Hành xử vô tình với cầu thủ tri ân cố chủ tịch Leicester, trọng tài Ngoại hạng Anh nhận gạch đá từ CĐV Leicester City

Trọng tài Lee Probert đã hứng chịu cơn lũ chỉ trích sau khi phạt thẻ vàng Demarai Gray, chỉ vì anh cởi áo để lộ thông điệp tri ân ông chủ quá cố Vichai Srivaddhanaprabha.

Đấy là một đêm hết sức cảm xúc tại Xứ Wales. Tất cả các thành viên của Leicester City bước ra sân, ôm nhau và lập quyết tâm phải giành ba điểm để tặng cho ông chủ vừa qua đời Vichai Srivaddhanaprabha. Vichai, cùng với bốn người khác, đã không may tử nạn trong một vụ rơi máy bay ngay bên ngoài sân King Power hồi tuần trước.

Hàng nghìn CĐV Leicester City cũng đã đến Xứ Wales, để trưng những băng rôn tưởng niệm Vichai.

Được xem là một trong những ông chủ tốt nhất trong lịch sử Premier League, ông Vichai luôn gần gũi với các CĐV và nhận được rất nhiều sự tôn trọng của họ. Trên tất cả, đấy là kiến trúc sư vĩ đại, đã kiến tạo nên bất ngờ vĩ đại nhất lịch sử Premier League, và là một trong những bất ngờ kỳ vĩ nhất trong lịch sử thể thao.

Thế nhưng sau khi Demarai Gray sút tung lưới Cardiff City, ghi bàn duy nhất của trận đấu, anh đã bị phạt thẻ vàng vì cởi áo, lộ bên trong dòng chữ “For Khun Vichai” trên chiếc áo lót. Chiếc thẻ vàng được trọng tài Lee Probert rút ra hết sức lạnh lùng.

Sau trận đấu, tài khoản Twitter của ông Lee bị tấn công dữ dội. Nhiều CĐV, đặc biệt là các fan của Leicester City, chỉ trích ông là một người quá vô tình, không có trái tim.

BẢN TIN BÓNG ĐÁ NGÀY 03/11 | THỦ MÔN TIẾN DŨNG CHẤN THƯƠNG | MESSI TỔ CHỨC GIẢI BÓNG ĐÁ TẠI QUÊ NHÀ

Tội nghiệp ông Lee bị chửi vì đã… làm đúng. Luật bóng đá quy định rất rõ, cởi áo sau khi ăn mừng bàn thắng là lập tức phải nhận thẻ vàng. Lý do là FIFA không muốn các cầu thủ lợi dụng trận đấu để truyền đi các thông điệp chính trị, hoặc tranh thủ quảng cáo cho một nhãn hàng nào đó.

Trong quá khứ, rất nhiều cầu thủ đã làm việc ấy. Sau khi có luật cấm cởi áo, Niklas Bendtner thậm chí từng lách luật bằng cách… kéo quần xuống, để quảng cáo cho một hãng dự đoán. Một chiếc thẻ vàng là quá nhẹ so với số tiền mà Bendtner nhận từ nhãn hàng. Đâu có gì để suy nghĩ nữa!

Nhưng phải chăng đã đến lúc chấm dứt điều luật vô lý này? Cởi áo là một hành động bộc phát của cảm xúc, trong khi bóng đá là một môn chơi tôn vinh cảm xúc. Các cầu thủ đều là những VĐV khỏe mạnh, có những cơ thể rất đẹp, cởi áo ra khoe cơ bắp cũng là một hành động khiến cho phái nữ vui hơn, và phái nam… có động lực vào phòng gym hơn, phải chăng?

Tại sao người ta phạt thẻ vàng cho một hành động ăn mừng, không gây hại cho ai, trong khi một cú vào bóng thô bạo cũng bị phạt thẻ vàng tương tự? Ban tổ chức hoàn toàn có thể kiểm soát thông điệp ghi trên áo của các cầu thủ ngay trước mỗi trận đấu, rồi mới để cho họ mặc áo đấu bên ngoài. Nếu cầu thủ nào gian trá, dấu giếm thì sau đó sẽ phạt bù lại, thậm chí treo giò.

Chiếc thẻ vàng dành cho Gray khiến chính CĐV Cardiff City trên sân cảm thấy khó chịu. Bởi vì đây rõ ràng là một dịp đặc biệt, để các cầu thủ Leicester City vinh danh ông chủ đáng kính của mình.

“Hôm nay là một ngày thật sự khó khăn,” Kasper Schmeichel nói. “Bước ra khởi động thôi cũng đã đầy cảm xúc. Torng 10 phút đầu, tôi đã không ổn định tinh thần nổi, thậm chí còn cảm thấy hơi run rẩy. Nhưng thật tốt khi có thể mang ba điểm đến Thái Lan, hy vọng có thể làm cho gia đình ông ấy cảm thấy tự hào”.

Luật bóng đá liên tục được cập nhật, sửa chữa theo từng năm. Hãy cùng chỉnh sửa điều luật này để khiến cho những cảm xúc bóng đá được giữ gìn tốt hơn? Tại sao chúng ta lại bị phạt khi cố vinh danh một điều gì đó, bày tỏ tình cảm với người chúng ta yêu thương hay đơn giản là khoe thành quả của những ngày miệt mài trong phòng gym?

Tại sao cởi áo trong giờ nghỉ và sau dứt trận đi vòng vòng lại không bị phạt? Mà cởi áo ăn mừng trong trận lại bị phạt? Về bản chất chúng có gì khác nhau đâu, khi mọi người đều có thể nhìn thấy cơ thể của cầu thủ? Sau chiếc thẻ vàng của Gray, đã đến lúc giới làm luật bóng đá phải suy nghĩ lại!

Bài liên quan