắn. Giữ vững sự phát triển như hiện tại, người Thái đã có thể tìm được người kế thừa vị trí của Kawin Thamsatchanan tại đội tuyển quốc gia trong tương lai.

Ngày sinh: 20/4/1997

Vị trí thi đấu: Thủ môn

CLB hiện tại: Chiangrai United (Thai League 1)

Septian David Maulana (U22 Indonsia)

Không phải Ezra Walian, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Ajax Amsterdam. Cũng không phải Evan Dimas, tiền vệ trung tâm từng được tập luyện tại Barcelona. Cầu thủ xuất sắc nhất và cũng là phát hiện lớn nhất của U22 Indonesia sau SEA Games là Septian David Maulana.

3 bàn thắng, 2 kiến tạo, Septian góp dấu giày vào 5/10 bàn thắng của đội tuyển trẻ xứ vạn đảo tại SEA Games 29. Septian là mẫu tiền vệ kỹ thuật nhưng không lạm dụng điều đó, anh thi đấu đơn giản và có thiên hướng chạy cánh rồi di chuyển vào trung lộ giống với đàn anh Irfan Bachdim trên đội tuyển Indonesia.

3 bàn thắng và 2 kiến tạo của Septian David Maulana tại SEA Games 29. Anh góp dấu giày vào 5/10 bàn của U22 Indonesia.

Ở tuổi 21, Septian vẫn còn có thể cống hiến 1 kỳ SEA Games nữa và số 29 sẽ là nhân tố quan trọng của bóng đá Indonesia trong tương lai.

Ngày sinh: 1/9/1996

Vị trí thi đấu: Tiền vệ công/Tiền vệ cánh

CLB hiện tại: Mitra Kukar (Indonesia Super League – Liga 1)

Nor Azam Abdul Azih (U22 Malaysia)

Azih t là động cơ ở tuyến giữa của U22 Malaysia. Trận chung kết với U22 Thái Lan, Azih và Safawi Rasid giúp U22 Malaysia thi đấu ngang ngửa với đối phương ở tuyến giữa. Nếu không có sai lầm của thủ thành Haziq Nadzli thì trận đấu chắc chắn sẽ còn phải kéo dài hơn 90 phút.

Azih thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, lên công về thủ nhịp nhàng với nền tảng thể lực tốt. Trong bối cảnh bóng đá Malaysia đang thiếu thốn nhân tài, những phát hiện ở SEA Games 29 như Thanabalan hay Azih giúp người Mã có thêm niềm tin vào tương lai.

Nor Azam Abdul Azih (số 8) là trái tim của hàng tiền vệ U22 Malaysia.

Ngày sinh: 3/1/1995

Vị trí thi đấu: Tiền vệ trung tâm

CLB hiện tại: Pahang FC (Malaysia Super League

Bài liên quan