Ở vị thế ngôi sao được triệu người yêu mến, trách nhiệm phải chịu đựng áp lực từ sự kỳ vọng là điều đương nhiên với Công Phượng. Nhưng sự chịu đựng nào mà chả có giới hạn.
1. Trên sân Thống Nhất hai tuần trước, trước ống kính máy quay, lần đầu tiên người ta thấy một Công Phượng thất thần, ngán ngẩm như thế ngoài đời. Trên sân bóng, không thiếu những khoảnh khắc chân sút trẻ này từng gục ngã, thậm chí là quỵ ngã không thể ngồi dậy nổi, nhưng trước micro lần này, dường như sức chịu đựng của Phượng đã đến ngưỡng.
“Ăn” liên tiếp 4 câu hỏi về bạn gái, là 4 lần Công Phượng từ chối, thậm chí còn rất ngạc nhiên trước sự “chai mặt” của phóng viên, với câu trả lời nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa đầy sự giận dữ và bực bội: “Dạ anh làm ơn… Em mới nói gì ạ? Anh không hiểu à?”. Vẫn không được buông tha, rốt cuộc Phượng chỉ còn biết trả lời bằng cái hất đầu về phía sân bóng. “Khô héo lời” là có thật, chứ chẳng phải nói chơi.
Tròm trèm 14 năm trước, ngày 14/11/2003, tại nước Đức xa xôi, chủ tịch Uli Hoeness của CLB Bayern Munich (lúc đó vẫn còn là Tổng giám đốc) sai thư ký gọi điện cho Sebastian Deisler để yêu cầu tiền vệ ngôi sao này đến đại bản doanh quay phim cho chiến dịch quảng bá mới của hãng thể thao Adidas.
Người thư ký trao đổi điện thoại với Deisler một lúc rồi hoảng hốt đề nghị đích thân ông Uli Hoeness trực tiếp nói chuyện điện thoại với Deisler ngay lập tức. Ông Hoeness cầm điện thoại. Ở đầu dây bên kia, Deisler nói với ông rằng anh đang ở mức cuối cùng của sự chịu đựng.
Hoeness vội vã gọi cho HLV Ottmar Hitzfeld, sau đó cả hai cùng giáo sư Holsboer – bác sỹ chuyên khoa tâm lý vội vã lái xe đến nhà riêng của Deisler. Sau cuộc nói chuyện khá lâu, giáo sư Holsboer kết luận rằng tiền vệ này sẽ không thể làm nổi bất cứ việc gì nữa, chứ đừng nói đến chuyện thi đấu hay quay quảng cáo.
Một ngày sau, Deisler nhập viện để điều trị chứng tâm thần. Và đó là điểm kết thúc của một thiên tài bóng đá. Sebastian Deisler – ngôi sao sáng nhất của bóng đá Đức những năm đầu thế kỷ 21 sau đó vật vờ như một cái bóng ở Allianz Arena thêm vài năm nữa trước khi giải nghệ.
Giải nghệ năm 27 tuổi, nhưng bóng đá đã kết thúc với Sebastian Deisler ở tuổi 23.
2. Nhắc đến Deisler, người ta thường hay so sánh với Tuấn Anh, bởi giữa họ là sự trùng hợp về những chấn thương liên miên khiến sự nghiệp bóng đá của hai cầu thủ là những tài năng bóng đá hiếm có tầm quốc gia gặp nhiều trắc trở, thậm chí luôn nằm chênh vênh trên bờ vực giải nghệ, nhưng ở một góc khuất sâu hơn, ít người biết hơn, Deisler giống Công Phượng hơn nhiều.
Như Công Phượng, Deisler từng là ngôi sao trẻ sáng giá nhất của đội tuyển quốc gia, với những tố chất và sự thể hiện đem đến sự thán phục, say mê cho cả triệu người yêu bóng đá ở đất nước mình.
Như Công Phượng, Deisler cũng bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của mình năm 19 tuổi, và lần đầu tiên đặt chân lên đội tuyển quốc gia năm mới 20 tuổi. Cả hai đều nhận sự kỳ vọng lớn lao nhất của người hâm mộ để chinh phục những danh hiệu danh giá, với Deisler là chức vô địch châu Âu và thế giới, còn với Công Phượng là AFF Cup và SEA Games.
Những tháng ngày tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của họ, sự kỳ vọng của người hâm mộ và của chính bản thân đều không trở thành hiện thực, và nó là con dao hai lưỡi quay lại hành hạ chính bản thân Deisler, khiến anh rơi vào trạng thái trầm cảm. Đấy mới chính là lý do hạ gục cầu thủ từng được kỳ vọng là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Đức, chứ không phải chấn thương.
Với Công Phượng, sự kỳ vọng của bầu Đức, của “lò” HAGL, của HLV Park Hang-seo, của những người hâm mộ từng đặt hết niềm tin vào lứa U19 ngày nào, từng gào thét tên Công Phượng trên Mỹ Đình, trên Thống Nhất, trên Hàng Đẫy và nhiều sân vận động khác là gánh nặng không tên, nhưng chẳng hề nhẹ chút nào.
Bên cạnh đó là gánh nặng là hình ảnh đại diện cho HAGL, cho nhà tài trợ – ở cả CLB lẫn đội tuyển, là nơi dư luận trút sự giận dữ mỗi khi đội tuyển thất bại. Sau những thất bại đớn đau, HLV Hữu Thắng từ chức là xong, còn Công Phượng vẫn đứng đấy, trên sân cỏ để nhận sự giận dữ, chỉ trích giữa quay cuồng lịch thi đấu, tập luyện… Phượng chỉ mới có 22 tuổi.
Bớt yêu Phượng đi một chút cũng được. Bớt kỳ vọng nơi đôi chân đã đôi phần mỏi mệt, dù vẫn đang phơi phới thanh xuân ấy một chút cũng được. Để rồi bớt nói những lời cay đắng, hay hành hạ Phượng bằng những câu hỏi vô nghĩa, phản cảm đến độc ác như thế nữa đi. Hãy cho Công Phượng một chút không gian của riêng mình, để tuổi thanh xuân ấy không là ác mộng, khi một ngày nào đấy Công Phượng muốn soi lại chính mình.
Trong thế giới bóng đá nghiệt ngã của những thần đồng, chỉ một Sebastian Deisler là quá đủ!