Đội tuyển Việt Nam bước vào năm mới Mậu Tuất 2018 với vị trí số 1 ở khu vực Đông Nam Á theo bảng xếp hạng FIFA.
Trong bảng xếp hạng cập nhật cuối cùng của FIFA trước giao thừa, đội tuyển Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 112 thế giới. Đội bóng hiện được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo có 298 điểm, xếp hạng 16 châu Á và số 1 Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan (hạng 129, 236 điểm).
Trong năm 2018, đấu trường chính của đội tuyển Việt Nam là AFF Suzuki Cup diễn ra vào cuối năm. Đây là lần đầu tiên giải bóng đá vô địch Đông Nam Á không có nước chủ nhà/đồng chủ nhà. Thay vào đó, mỗi đội bóng sẽ thi đấu 2 trận sân nhà và 2 trận sân khách ở vòng bảng, vòng bán kết và chung kết giữ nguyên thể thức lượt đi và lượt về.
Do AFF Cup được xét vào hệ thống tính điểm FIFA, giải đấu này sẽ là cơ hội để thầy trò HLV Park Hang Seo kiếm thêm điểm số nhằm nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng. Khi mới sang Việt Nam, HLV người Hàn Quốc từng tuyên bố sẽ đưa đội tuyển vào top 100 thế giới. Hiện tại đội tuyển Việt Nam còn kém vị trí này (Gruzia) 36 điểm.
HLV Park Hang Seo sẽ triệu tập đội tuyển quốc gia vào tháng 3/2018 để chuẩn bị cho trận đấu với Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019. Trận đấu này chỉ còn mang tính thủ tục, do cả 2 đội tuyển đều đã chính thức giành vé tham dự VCK.
Cột mốc 2018: Bóng đá Việt Nam và giấc mơ châu lục trong tầm với
Những ngày đầu năm 2018, bóng đá Việt Nam đón nhận một sự kiện rất vui, đó là khi đội tuyển U23 của chúng ta đã giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018. Với Việt Nam, thành tích ấy là trăm năm có một, là lịch sử chưa từng có, là địa chấn, là niềm hân hoan của cả dân tộc.
Chúng ta đã vào tới trận chung kết châu lục, đó là một đột phá lớn. Thế nhưng, mọi câu chuyện diễn ra trên cõi đời này đều có nguyên nhân của nó. Với đội tuyển U23 hay cả nền bóng đá Việt Nam, đây sẽ là cột mốc, là phát súng khởi đầu cho một thời kỳ mới của bóng đá Việt.
Tất cả sự tiến bộ của các cầu thủ Việt Nam, bắt đầu từ công tác đào tạo trẻ. Năm 2007, NHM bóng đá Việt Nam ngỡ ngàng khi CLB Hoàng Anh Gia Lai công bố chương trình hợp tác đào tạo trẻ với Arsenal, một trong những đội bóng nổi tiếng nhất thế giới về lĩnh vực này. Lứa cầu thủ năm ấy, với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đang trở thành những trụ cột của U23 Việt Nam và cả ĐTQG Việt Nam.
Sau HAGL, đã có nhiều lò đào tạo trẻ khác được sản sinh ra như Viettel, PVF, Nutifood… Đó sẽ là những cái nôi mới cho các cầu thủ trẻ của Việt Nam sau này, nhưng những thành quả thì chúng ta đã có thể gặt hái ngay từ bây giờ.
Có một sự khác biệt không khó để có thể nhận ra giữa các cầu thủ của ĐT U23 Việt Nam vừa qua so với các thời kỳ trước đó. Thể lực, kỹ năng cơ bản và đầu óc chiến thuật… những điều vốn thuần túy nhất trong bóng đá, đã được cải thiện rõ rệt. Và cuối cùng, tâm lý của các cầu thủ của chúng ta cũng là cả một sự khác biệt rất lớn so với đời trước.
Như danh thủ Hồng Sơn đã từng nói: “Lứa cầu thủ U23 Việt Nam hơn hẳn thế hệ chúng tôi.” Quả thực, Việt Nam đang có một thế hệ vàng, còn hơn cả thế hệ vàng trước đó của Hồng Sơn hay Văn Quyến. Và chúng ta nên vui đi, bởi trong những năm tới, sẽ còn nhiều những thế hệ vàng như thế nữa.