Nhìn lại 6 cái nhất của Thể thao Việt Nam tại SEA Games 29

 Kỳ SEA Games 29 khép lại với thành công rực rỡ cho đoàn thể thao Việt Nam, đặc biệt ở những môn hàng đầu như bơi lội, điền kinh.

1. VĐV đoạt nhiều HCV nhất: Ánh Viên là người giành nhiều HCV nhất SEA Games 29, không chỉ với đoàn thể thao Việt Nam mà còn với toàn bộ giải đấu. “Tiểu tiên cá” bước lên bục trao huy chương 10 lần, trong đó 8 lần nhận HCV, bên cạnh 2 lần nhận HCB, phá 3 kỷ lục SEA Games. Số HCV kình ngư này giành được bằng với thành tích ở SEA Games 28 tại Singapore (8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games). Ánh Viên tiếp tục củng cố vị thế nữ kình ngư số 1 Đông Nam Á.

2. VĐV trẻ nhất giành HCV cho Việt Nam: Bên cạnh Nguyễn Thị Ánh Viên, kình ngư trẻ Nguyễn Hữu Kim Sơn được nhắc đến rất nhiều trên đường đua xanh của tuyển bơi Việt Nam. Năm nay mới 15 tuổi, Kim Sơn đã giành HCV SEA Games và phá luôn kỷ lục tồn tại 14 năm ở nội dung 400 mét hỗn hợp cá nhân nam. Ngoài thành tích VĐV trẻ nhất giành vàng cho nước nhà ở SEA Games 29, tấm HCV còn giúp Kim Sơn xác lập kỷ lục: VĐV trẻ nhất đoạt vàng trong lịch sử tham dự SEA Games của Việt Nam.

3. VĐV nhiều tuổi nhất giành HCV: Dù đã giành 3 HCV sau 5 kỳ SEA Games trước đây, Nguyễn Thị Như Ý vẫn tạo bất ngờ khi đoạt HCV duy nhất cho Judo Việt Nam ở tuổi 36, sau khi đánh bại đối thủ nhiều duyên nợ người Myanmar. Hai kỳ SEA Games gần nhất, Như Ý đều tự hứa sẽ giải nghệ sau khi đại hội kết thúc. Nhưng VĐV 36 tuổi vẫn phải trở lại sàn đấu, bất chấp đã qua thời đỉnh cao, chỉ vì cố gắng có thêm thành tích để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhiều khó khăn.

4. Môn thể thao mang về nhiều HCV nhất cho đoàn Việt Nam: Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, điền kinh Việt Nam vượt Thái Lan để chiếm ngôi vị quán quân với 17 HCV, vượt chỉ tiêu 12 HCV ban đầu. Đó là bước tiến lớn lao so với kỳ SEA Games 28 (11 HCV). Những gương mặt vàng gọi tên Lê Tú Chinh (3 HCV), Nguyễn Thị Huyền (3 HCV) và Nguyễn Thị Oanh (2 HCV).

5. Điểm sáng lớn nhất: Thể thao Việt Nam đang cho thấy hướng đi đúng đắn ở các môn cơ bản của phong trào Olympic, gồm điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm. Trong đó, 2 môn điền kinh và bơi là những môn đáng để người hâm mộ thể thao Việt Nam tự hào. Ở môn bơi, Việt Nam giành 10 HCV, đứng thứ hai khu vực, chỉ sau cường quốc bơi châu Á Singapore. Môn điền kinh, Việt Nam vượt mặt Thái Lan như đã nêu trên.

6. Nỗi thất vọng lớn nhất ở SEA Games 29: Trong bức tranh chung nhiều điểm sáng của thể thao Việt Nam, môn bóng đá nam đáng tiếc lại góp mặt ở vị trí điểm tối. Đội tuyển U22 Việt Nam bắt đầu giải đấu với nhiều hy vọng cho ngôi vô địch, nhưng lại rời giải theo cách bị loại ngay sau vòng bảng.

Bài liên quan