Sau nửa thập kỷ núp dưới bóng Công Phượng, “đứa con ghẻ” của bầu Đức giờ thế nào?

Minh Vương và Công Phượng cùng sinh năm 1995. Vương cao 1,67 m, Phượng cao 1,68 m, cả hai đều có tài năng và rất nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên số phận của họ lại hoàn toàn khác nhau.

Hơn 3 năm đã qua, Mạc Hồng Quân chưa bao giờ quên được bàn thắng ấy: “Tôi không nghĩ rằng trong vòng vây của 3, 4 cầu thủ như thế mà Vương lại dám đi bóng vậy. Tôi đã tưởng cậu ấy sẽ cố tìm khoảng trống rồi sút hay chuyền lại phía sau. Tôi thật sự không tin rằng cậu ấy sẽ đột phá và lại đột phá được. Cậu ấy đi bóng qua 4 người, qua cả thủ môn rồi mới ghi bàn. Tôi không bao giờ quên được bàn thắng ấy”.

Hồng Quân là một trong số những cầu thủ đã góp mặt ở trận An Giang hòa HAGL 3-3 tại vòng 16 V.League 2014. Anh bảo cả đội An Giang lúc ấy chưa biết Minh Vương là ai.

Mùa giải 2014 cũng là năm đầu tiên Minh Vương được hít thở không khí V.League. Bàn thắng vào lưới An Giang mới là pha lập công đầu tiên của cầu thủ này. Ở tình huống ấy, Vương chạm bóng 5 lần, lừa qua 4 hậu vệ và 1 thủ môn trước khi ghi bàn. Tất cả chỉ diễn ra trong 6 giây. Siêu phẩm ấy đưa tên tuổi Minh Vương bước ra ánh sáng.

Có đà, Minh Vương tiến bộ rất nhanh. Chưa đầy 18 tuổi, Vương đã có 15 trận tại V.League, ghi 2 bàn. Anh là ngôi sao đầu tiên của lứa 1995 HAGL ra mắt sân chơi chuyên nghiệp, giành danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất V.League 2014. Rất nhiều vinh quang ở tuổi 18.

Với xuất phát điểm như thế, Minh Vương lẽ ra phải tiến rất xa trên con đường sự nghiệp của mình. Nhưng suốt 4 năm qua, anh gần như mất tích. Điều gì đã khiến 1 trong những tài năng trẻ giỏi nhất của thế hệ 1995 biến mất? Chàng trai Thái Bình đã phải trải qua những thăng trầm và biến cố ra sao? Số phận đã đùa cợt Minh Vương như thế nào?

Dưới đây là câu chuyện về Minh Vương.

Trần Minh Vương

Đứa con ghẻ của bầu Đức

Từ ngày Công Phượng xuất hiện, rất nhiều ngôi sao bóng đá Việt đã được so sánh với anh. Văn Quyến, Công Vinh, Phi Sơn… đều từng được nhắc tới bên cạnh Phượng. Nhưng ngay ở đây, tại Gia Lai này, có một cầu thủ trẻ đã sống cả thập kỷ dưới cái bóng của Phượng. Cùng với nhau, Phượng và Vương chia sẻ những sự tương đồng và trái ngược tới kỳ lạ.

Minh Vương và Công Phượng cùng sinh năm 1995. Vương cao 1,67 m, Phượng cao 1,68 m. Vương mất bố, Phượng mất anh. Minh Vương sở trường tiền vệ công, Công Phượng sắm vai tiền đạo lùi. Vương là đội trưởng lứa Năng khiếu, Phượng là thủ lĩnh lò JMG. Họ đều kỹ thuật, khéo léo, đầy đột biến. Cả hai đã gây dựng danh tiếng cho mình với tư cách những cầu thủ lừa bóng. Người đầu tiên từng bị lò SLNA loại vì thể hình. Người thứ hai không vào được JMG vì giấy báo thi đến trễ.

Số phận dường như đang trên ngươi với Minh Vương

Bà Nguyễn Thị Chuốt – mẹ Minh Vương, bồi hồi nhớ lại: “Năm 2006, Vương với Tuấn Anh cùng ở đội trẻ Thái Bình. Chúng nó cùng thi tuyển và qua được vòng loại vào lò JMG. Nhưng đến lúc lên Gia Lai dự VCK, giấy báo trúng tuyển của Minh Vương bị trường Năng khiếu Thái Bình giữ lại. Họ không muốn Minh Vương lên Gia Lai thi vì sợ mất người. Bố Vương được người khác báo tin nên mới biết chuyện này. Đến khi Vương nhận được giấy báo và lên tới Gia Lai thì kỳ thi đã gần kết thúc, nó chỉ kịp tham gia vài bài thi cuối cùng”.

Sau ngày ấy, Công Phượng, Tuấn Anh là 2 trong số 16 cái tên được chọn vào lò JMG. Minh Vương bị đẩy xuống lớp Năng khiếu. Lứa thứ nhất được dìu dắt bởi HLV Guillaume Graechen, đào tạo theo giáo trình châu Âu. Lứa thứ 2 được HLV Đinh Hồng Vinh chỉ bảo, học theo chương trình Việt Nam. Lứa thứ nhất là niềm tự hào của bầu Đức, lứa sau là lớp “vét”, “đứa con ghẻ” của lò đào tạo lừng danh.

“Những đứa trẻ của bầu Đức” được tạo điều kiện tối đa để ra sân. Họ được dẫn dắt bởi người thầy thời thơ ấu Graechen, được chơi theo lối chơi quen thuộc, được mặc định đá chính mà không cần cạnh tranh.

HLV Nguyễn Đức Thắng – người từng đối đầu với Minh Vương ở VCK Giải U19 quốc gia 2014, nhớ lại: “Cậu ấy có khả năng di chuyển khôn ngoan, năng lực tận dụng và kết thúc tình huống ở các điểm nóng rất tốt. Quan trọng hơn, cậu ấy thể hiện tầm ảnh hưởng và lối chơi lên cả tập thể. Việc Minh Vương lên đội một và đoạt danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất sớm như thế cho thấy cậu ấy có thiên bẩm và quyết tâm rèn luyện. Tôi không biết đã có chuyện gì diễn ra ở Gia Lai trong thời gian ấy. Những lẽ ra, cậu ấy phải tiến xa hơn rất nhiều”.

Đối thủ của Minh Vương là niềm tin vào sự ưu việt của lò đào tạo JMG, sự tự tôn của HLV Graechen, tham vọng và tính tự phụ của bầu Đức

HLV Graechen từng nói: “Công Phượng giống như ánh nắng mặt trời”. Ở HAGL, mọi sự ưu ái, mọi niềm ngưỡng vọng đều dành cho Công Phượng và đồng đội. Minh Vương mãi là kẻ xếp sau.

Chỉ vì một tờ giấy báo tuyển tới muộn, Minh Vương phải đứng trong bóng tối. Thứ bóng tối ấy sẽ còn ám ảnh sự nghiệp của anh mãi tới sau này.

Tỏa sáng ở V-League

Những năm tháng ở phố núi trôi qua như một cơn gió. Mùa bóng 2013, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường bước ra ánh sáng với cơn sốt mang tên U19 Việt Nam. Minh Vương không may mắn như thế. Đội trưởng của lứa Năng khiếu được đôn lên V.League một cách lặng lẽ.

Nhưng cũng chính từ sự không may đó, Minh Vương đã tìm được nơi mà anh thuộc về. Vương trở thành cầu thủ đầu tiên và duy nhất của lứa 1995 góp mặt ở V.League 2014. Anh nhanh chóng bộc lộ tiềm năng của mình, gây ấn tượng bằng những màn trình diễn xuất sắc với đỉnh cao là siêu phẩm vào lưới An Giang. 18 tuổi, khi những Công Phượng, Xuân Trường còn chưa biết tới bóng đá chuyên nghiệp, Minh Vương đã là Cầu thủ trẻ hay nhất V.League.

Đến hôm nay, Vương đã có 5 mùa giải chuyên nghiệp. Anh trải qua 4 đời HLV khác nhau, thích ứng với rất nhiều những thay đổi nơi băng huấn luyện của đội bóng phố núi. Trong khi các đồng đội bận rộn với hàng loạt giải trẻ, Vương đã sớm được làm quen với sự khốc liệt của sân chơi quốc nội. Anh là người có nhiều kinh nghiệm V.League nhất, là thành viên hiếm hoi còn sót lại của thế hệ đã giành HCĐ mùa 2013.

Dưới cái bóng mang tên Công Phượng

“Chuyện đã diễn ra ở Gia Lai” chính là một câu trả lời then chốt cho những gì đã xảy đến với Minh Vương.

Sau thất bại của U19 Việt Nam ở Giải U19 châu Á 2014, bầu Đức quyết định thực hiện cuộc “thay máu” lớn nhất trong lịch sử CLB. Toàn bộ lứa Công Phượng được đôn lên V.League, những người hùng vừa giúp đội bóng giành HCĐ mùa 2013 bị gạt bỏ. HAGL và V.League trở thành trường học vĩ đại cho lứa Công Phượng.

Trong kế hoạch lớn ấy, Minh Vương bỗng thấy mình đơn độc. Khi Vương nghĩ rằng anh đã tìm được một vị trí tại Gia Lai, giây phút Vương sắp đạt được điều mà anh xứng đáng có, Vương bỗng mất tất cả. Một lần nữa, chàng trai Thái Bình phải đối mặt với địch thủ lớn nhất trong sự nghiệp.

Danh hiệu Cầu thủ trẻ hay nhất V.League không đủ để giúp Minh Vương trụ lại. Vì đối thủ của anh không chỉ là Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh. Đối thủ của anh là niềm tin vào sự ưu việt của lò đào tạo JMG, sự tự tôn của HLV Graechen, tham vọng và tính tự phụ của bầu Đức. Ở Gia Lai năm ấy, người ta tin rằng họ có thể xưng hùng V.League chỉ với từng ấy con người. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, Minh Vương là người thua.

Những con số thống kê giữa Minh Vương và Công Phương

Lịch sử sau này chứng minh rằng bầu Đức đã sai. Nhưng với Minh Vương, mọi chuyện đã quá muộn. Mùa giải 2015 của Vương thật thảm hại. Anh chỉ được đá chính 7 trận, bị thay ra tới 4 lần. Tổng thời gian có mặt trên sân là 699 phút. Cả mùa bóng, Minh Vương chỉ có 1 bàn.

HLV Dương Minh Ninh thừa nhận: “Thực tế mà nói, Vương không thua các em kia. Ở thời điểm ấy, CLB đã tạo điều kiện cho các em của Học viện JMG được thi đấu nhiều hơn”.

Suốt mùa giải 2015, vị trí quen thuộc của Minh Vương là băng ghế dự bị. Những bước tiến thần tốc của Minh Vương bị chặn lại. Một năm ấy với Minh Vương dài như cả thế kỷ.

Dòng chia sẻ hồi tháng 8/2017 của Minh Vương có đoạn: “Đá bóng thật sự rất khó…” Phải đến khi bộ ba Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh xuất ngoại, cơ hội của Minh Vương mới xuất hiện trở lại. V.League 2016 chứng kiến sự bùng nổ của Minh Vương. Anh chơi như lên đồng, trút hết những sự ấm ức, những nỗi xót xa vào trái bóng. Vương kết thúc mùa giải bằng việc trở thành người ghi nhiều bàn nhất cho đội (8 bàn – ngang Vũ Văn Thanh). Anh lọt tốp 5 chân sút nội hay nhất. Vương chứng minh rằng nếu được cạnh tranh sòng phẳng, anh không thua kém bất kỳ ai.

Đã đến lúc, HLV Hữu Thắng phải điền tên Minh Vương. Nhưng đoạn kết màu hồng vẫn chưa xuất hiện. Minh Vương chấn thương ngay trước đợt tập trung U23 Việt Nam đầu năm 2017. Anh lên đội tuyển để làm bạn với các bác sĩ và tấm băng y tế. Một lần nữa, Vương phải chứng kiến Công Phượng, Xuân Trường nhảy múa trên thảm cỏ. Từ băng ghế dự bị tới sân thi đấu, khoảng cách chỉ vài bước nhưng Vương thấy xa vô cùng.

5 năm từ khi lên V.League, Minh Vương chỉ được thi đấu 4314 phút. Con số tương tự của Công Phượng sau 2 năm là 3992 phút. Tiến bộ thế nào, cạnh tranh ra sao nếu Minh Vương thậm chí còn không được vào sân?

Con đã hối hận chưa?

Nói về Minh Vương, HLV Đức Thắng phân tích: “Nếu ở đội bóng khác, Minh Vương chắc chắn có cơ hội phát triển cực lớn. Giai đoạn 18 – 20 tuổi là thời điểm cực kỳ quan trọng với một cầu thủ. Đó là lúc cầu thủ thay đổi tư duy từ một tài năng trẻ thành một cầu thủ trưởng thành. Thời điểm ấy, môi trường là nhân tố rất quan trọng. Gia Lai lúc đó có rất nhiều cầu thủ giỏi, tôi nghĩ đất diễn cho Minh Vương có lẽ không nhiều bằng các bạn khác”.

Nhiều người bảo Minh Vương sẽ hay hơn rất nhiều nếu rời Gia Lai.

Những năm tháng đó, Vương buồn nhiều hơn vui. Trên Facebook, anh chia sẻ những dòng tâm trạng buồn bã, đăng tải những hình ảnh xưa, nhắc lại nhiều kỷ niệm cũ. Tấm hình chụp cùng “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương trong Gala Quả bóng Vàng 2014, bức ảnh bên cạnh tiền vệ đàn anh Minh Châu, tất cả được Vương nâng niu, gìn giữ. Trong sâu thẳm, Vương có lẽ luôn mơ về mùa bóng 2014 kỳ diệu.

Giai đoạn 2015-2017 cũng là thời kỳ HAGL thực hiện chính sách cho mượn các tài năng trẻ. Rất nhiều cầu thủ trẻ đã được gửi tới đội hạng Nhất Phú Yên, một số người khác được đưa sang Lào. Họ ra đi để tìm cơ hội chơi bóng và mơ về ngày trở lại phố núi (Châu Ngọc Quang là một ví dụ). Nhưng Minh Vương không đi đâu cả. Anh quá hay để phải chơi ở giải hạng Nhất nhưng không đủ xuất sắc để vượt qua những định kiến tại Gia Lai.

Bản thân Vương cũng từ chối rời CLB, từ chối cơ hội ra sân ở những đội bóng nhỏ hơn. Anh chọn ở lại phố núi. Vương biết cuộc chiến của anh là ở đây. Chiến thắng của anh, nếu có, phải đến từ nơi này.

Bà Nguyễn Thị Chuốt kể lại: “Tôi hỏi nó: Bây giờ con đã thấy hối hận chưa? Nó vẫn bảo tôi rằng nó không sai. Nó cứ bảo đường nó đi là đúng, đấy là đam mê của nó. Tôi thấy nó buồn, tôi gặng hỏi. Nó chỉ bảo: Con không hối hận, mẹ đừng lo”.

Những năm tháng ấy, Minh Vương chỉ biết lao vào tập luyện. HLV Dương Minh Ninh xúc động nhớ lại: “Đứa khác chuyên môn yếu phải rời CLB đã đành, còn Vương chuyên môn rất tốt. Chúng tôi phải giữ Vương lại để có người thay. Bởi thế, Vương phải tiếp tục cố gắng. Lúc ấy, tôi cũng chỉ biết động viên nó hãy gắng hết mình. Vương là người tập luyện với sinh hoạt cái gì cũng tốt. Nó tập xong cũng chỉ ở lì trong phòng, ít khi đi chơi với bạn bè. Tập luyện xong xuôi với đội, nó lại một mình đi tập tạ. Vương nó cầu tiến lắm”.

Có thể Minh Vương sẽ hay hơn nhiều khi rời HAGL

Tháng 10/2017, ánh sáng đã trở lại với sự nghiệp của Minh Vương khi HAGL sa thải HLV Nguyễn Quốc Tuấn. Dưới sự dẫn dắt của thầy Dương Minh Ninh, Minh Vương bắt đầu được trao cơ hội.

Anh không bao giờ bỏ lỡ điều đó.

Phần còn lại của câu chuyện, chúng ta đều biết rồi. Minh Vương ghi 2 bàn vào lưới đương kim vô địch Hà Nội và kẻ ngổ ngáo Sài Gòn. Anh tự mình mở cánh cổng tuyển quốc gia, chinh phục tân HLV Park Hang-seo. Đêm 14/11 vừa qua, Minh Vương trở lại Mỹ Đình lần đầu tiên sau 3 năm. Trải bao thăng trầm, Vương đã có được điều mà anh xứng đáng. Trong danh sách triệu tập đội tuyển U23 quốc gia, ông thầy Hàn Quốc một lần nữa lựa chọn cầu thủ Thái Bình này.

Minh Vương, mừng anh trở lại.

Ít người biết rằng Minh Vương từng mắc một căn bệnh kỳ quái suốt thời niên thiếu, khiến sự nghiệp của anh bị ảnh hưởng rất nhiều. Vương bị chứng hẹp động mạch chủ phía sau bắp chân phải, khiến máu không thể lưu thông đầy đủ xuống dưới đầu gối. Vương không thể vận động ở cường độ cao và rất dễ bị chuột rút mỗi khi thi đấu.

HLV Dương Minh Ninh kể lại: “Bệnh của Vương là bệnh hiếm. Loại bệnh này thường chỉ xuất hiện ở người già với cái tên xơ vữa động mạch chứ rất ít tồn tại ở người trẻ. Vương bị bệnh này từ ngày còn trẻ. Nó khiến em chỉ có thể thi đấu tới phút 70, 80. Quá thời gian ấy, chân Vương bị tê, không thi đấu được nữa”.

HAGL đã đưa Vương đi phẫu thuật hồi năm 2012. Nhưng mãi tới khoảng 1-2 năm trở lại đây, chấn thương mới bình phục hoàn toàn. Hiện tại, Vương đã chơi đủ 90 phút mà không còn bị đau.

Bài liên quan