Họ là hai người từng thay đổi lịch sử bóng đá Anh mãi mãi. Nhưng một thập kỷ trôi qua, Wenger và Mourinho dường như đang mắc kẹt trong tư duy của mình.
1. Những mỹ từ như “cải cách” hay “choáng ngợp” mà truyền thông Anh đang dùng cho Pep Guardiola, Juergen Klopp hay Mauricio Pochettino ngày xưa họ đều đã từng dùng cho Jose Mourinho và Arsene Wenger cả.
Bây giờ, “ông giáo” Wenger đã văng ra khỏi Top 6 và không hẹn ngày trở lại. Trong khi đó dù vẫn có thể về đích ở vị trí á quân, người ta có lý do để hoài nghi Mourinho đã trở thành một phiên bản cũ kỹ của chính mình.
Wenger và Mourinho đều giành được những danh hiệu mùa trước. Wenger có thêm một chiếc cúp FA trong khi Mourinho mang Europa League và League Cup về Old Trafford. Nhưng những câu hỏi vẫn đổ dồn về phía họ.
Wenger là người có tác động lớn nhất đến lối chơi của các đội bóng Anh. Có thể ông đang hủy hoại di sản của chính mình thông qua việc ngồi quá lâu ở chiếc ghế HLV trưởng Arsenal, nhưng vào thời đỉnh cao, ông đã góp phần định hướng cho Premier League. Ngày hôm nay, Premier League có vị thế của một giải đấu hàng đầu thế giới, kiếm tiền nhiều nhất, công lao của Wenger tất nhiên rất lớn.
Năm 1996, Wenger đến bắc London và thay đổi lịch sử Arsenal trước tiên. Ông kéo CLB này ra khỏi vũng lầy của sự thỏa hiệp, của những cầu thủ say khướt và tọng đủ loại thức ăn vào người. Ông truyền niềm tin trở lại cho các cầu thủ. Tony Adams, thủ quân huyền thoại của Arsenal, nói: “Wenger là một nhà tâm lý nhiều hơn là một nhà chiến thuật. Ông ấy đẩy tốc độ của mọi thứ lên rất cao”.
Trong thời gian chuyển giao thế kỷ, Arsenal chơi bóng với một tốc độ ít ai bì kịp. Premier League vốn là một giải đấu chú trọng thể lực, nhưng Wenger đã đưa nhanh vào mạnh. Chưa hết, ông còn nhồi cả kỹ thuật vào đấy. Đỉnh cao của thời kỳ đầu là Arsenal bất bại mùa giải 2003/04.
Một năm sau khi Wenger đưa Arsenal lên đỉnh cao, Mourinho xuất hiện. Ngay lập tức, ông giúp Chelsea vô địch với số điểm kỷ lục của Premier League (95) mà đến nay vẫn chưa ai có thể vượt qua.
Arsenal khỏe, Chelsea khỏe hơn. Arsenal nhanh, Chelsea phản công nhanh hơn. Arsenal kỹ thuật, Chelsea bù lại bằng chiến thuật tân kỳ. Lúc ấy, Wenger và Mourinho quả thực là những kỳ phùng địch thủ. Họ đấu với nhau từ trong sân ra ngoài sân, từ chiến thuật đến khẩu chiến.
Điều quan trọng là nhờ Mourinho xuất hiện, các đội bóng Anh bỗng dưng nhìn thấy một cách chơi mới. Và họ không còn sợ Arsenal nữa. Kết quả là Wenger buộc phải thay đổi tư duy. Biểu tượng của Arsenal từ Patrick Vieira chuyển sang Cesc Fabregas, từ cơ bắp chuyển sang kỹ thuật. Khi Arsenal từ biệt Highbury để chuyển sang Emirates, triết lý của đội bóng đã thay đổi.
Stewart Robson, cựu tiền vệ Arsenal, cho rằng đấy là một sự thay đổi sai lầm. Ông nói: “Đội bóng của Wenger giai đoạn sau này thiếu một sự tổ chức hợp lý. Họ chưa sẵn sàng cho một cuộc thay đổi lớn về tư duy. Họ vùng vẫy và thất bại. Vì Wenger không phải là một nhà chiến thuật thật sự xuất sắc”.
2. Còn Mourinho thì sao? Nếu đổi điểm mạnh của Wenger thành điểm yếu và ngược lại, chúng ta có Mourinho.
Lối chơi của Mourinho bị chỉ trích là gò quá nhiều vào khuôn khổ, và triệt tiêu mất cảm hứng của các cầu thủ. Tức là đá theo hứng nhiều quá cũng không ổn, mà đá khô khan khoa học qua cũng không thật sự tốt. Paul Pogba chính là nạn nhân của lối chơi thiên về khoa học này, khi anh như một con cá bị ném lên bờ.
Bao năm qua, Mourinho vẫn xây dựng đội bóng dựa trên sức mạnh. Từ khi đặt chân đến Old Trafford, Mourinho toàn chỉ mua những cầu thủ cao to. Chỉ có Alexis Sanchez và Henrikh Mkhitarayan, hai cầu thủ đã đổi chỗ cho nhau hồi tháng Giêng, là thấp hơn 1,80 mét. Trong hai cầu thủ này, Mourinho mất niềm tin với Mkhitarayan rất nhanh vì anh lười phòng ngự. Alexis thì được tin cậy vì anh di chuyển không biết mệt.
Áp lực lên Mourinho ít hơn Wenger. Nhưng những lời xì xầm về ông cũng ngày một nhiều lên. Và chính Mourinho cũng đôi ba lần bày tỏ sự khó chịu với những lời bình luận từ chính “người nhà”. Người mới nhất lên tiếng chỉ trích là Paul Scholes. Scholes nói: “Họ cần phải sống động hơn, phải tìm năng lượng từ đâu đó đi chứ”.
Hai năm ở Old Trafford, ta thấy rõ sự mệt mỏi nơi Mourinho. Dường như ông không còn cảm thấy tận hưởng những trận đấu như trước đây nữa. Điều này khác hẳn với Wenger. HLV người Pháp thể hiện cảm xúc rất rõ trên sân: hạnh phúc khi đội nhà ghi bàn, thất vọng khi đội chơi dở và cãi nhau với trọng tài khi gặp bất công.
Thế nhưng dù lý trí như Mourinho hay cảm xúc như Wenger, ta cũng thấy cả hai đang mắc kẹt, giữa sự vươn lên của hàng loạt những HLV xuất sắc, tài năng và đặc biệt là vẫn còn cảm hứng làm việc. Quan trọng là nhìn họ, ta thấy Wenger và Mourinho quá mỏi mệt và già cỗi. Và chính các CĐV Arsenal và Man United cũng cảm thấy mệt trong những ngày này.