Giải mã U23 Qatar: Mạnh đánh biên và nguy hiểm ở vòng cấm

Các cầu thủ U23 Việt Nam có lẽ phải rất cảnh giác với những pha xuống biên và đưa bóng vào trong cấm địa của U23 Qatar nếu muốn giữ sạch lưới ở trận đấu tới.

Đánh biên: Cũng như nhiều đội bóng Tây Á khác, U23 Qatar chủ yếu lên bóng ở 2 cánh. Sau 4 trận đấu của họ tại giải, thống kê chỉ ra trung bình mỗi trận, 42% các đợt lên bóng nằm ở cánh trái, 31% nằm ở cánh phải và chỉ có 27% ở trung lộ. Trận đấu với U23 Oman, U23 Qatar thậm chí lên bóng tới 50% ở cánh trái. Hai bàn thắng của U23 Qatar được ghi từ cánh trái, 2 bàn từ trung lộ và 3 bàn từ cánh phải. Đây sẽ là áp lực không nhỏ với các hậu vệ biên của U23 Việt Nam, đặc biệt là hậu vệ phải.

Không kiểm soát thế trận: U23 Qatar không theo đuổi lối chơi thiên về kiểm soát bóng. Trung bình mỗi trận tại giải, đội bóng Tây Á chỉ kiểm soát 50% thời lượng bóng lăn. Trận gặp đội bóng được đánh giá yếu hơn là U23 Oman, U23 Qatar còn cầm bóng ít hơn đối thủ. Tổng số đường chuyền của U23 Qatar cũng không quá nhiều (1.724), so với 4 đội ở bán kết thì chỉ hơn U23 Việt Nam và kém U23 Hàn Quốc cũng như U23 Uzbekistan. U23 Việt Nam sẽ có cơ hội cầm nhiều bóng hơn trước đối thủ này.

Không cầm nhiều bóng đồng nghĩa với việc U23 Qatar không dâng đội hình cao tại giải. Biểu đồ nhiệt 4 trận đấu của họ tại giải cho thấy phạm vi hoạt động chủ yếu là phần sân nhà cho tới quá vạch giữa sân khoảng dưới 20 m. Phần nhiệt của U23 Iraq bên 1/3 sân đối phương không quá đậm, thậm chí khá mờ trong những trận đấu với U23 Palestine và U23 Oman. Không thường xuyên gây áp lực lên hàng phòng ngự đối phương nhưng có thể cách chơi này sẽ giúp U23 Qatar ngăn được những pha phản công.

Nguy hiểm trong vùng cấm: Không dâng đội hình lên quá cao nhưng U23 Qatar vẫn có 7 bàn thắng, tức cứ 51 phút bóng lăn thì U23 Qatar ghi một bàn. Họ đang cùng với U23 Hàn Quốc là 2 đội ghi bàn nhiều nhất giải tới nay. Đặc biệt, cả 7 bàn thắng của họ đều được thực hiện trong khu vực 16,5 m, với 6 sút sút và 1 pha đánh đầu. Để có chừng ấy pha lập công, U23 Qatar đã tung ra 31 cú sút, đạt tỷ lệ chuyển hóa là xấp xỉ 22%. Có thể hiểu, cứ tung ra 5 cú sút thì U23 Qatar sẽ ghi 1 bàn.

Thời điểm ghi bàn: U23 Qatar cho thấy họ đặc biệt nguy hiểm ở khoảng thời gian nửa sau hiệp 1 và đầu hiệp 2. Trong số 7 bàn thắng của U23 Qatar thì có 4 bàn được ghi trong khoảng thời gian từ phút 30 đến hết hiệp một, và 2 bàn lần lượt ở các phút 53 và 55. Bàn thắng còn lại được U23 Qatar ghi ở phút 76. U23 Việt Nam cần đặc biệt tập trung ở khoảng thời gian nửa cuối hiệp 1 và đầu hiệp 2 nếu muốn giữ sạch lưới trước đối thủ.

Hàng phòng ngự không quá chắc chắn: Từ đầu giải, U23 Qatar mới phải nhận 3 bàn thua, trung bình mỗi trận họ thủng lưới 0,8 bàn. Tuy nhiên đội bóng của HLV Felix Sanchez đã phải nhận tổng cộng 44 pha dứt điểm của đối phương, trung bình 11 lần mỗi trận. Trận đấu với U23 Palestine, U23 Qatar phòng ngự rất lỏng lẻo và để đối phương ghi liền 2 bàn, tạo ra rất nhiều cơ hội ngon ăn nhưng may mắn không để thua thêm. Trận đó U23 Qatar phải nhận tổng cộng 21 pha dứt điểm.

Cầu thủ nổi bật nhất của U23 Qatar đương nhiên là Almoez Ali, người đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của đội với 5 bàn thắng. Trung bình cứ 71,5 phút, Almoez Ali lại có một pha lập công và tung ra 2 cú sút thì gần như sẽ có bàn (tỷ lệ chuyển hóa 45%). Ali cực kì nguy hiểm trong vùng cấm, nhưng anh không phải mẫu trung phong cổ điển của Tây Á với thân hình “khổng lồ”, đánh đầu tốt và chuyên làm tường. Điểm mạnh của Ali là khả năng chạy chỗ đón những đường bóng từ biên và những cú dứt điểm rất hiểm.

U23 Qatar vượt trội so với U23 Việt Nam ở những chỉ số quan trọng nhất.

Bài liên quan