Vũ Văn Thanh – từ cậu bé bệnh tim bẩm sinh đến dáng đứng lừng lững khiến cả châu Á ngước nhìn

Bây giờ hình ảnh Vũ Văn Thanh khoanh tay trước ngực một cách đầy kiêu hãnh sau khi thực hiện thành công quả Penalty quyết định đưa U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á đã trở thành một biểu tượng cho lòng tin và ý chí của cả dân tộc. Rất nhiều trường học đã đưa hình ảnh Văn Thanh vào đề thi ngữ văn. Tuy nhiên, người dân quê Thanh vẫn nhớ 1 cậu bé Văn Thanh với dáng hình nhỏ bé, đen đúa và đặc biệt nhút nhát.

Út ít nhất nhà, Văn Thanh lớn lên trong sự bao bọc của bà nội

Ông Vũ Văn Hộ (bố Vũ Văn Thanh, xã Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương) sở hữu mái tóc dài hất ngược ra sau và một vầng trán cao rộng. Nhìn ông Hộ, người ta dễ lầm tưởng ông là nghệ sỹ, nhưng thực ra ông lại là thợ xây lâu năm. Suốt cả thời trai trẻ, ông Hộ lang bạt ở mạn Lạng Sơn, Bắc Giang kiếm sống bằng nghề xây dựng.

Ông không nói rõ, song thông qua một vài chi tiết, có thể đoán được là công việc không thuận lợi, và ông chẳng kiếm được bao nhiêu để nuôi gia đình. Thậm chí, ông còn bị “thua lỗ”. Vợ của ông Hộ, bà Nguyễn Thị Giàn, cày sâu cuốc bẫm trên vài sào ruộng để nuôi 3 đứa con là Vũ Văn Hà, Vũ Thị Thủy và Vũ Văn Thanh.

Nói tiếp về ông Hộ, ông là con út trong gia đình, cũng là người con được cụ Vũ Thị Hiên yêu quý nhất, hay nói đúng hơn là cưng chiều nhất. Cụ Hiên không ở với các con trai lớn mà ở với ông Hộ. Cụ để nhà, để đất cho ông Hộ. Rồi cả “tiền lương” thờ phụng liệt sỹ (người con trai Vũ Văn Xúc của cụ Hiên đã hi sinh trong chiến tranh năm 1972), cụ cũng dành để đắp đổi cho gia đình con út.

Suốt cả tuổi thơ, trong hoàn cảnh bố đi làm xa nhà quanh năm, Vũ Văn Thanh chủ yếu sống trong sự bao bọc của bà nội. Ông Vũ Văn Hộ kể: “Lương liệt sỹ ngày trước chỉ được ba trăm mấy chục nghìn, nên cuộc sống của mấy bà cháu đương nhiên vất vả. Thanh là út ít thêm nếm trong nhà, bữa lưng bữa vực mà lớn lên. Bà nội thương Thanh lắm, song sức bà cũng có hạn, chỉ giúp được chút nào hay chút ấy. Bà nội Thanh mất 4 năm trước, không được thấy cháu vinh quang như ngày hôm này”.

Văn Thanh hồi nhỏ

Mẹ của Vũ Văn Thanh nhớ lại: “Từ nhỏ, Thanh hiền lành và chăm chỉ lắm. Anh và chị đều đi làm ăn khi vừa mới lớn lên. Thanh còn nhỏ nhưng vẫn phụ mẹ việc nhà. Có hôm, phơi cả một sân thóc mà trời lại đổ mưa rào, tôi chạy từ ngoài ruộng về thì thấy Thanh đang ra sức cào thóc. Cái dáng nó bé tý, lại đen nhẻm, cầm bồ cào to gấp đôi thân người mà hì hụi cào thóc giúp mẹ. Tôi chảy cả nước mắt”.

“Mày về thì bố sắm cho đôi quang gánh”

Khoảng 10 năm trước, nhiều chuyện không may xảy ra với gia đình Vũ Văn Thanh. Ông Vũ Văn Hộ vẫn làm ăn thua lỗ, trong khi cậu con trai cả Vũ Văn Hà không thấy gửi tiền về phụ giúp gia đình. Anh Hà sinh năm 1989, năm đó chưa đầy 20 tuổi, song đã đi vào Sài Gòn kiếm ăn được một thời gian dài. Ông Hộ gọi điện cho anh Hà bảo gửi tiền về để lát nốt phần sân trước cửa nhà. Anh Hà nhận lời, song chưa kịp gửi tiền thì xảy ra tai nạn.

Ông Hộ kể: “Năm đó, Hà làm nghề chạy xe giao cà phê ở trong đó. Hôm bữa, Hà quệt vào một người phụ nữ. Bà này chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh nên Hà không tránh kịp. Bà ấy ngã xuống, bị chấn thương nặng, một tuần sau đó thì mất. Mình gây tai nạn thì mình phải chịu, gia đình tôi cũng chạy vạy vay một khoản tiền lo tang lễ cho nạn nhân. Hà vừa đi làm, lấy đâu ra số tiền lớn? Vậy là, hai vợ chồng tôi quyết định bán nhà, bán đất để lo cho con. Thôi thì con dại cái mang, biết làm sao được! Cả nhà tôi lếch thếch kéo nhau ra rìa làng dựng túp lều ở tạm”.

Về phần Vũ Văn Thanh, năm đó 11 tuổi, “lúc nào cũng ôm trái bóng 2 nghìn đồng”. Nghe kể, Văn Thanh học văn hóa bình thường, nhưng chơi bóng cực kỳ tốt. Lúc đó, Văn Thanh là cầu thủ hay nhất xã Tứ Cường và được gọi lên ăn tập cùng đội tuyển bóng đá nhi đồng tỉnh Hải Dương. Nơi tập luyện cách nhà gần 30km và chỉ được về nhà 2 lần mỗi tháng khiến cậu bé Văn Thanh nhớ nhà. Thậm chí, Văn Thanh khi ấy còn không dám tập luyện vì huấn luyện viên lớn tiếng với học trò quá, làm cậu sợ.

Văn Thanh cùng U11 Hải Dương đoạt giải nhất bảng 3 toàn quốc

Cậu bé khóc nhiều lần, đòi về với gia đình. Ông Hộ chia sẻ, gia đình nhiều lần phải để mẹ, rồi các anh, các chị lần lượt xuống thăm Văn Thanh. Nhưng cậu vẫn muốn về. Cuối cùng, ông phải dọa nạt để Văn Thanh dành toàn tâm toàn ý tập luyện. Bố của Văn Thanh bảo cậu bé: “Mày về thì bố sắm cho đôi quang gánh với đôi xảo để đi hót phân. Thế là nó sợ”.

Những hy sinh, nỗ lực của cậu bé Văn Thanh đã được đền đáp. Năm 2007, Văn Thanh cùng đội bóng đá U11 tỉnh Hải Dương vô địch giải Nhi đồng quốc gia và được tuyển thẳng vào lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG sau màn trình diễn xuất sắc. Nhưng cậu bé vẫn không muốn xa gia đình, hơn nữa lại nghe ai đó dọa rằng “vào Gia Lai là vào rừng rú, rắn rết” nên cậu bé càng kinh hãi. Về sau, tỉnh Hải Dương có thêm 3 cái tên nữa được tuyển vào học viện (trong đó có Văn Toàn), thì Văn Thanh mới chịu lên phố núi ăn tập.

Bố giấu gia đình chuẩn bị tiền chữa bệnh tim cho Văn Thanh

Văn Thanh xa nhà từ năm 11 tuổi. Bà nội nhiều lần gọi điện kêu ca: “Bóng với bánh cái gì, về với bà”. Song, ông Hộ và bà Giàn lại rất muốn con trai theo đuổi đam mê. Ông Hộ cho biết: “Nhà tôi không có điều kiện như gia đình của Văn Toàn hay Tuấn Anh, vì thế mỗi tháng chỉ tích cóp vài trăm gửi cho Thanh tiêu vặt thôi. Ban đầu, Thanh cũng nhớ nhà lắm, sau đó quen dần. Các thầy đánh giá rất cao Thanh, thế nhưng lại có chuyện tày trời xảy ra”.

Tại Hoàng Anh Gia Lai JMG, hàng tháng, học viên được kiểm tra sức khỏe một lần nhằm đánh giá sự phát triển về thể lực cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Trong quá trình kiểm tra, các bác sỹ phát hiện Văn Thanh có biểu hiện bất thường liên quan đến tim. Cụ thể, Văn Thanh bị hẹp van tim. Thông tin này lập tức được phía đơn vị đào tạo chia sẻ với gia đình học viên, cụ thể là ông Hộ.

Ông Vũ Văn Hộ kể chuyện về con trai

Ông Hộ nhớ lại: “Khi nhận tin báo Thanh bị bệnh tim, tôi rất buồn. Nhưng mà tôi không nói với ai cả. Tôi âm thầm chuẩn bị tiền để chữa bệnh cho Thanh. Tuy nhiên, phía Hoàng Anh Gia Lai rất tử tế, họ nói rằng họ sẽ chịu mọi phí tổn trong quá trình chữa trị. Nếu Thanh phải mổ ở Sài Gòn thì gia đình chỉ cần cử người vào đó chăm sóc cho Thanh.

Họ còn tính đến phương án đưa Thanh ra nước ngoài phẫu thuật. Rất may, sau khi hội chẩn, bác sỹ đưa ra cách điều trị không dùng đến phẫu thuật. Cụ thể, họ cho Thanh uống một loại thuốc đặc biệt, giá 3 triệu đồng/viên. Uống  ngày 2 lần, ròng rã trong 3 năm. Chú tính là bao nhiêu tiền? Cuối cùng thì bệnh của Thanh cũng lành, mà Thanh còn khỏe như vâm nữa”.

Biết thêm được bí mật này của Văn Thanh, chắc hẳn người hâm mộ càng yêu mến chàng trai này và đặc biệt biết ơn HAGL. Đúng, nếu không tử tế, HAGL hoàn toàn có thể cho Văn Thanh tiến hành ca phẫu thuật với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn rất nhiều.

Từ cậu bé bị bệnh tim ngày nào đến dáng đứng hiên ngang, lừng lững này của Văn Thanh… là cả một câu chuyện cổ tích.

Theo tuoitredoisong

"Thông tin trên đây chỉ để tham khảo nó là những dữ liệu, sự kiện, hoặc ý kiến được cung cấp để hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập, và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được coi là chính thức hay quyết định cuối cùng trong bất kỳ hoạt động nào."

Bài liên quan