Có cơ hội tiếp tục chơi bóng đỉnh cao trong màu áo MU ở tuổi 34, Arjen Robben nên cảm thấy may mắn, ít nhất so với những đồng nghiệp khác trong làng bóng đá.
Là CLB lớn, MU chắc chắn không mua cầu thủ về chỉ để “ăn không ngồi rồi“. Môi trường cạnh tranh khốc liệt ở đây càng chẳng phải nơi lý tưởng để một cầu thủ dưỡng già như Trung Quốc, Qatar hay Mỹ. Chính vì vậy, những bản hợp đồng trên dưới tuổi “băm” được đem về sân Old Trafford chắc chắn phải sở hữu tố chất đặc biệt, có khả năng xoay chuyển vận mệnh, cục diện mùa giải.
Arjen Robben cũng là một cầu thủ như thế. Không chỉ giúp MU khỏa lấp điểm yếu nơi hành lang cánh phải, tiền vệ người Hà Lan sẽ cùng Alexis Sanchez, Mata, Carrick dìu dắt lứa tài năng trẻ như Marcus Rashford, Martial bằng kinh nghiệm và đẳng cấp của mình.
Trên thực tế, MU vốn khao khát Robben từ rất lâu chứ không phải đến khi Mourinho xuất hiện, còn anh trở thành “ông già” 34 tuổi. Tuy nhiên điều đó chẳng phải vấn đề to tát. Cách đây hơn 10 năm, Henrik Larsson cũng cập bến sân Old Trafford ở độ tuổi tương tự, dưới dạng cho mượn trọng vỏn vẹn 3 tháng. Để rồi, Sir Alex Ferguson luôn nhớ đến chân sút nức tiếng người Thụy Điển như một trong những bản hợp đồng tốt nhất mà ông từng ký (ghi 3 bàn/13 trận, giành chức vô địch Premier League 2006/07).
Nói MU là “mảnh đất lành” với những cầu thủ tuổi “băm” như Robben cũng chẳng sai. Dễ dàng nhận thấy các giai đoạn thành công của đội chủ sân Old Trafford luôn gắn liền với những bản hợp đồng tuổi “băm” dù không ngừng chi tiền tấn chiêu mộ vô số cầu thủ trẻ trung, tài năng. Ngược lại, dù gia nhập dưới hình thức nào (mua, cho mượn, miễn phí), sự nghiệp của họ cũng bất ngờ rực rỡ trở lại ở thành phố Manchester phồn hoa.
Mùa giải đầu tiên của Zlatan brahimovic, Robin Van Persie kết thúc với thành tích ghi trên 25 bàn thắng, trở thành “Vua phá lưới CLB” (Van Persie thậm chí còn giành Vua phá lưới Premier League). Ở tuổi 36, trung vệ huyền thoại Laurent Blanc kịp đút túi 48 trận ra sân cùng 1 chức vô địch Premier League chỉ sau 2 năm ngắn ngủi (2001-2003). Mờ nhạt hơn, Michael Owen, Bastian Schweinsteiger vẫn để lại vài khoảnh khắc ấn tượng và nhận được sự yêu mến từ CĐV.
Một yếu tố nữa giúp MU luôn dành cho các cầu thủ này sự trân trọng cùng khoản đãi ngộ tương xứng. Nếu đóng góp tích cực cho lối chơi, thành tích chung, họ sẽ được tưởng thưởng bản hợp đồng mới có thời hạn 1 năm. Ibrahimovic vinh dự này ngay khi bình phục chấn thương hồi mùa hè 2017. Thậm chí trong giai đoạn bùng nổ dữ dội, nhiều tờ báo tiết lộ MU còn tính tăng lương cho chân sút người Thụy Điển lên… 20 triệu bảng/năm.
Được MU quan tâm là một vinh dự lớn, và còn lớn lao gấp bội với những “ông già“, còn gì tuyệt vời hơn khi tiếp tục chơi bóng đẳng cấp cao trong một môi trường lí tưởng. Chí ít khi nhìn lại sự nghiệp, họ sẽ cảm thấy may mắn hơn khối người đồng nghiệp ở lứa tuổi ấy, điển hình như Iker Casillas thế hệ cầu thủ huyền thoại của Real Madrid.
Năm 2015, thủ thành người TBN kết thúc chặng đường hơn 2 thập kỉ gắn bó với “đội bóng Hoàng gia” để chuyển sang Porto. Sự xuất hiện của chủ tịch Florentino Perez và chính sách “Galaticos” đã đạp đổ cái gọi là tình yêu, truyền thống để hướng tới mục đích thương mại (và tất nhiên, thành công tuyệt đối trên sân cỏ).
Cùng với Casillas, hai đời đội trưởng trước đó gồm Fernando Hierro, Raul Gonzalez cũng giã từ Bernabeu trong im lặng.
Ở Bayern Munich, không thiếu những trường hợp “lão tướng” được trọng vọng. Nhưng vinh dự đó gần như chỉ dành cho những cầu thủ mang dòng máu Đức như Philipp Lahm, Gerd Müller. Robben, đang mất dần suất đá chính và đứng trước nguy cơ rơi vào quên lãng như Giovane Élber, Luca Toni năm xưa. Vì vậy MU có thể là lời kết đẹp cho sự nghiệp đầy thăng trầm của “đôi chân pha lê“.