Cơ hội lên đỉnh Đông Nam Á liệu có còn với thế hệ Công Phượng?

Cái bóng của người Thái đang bao phủ lấy Đông Nam Á suốt nửa thập kỷ qua và cơ hội vô địch Đông Nam Á đối với thế hệ của Công Phượng, dù chỉ một lần thôi lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

3 năm thi đấu cho U23 Việt Nam, trải qua 3 đời HLV gồm Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng và Park Hang Seo, Công Phượng luôn là cái tên được chọn. Chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam trước U23 Myanmar tại vòng bảng M-150 Cup đánh dấu trận đấu thứ 40 Công Phượng ra sân thi đấu trong màu áo đội tuyển này. Trận đấu gặp U23 Uzbekistan là trận đấu thứ 41.

41 trận và 23 bàn thắng, Công Phượng thi đấu nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào cùng thế hệ. Một con số đủ để những người khó tính nhất cũng cảm thấy khâm phục cho một cầu thủ. Công Phượng có thể được coi là cầu thủ đại diện cho thế hệ của mình, thế hệ những cầu thủ sinh năm 1995, 1996 và 1997.

Công Phượng đang là cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho đội tuyển U23 Việt Nam với 41 trận đấu.

Đấy là một góc độ. Nếu soi chiếu ở một góc độ khác, nhiều người sẽ đặt câu hỏi Phượng thi đấu miệt mài, cần mẫn và cống hiến nhiều trận đấu như thế nhưng tại sao một tài năng như vậy vẫn chưa một lần có danh hiệu lớn tầm khu vực?

Chanathip Songkrasin lớn hơn Phượng 2 tuổi nhưng khi bước đến độ tuổi 22 như Công Phượng hiện tại, “Messi Thái” lại có quá nhiều. Tính cả sự nghiệp, anh chỉ có 30 lần khoác áo đội tuyển U23 Thái Lan nhưng 2 lần giành huy chương vàng SEA Games (2013 và 2015), ngoài ra là 1 lần vô địch AFF Cup 2014, 1 lần nằm trong top 4 đội mạnh nhất Asian Games 2014.

Công Phượng và Chanathip có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng khởi nghiệp ở vị trí hộ công, cùng là sản phẩm của những lò đào tạo mới nổi ở hai quốc gia. Công Phượng là lứa đầu tiên của HAGL Arsenal JMG cùng Tuấn Anh, Xuân Trường. Chanathip xuất thân từ lò đào tạo BEC Tero Sasana cùng Tristan Do, Peerapat Notchaiya và Tanaboon Kerasat.

Cả hai đều từng có giai đoạn khó khăn, vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng ở Giải VĐQG vào năm 2015. Công Phượng sau đó sang J-League 2 thi đấu, 2 năm sau, đến lượt Chanathip Songkrasin sang xứ sở mặt trời mọc chơi bóng ở J-League 1.

Hai con người tài năng cùng có những ngã rẽ tương đồng trong sự nghiệp nhưng thành công thì hoàn toàn khác biệt. Nhìn vào bộ mặt hai nền bóng đá, người hâm mộ hiện tại sẽ nhắc đến Chanathip và Công Phượng mỗi lần nhớ đến bóng đá Thái Lan hay Việt Nam. Vô hình chung họ chính là sự phản chiếu của hai nền bóng đá.

Chanathip Songkrasin (trái) và Công Phượng vô hình chung là hình ảnh phản chiếu của hai nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam những năm qua.

Nhìn về Việt Nam, đội tuyển quốc gia hay U23 Việt Nam vẫn loanh quanh với những mục tiêu ở khu vực, về AFF Cup, về SEA Games.

Thế hệ của Công Phượng được thành hình để hiện thực hóa giấc mơ huy chương vàng SEA Games. Họ có hai cơ hội và ở lần thứ hai, khi hội ngộ đầy đủ tinh binh, khi U23 Thái Lan không còn thế hệ 1993, U23 Việt Nam vẫn dừng bước ngay từ vòng bảng. Thành tích ấy là một đòn giáng mạnh vào sự tự tôn của một ông bầu nhưng cũng là nỗi buồn dành cho cả nền bóng đá.

Với thế hệ 1993, Thái Lan tự tin sẽ thống trị Đông Nam Á thêm 5 năm nữa cho tròn 1 thập kỷ. Đó là chưa kể tham vọng và mục tiêu của họ lúc này dĩ nhiên đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực, Thái Lan hướng tới châu Á, hướng tới  Asian Cup, hướng tới World Cup. Đội tuyển quốc gia chính là bộ mặt của nền bóng đá. Sau một quãng thời gian no nê danh hiệu, trình độ của Thái Lan đã được khẳng định là vượt trội so với các đội tuyển khác trong khu vực.

Đây sẽ là rào cản lớn nhất trong phần còn lại sự nghiệp thi đấu cho đội tuyển quốc gia của Công Phượng và các đồng đội cùng thế hệ.

Sau M-150 Cup, sau VCK U23 châu Á 2018, thế hệ 1995 của Công Phượng sẽ trở thành quá khứ với U23 Việt Nam. Họ chỉ còn mục tiêu với đội tuyển Việt Nam và bắt buộc phải đối mặt với thế hệ vàng của bóng đá Thái Lan. Cơ hội đứng trên đỉnh Đông Nam Á lại càng bị bó hẹp.

Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường làm nên tên tuổi từ các giải U19, rồi U21. Người hâm mộ nhìn thấy thứ bóng đá hoa mỹ dưới đôi chân của họ, là nỗi khiếp sợ của các lứa cầu thủ trẻ Thái Lan nhưng có một sự thật, đấy là bóng đá trẻ. Từ U19, U21 lên U23 là một câu chuyện khác và lên đến đội tuyển quốc gia lại là một câu chuyện rất rất khác.

Nhiều người chỉ trích Liên đoàn bóng đá Việt Nam thiếu một định hướng cho các đội tuyển nhưng hãy nhìn U23 Thái Lan vô địch SEA Games 2013 và mới đây là 2017. Họ không dùng thứ bóng đá ban bật như những gì người ta vẫn nhìn Chanathip Songkrasin làm cùng đồng đội. Hãy nhìn lứa U19 Thái Lan đánh bại U19 Việt Nam 6-0 ở trận chung kết U19 Đông Nam Á 2015, đó cũng là một phong cách khác. Thứ tồn tại duy nhất là trình độ cầu thủ.

Bài liên quan