Những điều cần biết về UEFA Nations League – Siêu giải đấu của các ĐTQG châu Âu mới được sáng lập

UEFA Nations League được gọi là “siêu giải đấu” dành cho các ĐTQG. Giải đấu này mới được UEFA sáng lập với mục đích tạo ra các trận đấu hấp dẫn hơn thay cho các trận giao hữu vô bổ.

Giải UEFA Nations League là giải đấu như thế nào?

Nations League là giải đấu mới được LĐBĐ châu Âu sáng lập dành cho các ĐTQG ở châu Âu. Mục đích của UEFA là hạn chế những trận giao hữu vô bổ. Ngoài việc tìm ra nhà vô địch, giải đấu này còn là cơ sở để lựa chọn các đội bóng tham dự VCK EURO thay vì vòng loại như trước.

Nations League được UEFA cho ra mắt

Thể thức

Sẽ có 55 ĐTQG châu Âu tham dự UEFA Nations League, được chia làm 4 hạng (với tên gọi A, B, C và D) dựa theo thứ hạng trên BXH UEFA tháng này.

Ở mỗi hạng đấu, các đội bóng sẽ được chia làm các bảng đấu (3 hoặc 4 bảng). Các đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ thăng hạng. Ngược lại, các đội cuối bảng sẽ xuống hạng.

Ở hạng đấu cao nhất, 4 đội bóng đứng đầu mỗi bảng sẽ dự tranh giải Final Four để tìm ra nhà vô địch.

Chia bảng thế nào?

Dựa theo thứ tự trên BXH UEFA, UEFA đã chia 55 đội bóng vào 4 hạng đấu khác nhau. Ở hạng cao nhất (A) sẽ có sự góp mặt của các đội bóng hàng đầu lục địa già như Đức, Anh, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha, Hà Lan,…

Hạng A và B có 12 đội, hạng C có 15 đội và hạng D có 16 đội. Lễ bốc thăm sẽ diễn ra vào ngày 24/1/2018 tại Lausanne (Thụy Sỹ). Vì lý do chính trị, Armenia – Azerbaijan sẽ không nằm chung bảng. Tương tự là trường hợp của Nga và Ukraine.

Hạng A (4 bảng, mỗi bảng 3 đội): Đức, Bồ Đào Nha, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Thụy Sỹ, Italia, Ba Lan, Iceland, Croatia, Hà Lan.

Hạng B (4 bảng, mỗi bảng 3 đội): Áo, Wales, Nga, Slovakia, Thụy Điển, Ukraine, CH Ailen, Bosnia & Herzegovina, Bắc Ailen, Đan Mạch, CH Séc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hạng C (1 bảng 3 đội, 3 bảng 4 đội): Hungary, Romania, Scotland, Slovenia, Hy Lạp, Serbia, Albania, Na Uy, Montenegro, Israel, Bulgaria, Phần Lan, Đảo Síp, Estonia, Lithuania.

Hạng D (4 bảng, mỗi bảng 4 đội): Azerbaijan, Macedonia, Belarus, Georgia, Armenia, Latvia, Quần đảo Faroe, Luxembourg, Kazakhstan, Moldova, Liechtenstein, Malta, Andorra, Kosovo, San Marino, Gibraltar.

Chia nhóm hạt giống tại Nations League

Giải đấu diễn ra khi nào?

Lượt trận đầu tiên: 6-9/9/ 2018

Lượt trận thứ 2: 9-11/9/2018

Lượt trận thứ 3: 11-13/10/2018

Lượt trận thứ 4: 14-16/10/2018

Lượt trận thứ 5: 15-17/11/2018

Lượt trận thứ 6: November 18-20/11/2018

Chung kết: 5-9/6/2019

Giải “Final Four” là thế nào?

Final Four là vòng đấu tranh chức vô địch của 4 đội dẫn đầu 4 bảng ở hạng đấu cao nhất (A). Vòng đấu này sẽ diễn ra theo thể thức knock-out và sẽ được tổ chức ở 1 quốc gia theo chỉ định của UEFA. Đội giành chiến thắng chung cuộc sẽ là nhà vô địch của Nations League.

Vòng đấu này sẽ diễn ra vào tháng 6/2019. Do diễn ra vào năm lẻ nên Final Four không ảnh hưởng tới VCK EURO hay World Cup.

Nations League có ảnh hưởng thế nào đến vòng loại EURO?

Vòng loại EURO 2020 sẽ khởi tranh từ tháng 3/2019. Các đội bóng được chia làm 10 bảng (5 bảng 5 đội và 5 bảng 6 đội). Tổng cộng, sẽ có 10 loạt trận. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé trực tiếp tham dự VCK EURO. 4 suất còn lại được xác định qua vòng play-off.

Đáng chú ý, sẽ có tổng cộng 16 đội bóng tham dự vòng play-off. 16 suất này được lấy từ giải UEFA Nations League.

Các đội bóng từ nay có thể giành vé dự EURO thông qua Nations League

Cụ thể, mỗi hạng đấu ở UEFA Nations League sẽ được trao 4 suất dự vòng play-off. Nếu đội dẫn đầu mỗi bảng đã giành vé dự VCK EURO 2020 thì các đội xếp sau (chưa có vé dự EURO) sẽ được trao vé dự play-off.

16 đội dự vòng play-off sẽ được chia làm 4 bảng đấu. 4 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ đoạt vé vớt dự VCK EURO 2020. Bởi vậy, nếu 1 đội bóng không thể giành vé dự EURO theo cách truyền thống, họ có thể lấy vé từ giải UEFA Nations League.

Lợi ích ra sao?

Theo phân tích của UEFA thì giải Nations League sẽ tạo ra các trận đấu ý nghĩa và kịch tính hơn cho các đội bóng thay vì các trận giao hữu vô bổ. Ngoài ra, các đội bóng yếu cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để đến với VCK EURO.

Cũng theo cách phân loại của UEFA, các đội bóng yếu sẽ thi đấu với các đối thủ cùng cấp độ. Sự cân bằng sẽ giúp các trận đấu bớt nhàm chán cho NHM.

Nations League có thể thay thế giao hữu?

UEFA cho rằng với Nations League, các ĐTQG sẽ không cần phải tham dự các trận giao hữu vô bổ. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Sẽ vẫn có khoảng thời gian nghỉ để các ĐTQG tham dự các trận giao hữu, đặc biệt là các đội bóng ở hạng A, B và C.

Việc Nations League ra đời, số trận đấu mà các ĐTQG lớn phải thi đấu sẽ nhiều hơn

Ngoài ra, các đội bóng lớn vẫn cần tới những trận giao hữu với các đối thủ mạnh ở các khu vực khác để đánh giá thực lực, đặc biệt là trước các giải đấu lớn như EURO hay World Cup. Vấn đề đáng lo ngại là số trận đấu quốc tế có thể sẽ tăng thêm.

Nations League có khiến cầu thủ quá tải?

Nhìn chung, số trận đấu quốc tế sẽ không tăng thêm. Đây cũng là yêu cầu của UEFA khi sáng lập Nations League. Vì thế, Hiệp hội các CLB châu Âu không phản đối giải đấu này.

Nếu như các ĐTQG không tham dự nhiều trận giao hữu mang tính cá nhân thì Nations League có lợi cho các CLB châu Âu bởi các cầu thủ của họ không phải di chuyển quá nhiều.

Bài liên quan