10 “viên ngọc quý” châu Á đắt giá nhất thế giới: Ngã mũ trước “Ronaldo xứ Hàn”

Châu Á từ lâu đã có thời từng bị coi là vùng trũng của bóng đá thế giới nhưng kể từ khi kỳ World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc được tổ chức thành công thì nền bóng đá thế giới cũng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của môn thể thao vua tại lục địa này.

Các cầu thủ, các đội bóng châu Á đã có những thành tích thi đấu khá tốt trên đấu trường quốc tế, điển hình là World Cup, qua đó chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, châu Á không chỉ có những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt mà nơi đây còn là đất lành của nhiều tài năng bóng đá thế giới. Hãy cùng điểm qua những cầu thủ châu Á sáng giá nhất để cùng nhìn lại sự lớn mạnh của bóng đá tại châu lục này.

10. Atsuto Uchida – Nhật Bản

Sau 2 lần được đưa vào danh sách Đội hình tiêu biểu năm của giải bóng đá J-League, Uchida chuyển sang Bundesliga thi đấu trong màu áo Schalke 04 và kể từ đó, hậu vệ này thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính của đội bóng nước Đức. Uchida đã cùng Schalke 04 gặt hái được một số thành công, trong đó đáng kể nhất là chức vô địch cúp quốc gia Đức và siêu cúp nước Đức. Còn trong màu áo đội tuyển quốc gia, Uchida đã cùng Nhật Bản tham dự 2 kỳ World Cup 2010 và 2014. Ngoài ra, Uchida còn là diễn viên lồng tiếng cho bộ phim “Pokémon”.

9. Keisuke Honda – Nhật Bản

Tháng 1 năm 2014, Keisuke Honda chuyển tới AC Milan dưới dạng chuyển nhượng tự do và tại Italy, cầu thủ này đã có một màn khởi đầu quá tuyệt vời khi ghi 4 bàn trong 6 trận đấu cho Milan. Trong màu áo Nhật Bản, Keisuke Honda đã tham dự 2 kỳ World Cup, khoác áo đội tuyển 61 trận và ghi 23 bàn thắng. Cầu thủ này nổi bật với khả năng chọn vị trí và đặc biệt là khả năng sút phạt thần sầu. Chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ cú sút phạt của Honda vào lưới tuyển Đan Mạch ở vòng bảng World Cup 2010.

8. Yuto Nagatomo – Nhật Bản

Sau màn trình diễn ấn tượng tại Asian Cup 2011, Nagotomo được Inter Milan mua về. Ban đầu, người ta nhận định thương vụ chuyển nhượng này mang yếu tố thương mại nhiều hơn là yếu tố chuyên môn. Nhưng rồi Nagatomo đã chứng tỏ rằng các nhận định trên là sai lầm khi giành luôn 1 suất chính thức trong đội hình Inter Milan. Ở đấu trường quốc tế, chức vô địch Asian Cup 2011 là danh hiệu lớn đầu tiên mà Nagatomo giành được, trong đó, anh đóng góp dấu ấn lớn khi là người ghi bàn kết liễu Australia trong trận chung kết.

7. Koo Ja-Cheol – Hàn Quốc

Mặc dù Koo Ja-Cheol thi đấu không thực sự nổi bật tại Augsburg nhưng mỗi khi trở về thi đấu cho đội tuyển quốc gia thì cầu thủ này luôn chứng tỏ được tầm quan trọng của mình. Tại Đức, Koo Ja-Cheol thi đấu không quá hay và cũng ít để lại ấn tượng. Sự kiện khiến người ta nhớ về anh nhiều nhất có lẽ là cuộc đụng độ giữa cầu thủ này với Ribery vào tháng 12 năm 2012, khi đó cả 2 đã xảy ra một số va chạm và kết quả là Ribery bị đuổi khỏi sân sau khi tát vào mặt Koo Ja-Cheol.

6. Odil Ahmedov – Uzbekistan

Ahmedov là một cầu thủ đa năng khi có thể chơi ở 2 vị trí tiền vệ trung tâm và trung vệ, hiện anh là một trong những cầu thủ xuất sắc và được yêu quý nhất ở Uzbekistan. Ahmedov đã từng thi đấu tại Nga trong màu áo Anzhi Makhachkala – CLB cũ của Samuel Eto’o và cầu thủ người Uzbekistan cũng từng được AC Milan liên hệ trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2014.

5. Vitali Denisov – Uzbekistan

Hậu vệ của đội tuyển quốc gia Uzbekistan hiện đang chơi tại Nga dưới màu áo Lokomotiv Moscow và anh là một trong những cầu thủ được yêu thích nhất của đội bóng Nga. Năm 2014, Denisov còn giành được giải thưởng hậu vệ trái xuất sắc nhất giải Ngoại hạng Nga.

4. Ki Sung-Yeung – Hàn Quốc

Ki Sung-Yeung đã có 95 trận thi đấu cho đội tuyển Hàn Quốc và ghi được 10 bàn thắng, anh cũng là 1 trong 23 cầu thủ của xứ kim chi đến Brazil tranh tài tại World Cup 2014 và sắp tới là World Cup 2018. Ki Sung-Yeung hiện đang thi đấu trong màu áo Swansea City sau một mùa giải ổn định tại Sunderland. Điểm mạnh của tiền vệ người Hàn Quốc là khả năng điều chỉnh nhịp độ trận đấu và những đường chuyền dài chính xác.

3. Shinji Okazaki – Nhật Bản

Với 50 bàn thắng trong sự nghiệp thi đấu quốc tế, Okazaki đang là chân sút ghi bàn nhiều thứ 3 trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Sự nghiệp của Okazaki ở cấp độ CLB cũng có khá nhiều thành công. Mùa giải 2013/2014, Okazaki ghi 15 bàn thắng trong 35 trận ra sân thi đấu trong màu áo Mainz 05. Mùa giải 2015/16, Okazaki cũng góp công không nhỏ giúp Leicester lên ngôi vô địch Ngoại hạng Anh. Trong màu áo CLB hay đội tuyển quốc gia, Okazaki đều chứng tỏ anh là một tay săn bàn đáng sợ.

2. Shinji Kagawa – Nhật Bản

Sau 2 mùa giải thăng hoa cùng Dortmund, Kagawa được CLB MU đưa về Old Trafford với mức phí 17 triệu bảng nhưng quãng thời gian của tiền vệ Nhật Bản tại Anh không mấy tươi đẹp. Thể hình nhỏ con và lối đá kỹ thuật nhưng thiếu thể lực của Kagawa không thể trụ lại những hàng phòng ngự vạm vỡ ở nước Anh và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến Kagawa rớt phong độ. Trở về với Dortmund, Kagawa đã cho thấy lại khả năng kiến tạo tuyệt hảo và sự nhạy cảm với bàn thắng của mình.

1. Son Heung-min

Năm 2013, Son chuyển đến Bayer Leverkusen từ Hamburg với mức giá chuyển nhượng kỷ lục của câu lạc bộ 10 triệu euro, sau đó cùng đội bóng tham dự hai đấu trường danh giá là UEFA Europa League và UEFA Champions League. Hai năm sau, anh ký hợp đồng gia nhập Tottenham với mức phí 22 triệu bảng, trở thành cầu thủ châu Á đắt giá nhất lịch sử. Anh còn là cầu thủ người châu Á đầu tiên nhận danh hiệu Cầu thủ Ngoại hạng Anh xuất sắc nhất tháng với màn trình diễn ấn tượng trong màu áo Tottenham. Mùa này, Son đã 2 lần lập công sau 14 lần ra sân cho Tottenham.

Kể từ năm 2010, Son đã đại diện cho Hàn Quốc tham dự Giải bóng đá vô địch thế giới 2014 và Cúp bóng đá châu Á 2011 và 2015, giúp đội tuyển cán đích ở vị trí á quân sau đó. Ở World Cup 2018 sắp tới, Son vẫn sẽ là niềm hy vọng số 1 của Hàn Quốc.

Bài liên quan