Sau 10 năm đưa Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á, thế hệ vàng vô địch AFF 2008 ngày ấy bây giờ ra sao?

Hãy cùng chúng tôi điểm lại những gương mặt góp công lớn trong chức vô địch lịch sử 2008 ngày ấy.

1. Thủ môn Dương Hồng Sơn

Năm 2008, tuyển Việt Nam có 3 thủ môn là Dương Hồng Sơn, Bùi Quang Huy và Trần Đức Cường. Dương Hồng Sơn và Quang Huy đã giải nghệ, đang đảm nhận công tác đào tạo trẻ tại CLB Hà Nội và Nam Định. Thủ môn Trần Đức Cường vẫn thi đấu và thuộc biên chế của Bình Dương.

2. Trung vệ Lê Phước Tứ

Tại AFF Cup 2008, Phước Tứ được đánh giá là hòn đá tảng ở trung tâm hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam nhờ lối chơi mạnh mẽ và quyết đoán. Màn trình diễn ấn tượng của trung vệ gốc Quảng Nam khiến 2 năm sau Sài Gòn Xuân Thành sẵn sàng trả 12 tỷ đồng để đưa anh về. Dưới thời cựu HLV Toshiya Miura, Phước Tứ vẫn là trụ cột của hàng thủ tuyển Việt Nam. Hiện tại, Phước Tứ đã rẽ sang nghiệp huấn luyện khi về đầu quân cho lò đào tạo trẻ PVF.

3. Trung vệ Vũ Như Thành

Hiện tại cầu thủ sinh năm 1981 đã chia tay sân cỏ và có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ mới cưới

4. Hậu vệ Lê Quang Cường

Quang Cường là trường hợp điển hình về sự thành đạt ở góc độ thành tích và sự ổn định về khía cạnh tài chính. Hai năm cùng SHB.ĐN vô địch V.League (2009, 2012), Quang Cường trở thành công thần của Đà Nẵng. Lên đỉnh cao, anh đi đến quyết định giải nghệ khi bước vào tuổi 30. Chia tay sân cỏ, cựu hậu vệ khăn gói sang Mỹ tái hợp với vợ sau nhiều năm xa cách. Quang Cường quyết định cùng vợ mở hệ thống spa, chăm sóc sức khỏe tại Mỹ.

5. Hậu vệ Huỳnh Quang Thanh

Với khả năng công thủ toàn diện, Quang Thanh là gương mặt không thể thay thế bên hành lang cánh phải của đội tuyển Việt Nam. Sau AFF Cup 2008, Quang Thanh vẫn là trụ cột tại đội tuyển quốc gia đến AFF Cup 2012. Năm 2013, sau 9 năm gắn bó với Bình Dương, Quang Thanh chính thức chuyển về Long An và thi đấu.

6. Hậu vệ Đoàn Việt Cường

Sự nghiệp của anh sa sút không phanh vì những câu chuyện phức tạp ngoài sân cỏ. Có thể nói Việt Cường là cầu thủ lận đận bậc nhất so với các đồng đội trong đội hình AFF Cup 2008. Việt Cường hiện tại đã giải nghệ. Lực lượng hậu vệ của “The Golden Stars” tại giải đấu lịch sử còn có Thanh Giang (đã giải nghệ), Minh Đức (thi đấu tại Sông Lam Nghệ An).

7. Tiền vệ Nguyễn Minh Châu

Máy quét sinh ra tại Quảng Ninh đã đeo băng đội trưởng ở CLB Hải Phòng nhiều năm qua. Giống Thành Lương, AFF Cup 2008 là giải đấu lớn đầu tiên của Minh Châu trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Tuy chỉ đóng vai trò dự bị, vào sân trong từng thời điểm tùy theo thế trận nhưng sức càn lướt của Minh Châu mang đến những giải pháp để thay đổi chiến thuật giúp thầy trò HLV Henrique Calisto đi đến cái đích cuối cùng.

8. Tiền vệ Nguyễn Minh Phương

Cựu đội trưởng ĐTVN đang giữ chức HLV trưởng CLB SHB Đà Nẵng. Anh chính là người đá quả phạt để Công Vinh đánh đầu ghi bàn thắng vàng.

9. Tiền vệ Phan Văn Tài Em

Đội trưởng tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008 đang đảm nhiệm vai trò HLV của CLB Long An.

10. Tiền vệ Lê Tấn Tài

Cầu thủ quê Khánh Hòa hiện tại khoác áo B.Bình Dương. Lực lượng tuyển Việt Nam năm 2008 còn có các tiền vệ Thạch Bảo Khanh (đang làm công tác đào tạo trẻ cho CLB Hà Nội) và Trường Giang (đã từ giã sân cỏ).

11. Tiền vệ Nguyễn Vũ Phong

Hiện anh đã giải nghệ và về Đà Nẵng làm trợ lý cho Minh Phương. Với 3 lần lập công, Vũ Phong là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008. Trong đó 2 pha lập công của Vũ Phong ở chiến thắng 3-2 trước Malaysia tại vòng bảng đã giúp Việt Nam thoát hiểm thành công.

12. Tiền vệ Phạm Thành Lương

AFF Cup 2008 là giải đấu đầu tiên của Thành Lương trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Tuy chỉ đóng góp một bàn thắng nhưng tiền vệ nhỏ con đã để lại dấu ấn sâu đậm bằng lối chơi kỹ thuật cùng sự tinh quái. Thành Lương mới chia tay đội tuyển sau AFF Cup 2016. Hiện anh vẫn tỏa sáng đều đặn trong màu áo CLB Hà Nội.

13. Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng

Tháng 11/2014, tiền đạo đóng góp nhiều công lao cho tuyển Việt Nam chính thức treo giày. Sau khi giải nghệ, Việt Thắng làm việc tại lò đào tạo trẻ PVF.

14. Tiền đạo Lê Công Vinh

Chân sút số 1 lịch sử đội tuyển quốc gia Việt Nam mới giải nghệ sau AFF Cup 2016. Anh lập tức được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch CLB TP.HCM. Sau 1 năm chèo lái con thuyền TPHCM, Công Vinh quyết định chia tay để quản lý học viện bóng đá CV9 của riêng mình.

 

Bài liên quan