Tổng kết SEA Games: 12 vụ bê bối đáng xấu hổ của chủ nhà Malaysia

Chủ nhà SEA Games sẵn sàng chơi khăm, xử ép VĐV nước bạn và bẻ cong luật nhằm giúp VĐV Malaysia chiến thắng. Đại hội thể thao Đông Nam Á tiếp tục mang tầm vóc của giải đấu ao làng.

1. In nhầm quốc kỳ các quốc gia

Trong quyển sổ lưu niệm lễ khai mạc SEA Games 2017, quốc kỳ Indonesia bị in ngược, biến thành quốc kỳ Ba Lan. Bộ trưởng thể thao và thanh niên Malaysia đã phải muối mặt xin lỗi vì sự cố này. Chưa hết, trên sóng truyền hình, quốc kỳ các quốc gia Đông Nam Á còn bị xếp loạn xạ. Thậm chí, kênh truyền hình Malaysia còn cẩu thả đến mức nhầm lẫn quốc kỳ của chính quốc gia mình.

2. Trao 2 HCV cho 1 nội dung

Trong nội dung thi ngựa tay quay môn TDDC hôm 22/8, chủ nhà Malaysia quyết định trao 2 huy chương vàng cho cặp VĐV chủ nhà Tan Fu Jie và Loo Phay Xing.

3. VĐV chạy bộ trong nội dung đi bộ

Ở môn đi bộ 10km nữ chiều 23/8, VĐV Phan Thị Bích Hà bật khóc tức tưởi vì bị cướp mất HCV một cách trắng trợn. Đối thủ người Malaysia, Elena Gohling Yin, đổi từ đi bộ sang chạy về đích và được các trọng tài dung túng để chiến thắng

4. Đội đua xe đạp đi đường tắt về đích

Ở nội dung 50 km đồng đội nam tính giờ môn đua xe đạp, chủ nhà Malaysia giành chức vô địch đầy nghi vấn. Cuộc đua bước vào những vòng cuối chứng kiến cuộc cạnh tranh giữa VĐV của Thái Lan và Việt Nam. Kết quả, đội đua xe đạp Thái Lan cán đích trước với thời gian 1 giờ 01 phút 56 giây. Tuy nhiên, tất cả đều bất ngờ khi ban tổ chức thông báo cua-rơ của Malaysia cán đích trước đó 19 giây (1 giờ 1 phút 37 giây).

5. CĐV Myanmar bị CĐV Malaysia đánh sưng mặt

Sau trận đấu diễn ra tối 21/8 giữa U22 Malaysia và U22 Myanmar, hội CĐV Myanmar đăng tải bức ảnh thành viên của hội phải nhập viện với 1 bên má sưng vù do bị hành hung dã man.

6. Cả đội cầu mây nữ Indonesia bỏ thi đấu vì trọng tài xử ép

Trong trận cầu mây nữ giữa Malaysia và Indonesia hôm 20/8, đội khách vì không hài lòng với trọng tài đã tự ý bỏ ngang trận đấu. Trong một pha phát cầu, trọng tài cho rằng phía Indonesia mắc lỗi kỹ thuật. Không đồng tình với phán quyết đó, HLV Asry Syam của Indonesia lập tức lao vào sân phản đối, ông cũng kêu gọi học trò thu xếp đồ đạc rời sân. Mặc khuyên ngăn của BTC, toàn đội Indonesia vẫn dời nhà thi đấu và bị xử thua 0-2.

7. Trọng tài cho VĐV nghỉ ngơi trái luật

Ở nội dung quyền anh hạng 46-49kg giữa Indran Ramakrishnan của chủ nhà Malaysia và Eumir Marcial của Philippines, vị trọng tài đã có hành động vô lý khi cho phép tay đấm chủ nhà về góc đài nghỉ ngơi lau mặt trong 29 giây sau khi bị đấm đo sàn. Một hiệp đấu boxing kéo dài 3 phút nên hành vi của trọng tài được xác định là trái luật. Thế nhưng, với năng lực có hạn Indran Ramakrishnan vẫn chấp nhận chịu thua Eumir Marcial dù được trọng tài hết sức giúp đỡ.

8. Bị đánh ngất xỉu vẫn giành HCV

Ở chung kết hạng 60-65kg nam, Razak Bin Ghazali đối đầu với võ sĩ Thái Lan Pornteb Poolkaew. Khi đang dẫn 3-1 ở hiệp hai, võ sĩ chủ nhà trúng đòn của Pornteb và nằm vật dưới sàn. Dính cú đòn quá nặng khiến võ sĩ Malaysia bị ngất xỉu. Lúc công bố kết quả, các trọng tài xử võ sĩ Malaysia giành chiến thắng còn Poolkaew của Thái Lan thua trận vì lý do làm chấn thương đối thủ.

9. Chủ nhà bắt VĐV kiểm tra doping đến nửa đêm

Dự đoán VĐV Nguyễn Văn Lai của đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ có HCV ở nội dung 5.000m, BTC nước chủ nhà đã làm đủ “trò bẩn” để ngăn cản. Sau cuộc thi 10.000 mét, VĐV Indonesia về nhất bỏ Văn Lai rất xa nhưng không phải xét nghiệm doping. Ngược lại, Văn Lai phải làm các xét nghiệm đến gần 1h sáng mới về đến nhà, không ăn uống được, người mệt mỏi.

10. Trọng tài chấm điểm quá tay, VĐV Malaysia phá kỷ lục thế giới

Ở nội dung seni môn pencak silat, đôi Taqiyuddin bin Hamid và Rosli bin Mohd Sharif (Malaysia) giành HCV với 582 điểm. Trong khi đó, đội Indonesia giành được 554 điểm, đoạt HCB. Ở nội dung này, kỷ lục thế giới chỉ là 570 điểm. Như vậy, trọng tài đã chấm điểm quá tay đến mức giúp đôi VĐV Malaysia phá luôn kỷ lục thế giới.

11. VĐV Việt Nam uất ức phát khóc dù đoạt HCV

Chiều 24/8, Dương Thị Việt Anh nhảy cao đạt 1,83 mét, bằng mức của VĐV Michelle Suat Li (Singapore) và Yap Sean Yee (Malaysia). Hai VĐV Việt Nam và Singapore lọt vào vòng play-off tranh HCV. Dương Thị Việt Anh là người chiến thắng nhưng ban tổ chức của nước chủ nhà đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có: quyết định không công nhận màn thi play-off. VĐV Việt Nam và Singapore do vậy phải “cưa đôi” HCV.

12. Trọng tài dùng đủ trò giúp VĐV Malaysia giành vàng

Ở trận chung kết hạng cân dưới 68kg nam môn Taekwondo, võ sĩ Alcantara áp đảo và liên tục dẫn điểm trước đại diện của chủ nhà Malaysia là Rozaimi Rozali. Tuy nhiên, trận đấu bất ngờ tạm dừng vì cảm biến trên áo giáp của 2 võ sĩ bị hỏng khi tỷ số đang là 13-11 nghiêng về Alcantara. Nhờ cảm biến hỏng, các trọng tài chấm thủ công và tha hồ xử ép VĐV Philippines. Alcantara liên tục dẫn điểm nhưng cứ mỗi lần như vậy, HLV của Malaysia lại khiếu nại thành công và được cộng thêm điểm để gỡ hòa. Những lần khiếu nại của ban huấn luyện đội Malaysia không giúp VĐV của họ vượt lên về điểm số nhưng họ đã thành công trong việc khiến võ sĩ của Philippines vượt quá 10 lần bị cảnh cáo. Theo luật, Alcantara bị xử thua dù trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 17-17.

Bài liên quan