Chiến tranh lấy đi những gì thuộc về phạm trù vật chất và con người ở Syria. Song, nghịch cảnh chẳng thể dập tắt những giấc mơ cao cả ở đây, đặc biệt là bóng đá.
Trong một khoảnh khắc hiếm hoi, ký ức về sự tàn khốc của chiến tranh biến mất trong chàng trai trẻ Ahmad Mohammad Mohammad người Syria. Ngồi ở quán cà phê tại trung tâm Beirut (Lebanon), Ahmad huyên thuyên trận đấu của đội nhà trước Australia tại vòng play-off World Cup 2018.
“Chúng tôi bị loại rồi. Nhưng đội tuyển làm khơi lại niềm tự hào dân tộc. Ai có thể nghĩ đội tuyển Syria lại tiến xa được vậy“, Ahmad nói.
7 năm từ ngày chiến sự nổ ra, hơn 400.000 người Syria bỏ mạng. Con số thực có thể cao hơn. Khoảng 5,1 triệu dân ở đất nước này rời bỏ quê hương. Những gì còn sót lại toàn đống đổ nát trên đường phố. Hơn 12 triệu người Syria phải vật lộn sinh tồn trong cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ và chống đối Tổng thống Bashar al-Assad.
Nhưng vào buổi chiều ở quán cà phê Ka3kaya, nhiều CĐV trong đủ trang phục, từ đồ công sở đến những sinh viên, tất cả cùng nhau ngồi lại, gạt bỏ chia rẽ về quan điểm chính trị sang bên để ủng hộ ĐTQG.
Tại những quốc gia Trung Đông đang chìm trong khói lửa chiến tranh, đội tuyển quốc gia là thực thể duy nhất thuộc về cả đất nước, một biểu tượng cho sự thống nhất. Đội tuyển Syria ở các cấp độ cũng không ngoại lệ, trở thành biểu tượng hiếm hoi đại diện cho “một” đất nước.
“Có thể Thượng đế không muốn Syria viết tiếp cổ tích, nhưng ít nhất suốt 7 năm dài đất nước chìm trong khói lửa của đạn bom chiến tranh, người dân đã đoàn kết”, Fayez Awad Omar, một người Syria rời bỏ quê hương, nói.
Cuộc nội chiến tàn phá quốc gia Tây Á nặng nề, tạo ra những chia rẽ sâu sắc và leo thang đến bóng đá. Nhiều cầu thủ, các nhà làm bóng đá, HLV… được làm ba thành phần: Nhóm ủng hộ Assad, phe dân chủ và trung lập.
Đời cầu thủ cũng đi theo hướng rẽ khác nhau, Abdul Basit Saroot gia nhập quân cách mạng, trở thành biểu tượng nhóm này, còn tuyển thủ quốc gia Musab Balhous bị bắt giam vì hỗ trợ nơi trú ẩn cho những người thuộc phe chống đối Tổng thống Bashar al-Assad.
Một số khác rời bỏ quê hương để phản đối hoặc tìm đến vùng đất mới an toàn hơn. Firas Al-Khatib, một trong những cầu thủ hay nhất Syria từng sản sinh, từ chối khoác áo ĐTQG trong một thời gian dài và chỉ tái xuất vào năm 2017.
Thậm chí, khi vòng loại World Cup 2018 khởi tranh, những cầu thủ giỏi nhất của Syria cũng từ chối lên tuyển. Đó là kết quả cuộc nội chiến ở Syria.
Trước trận gặp Trung Quốc vào tháng 10/2016 ở vòng loại World Cup 2018, chỉ 8 cầu thủ Syria tập trung ở khu huấn luyện Damascus. Đội tuyển thậm chí không thể sắp xếp chơi trận giao hữu từ sau cuộc đối đầu với Hàn Quốc diễn ra 1 tháng trước đó.
Sau chiến thắng 1-0 trước Trung Quốc, Liên đoàn bóng đá Syria thưởng cho mỗi cầu thủ 800 euro.
Có thời điểm dân Syria quay lưng với ĐTQG vì những người phản đối cáo buộc ĐT Syria quảng bá cho hình ảnh của chính quyền Tổng thống Assad, “bình thường hóa” những tội ác tàn bạo của Damascus, trong khi phớt lờ việc nhiều cầu thủ bị bắt giữ, bị tra tấn, thậm chí bị giết hại, theo Guardian.
Chính quyền Syria cũng bị cáo buộc dùng đội tuyển quốc gia làm công cụ tuyên truyền làm vũ khí để chống lại người dân nước này.
Trả lời tờ Guardian, Omar Abdulrazaq, một cầu thủ Syria di cư sang Jordan, dùng chữ “không thể tưởng tượng” để mô tả nền bóng đá quê hương. Ở đó, cầu thủ luôn sống trong cảnh lo sợ. Họ bị nợ lương, tập luyện dưới điều kiện vật chất thiếu thốn. Một số còn trả giá bằng mạng sống của mình.
Năm 2014, một cầu thủ Syria từng mất mạng vì bom đạn khi đang trong quá trình chuẩn bị cho VCK U16 châu Á tại miền Nam Syria. Năm 2016, 4 cầu thủ bóng đá nổi tiếng Syria bị giết. Cùng năm, Jihad Qassab, cựu đội trưởng tuyển quốc gia, bị tra tấn đến chết.
Theo Omar Abdulrazaq, giải đấu ở Syria rất kém, nhiều cầu thủ giỏi rời bỏ quê hương và các trận đấu diễn ra trong điều kiện khó khăn. Các sân bóng ở đây đôi lúc phải nhường chỗ cho quân đội biến thành trại quân sự. Những đứa trẻ nhặt bóng được huấn luyện các kỹ năng như một người lính.
Chuyên gia bóng đá Syria Mohammed Nasser chỉ ra có hơn 200 cầu thủ quay lưng với nước nhà. Nhiều đội bóng buộc phải giải thể giữa chừng do không đủ kinh phí vận hành.
Trái ngược với hình ảnh giàu có của giới cầu thủ, những người theo nghiệp thể thao ở Syria phải rất vất vả trong cuộc sống mưu sinh.
Cầu thủ Saif al-Haji than thở: “Là VĐV thể thao, tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn như người dân Syria khác. Tất cả đều là nạn nhân cuộc nội chiến đẫm máu. Tôi từng nhận được nhiều lời đề nghị sang nước ngoài thi đấu, tuy nhiên bản thân lại không thể làm được hộ chiếu do từ chối nhập ngũ”.
Chiến tranh đã tàn phá Syria, hủy hoại luôn nền bóng đá từng được truyền thông châu Á mô tả đầy tiềm năng. Nhưng từ đống đổ nát, hạt mầm bóng đá vẫn nảy sinh. Liên đoàn bóng đá Syria cố gắng duy trì giải quốc nội, áp dụng thể thức mới với 16 đội được chia làm hai bảng thi đấu vòng tròn.
Những chiến lược mới cũng ra đời nhằm kéo khán giả tới sân. Quan trọng hơn, vẫn còn nhiều cầu thủ Syria vẫn duy trì niềm tin vào tương lai tươi sáng. Với họ, bóng đá trở thành thực thể duy nhất tồn tại ở quốc gia bị dày xéo bởi chiến tranh, công cụ để người dân đoàn kết.
Lúc này từ Trung Quốc, trước trận gặp U23 Việt Nam vào lúc 18h30 ngày 17/1 ở giải U23 châu Á 2018, tiền vệ Ahmad Al Ahmad của U23 Syria không hề nhắc đến lợi ích cá nhân khi trả lời AFC. Những gì anh hướng tới là niềm tự hào nước nhà và những người dân Syria đang mong chờ đội bóng mang đến niềm vui
Với bóng đá Syria, chỉ khi các trận đấu có ĐTQG tham dự, ở đó người ta mới tạm quên đi hồi ức đau buồn của chiến tranh. Và chiều nay họ sẽ hướng về Trung Quốc, nơi đội nhà có cuộc chạm trán mang ý nghĩa sống còn với U23 Việt Nam.
Theo TTVN