Việc cựu tiền đạo tuyển Việt Nam quyết định từ bỏ chiếc ghế quyền chủ tịch của CLB TPHCM khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng nếu dõi theo bước đi của Công Vinh, cuộc chia tay này âu cũng là lẽ… đương nhiên.
Công Vinh tốt…
Tính đến thời điểm mà Công Vinh đưa ra quyết định đầy bất ngờ, cựu danh thủ này đã có 14 tháng ngồi vào chiếc ghế được coi quyền lực bậc nhất ở CLB TPHCM (trên danh nghĩa). Và thực tế, những gì mà cựu quyền chủ tịch đội bóng Sài thành làm được là không hề ít.
Nên nhớ thời điểm CLB TPHCM vừa chân ướt chân ráo lên V-League đang cần sự quan tâm của giới truyền thông, nếu như là người khác giữ vai trò chủ tịch hoặc quyền… có lẽ đội bóng tân binh của giải đấu cao nhất Việt Nam đã không được như bây giờ.
Bởi nên nhớ rằng, bất luận thế nào Công Vinh vẫn là một cái tên rất “hot” đủ để truyền thông, người hâm mộ phải để ý, quan tâm. Và nói không quá, những gì mà CLB TPHCM tạo dựng được đến thời điểm này trong lòng người hâm mộ ít ỏi Sài thành có công lớn từ cựu tiền đạo tuyển Việt Nam.
Ở một vai trò lạ lẫm, Công Vinh đã làm mọi cách để kéo khán giả từ việc “phơi mặt” ra để bán vé, sửa sang phòng thay đồ, tự PR cho đội bóng, rồi cả việc hầu như trận đấu nào cũng xuống đường pitch sân Thống Nhất để xin lỗi, cảm ơn “thượng đế”…cũng là một cách khiến CLB TPHCM…khác người.
Không chỉ có thế, việc có Công Vinh cũng giúp CLB TPHCM tìm kiếm nhân sự một cách thuận lợi hơn, bởi nói gì thì nói cựu tiền đạo tuyển Việt Nam vẫn là một sự đảm bảo cho nhiều cầu thủ, đặc biệt những cái tên đến từ SLNA gật đầu về với đội bóng của Thành phố mang tên Bác…
… nhưng CLB TPHCM rất tiếc
Cho đến lúc này, nguyên nhân Công Vinh chia tay CLB TPHCM là gì e chỉ đôi bên biết. Nhưng hẳn nó không đơn thuần là câu chuyện cả hai đang nhìn về những phía khác nhau. Dù vậy việc Công Vinh rời ghế quyền chủ tịch CLB TPHCM cũng không có gì ngạc nhiên, khi bản chất của câu chuyện chỉ đơn giản là giữa những người chủ với người làm thuê mà thôi.
Công Vinh được CLB TPHCM “mời” hay “thuê” dường như không có gì là khác nhau để ngồi vào ghế quyền chủ tịch đội bóng. Bởi ai cũng biết rằng, cựu tiền đạo tuyển Việt Nam không nắm cổ phần lớn nhất để có thể chi phối hoạt động của đội nhà
Nói nôm na rằng, lãnh đạo phía sau của đội bóng TPHCM không muốn ra mặt, và Công Vinh được mời vào giống như một CEO mà thôi. Và giờ, khi cả hai cảm thấy khó hợp tác, câu chuyện chia tay là điều tất yếu.
Càng có cơ sở hơn, khi trong nhiều nguồn tin chưa được kiểm chứng việc HLV Miura được mời về dẫn dắt CLB TPHCM hồi đầu mùa giải 2018 gần như Công Vinh chỉ được… thông báo sau, ở thời điểm hợp đồng đã chốt xong tất cả.
Và điều này rõ ràng với cá tính của Công Vinh – người vốn dĩ được coi như dành nhiều tâm huyết với CLB TPHCM (dù trước đó không dính dáng gì trong việc thành lập, đưa đội lên hạng hay bỏ tiền…) là một sự đả kích rất mạnh để rất có thể sự rạn vỡ hoàn toàn từ đây mà ra.
Không có trong tay thực quyền, và không muốn trở thành một “con rối” hay là người “chịu báng” với thành tích không quá tốt của đội nhà, Công Vinh nghỉ việc âu cũng là điều khá bình thường.
Càng bình thường hơn, khi lúc này cựu tiền đạo tuyển Việt Nam đã mở học viện bóng đá của riêng mình, cũng như đang đua vào ghế Uỷ viên BCH VFF khoá tới thì việc rút lui khỏi cái chức “hữu danh vô thực” cũng là hợp lý.