“Hạ màn” kiểu VFF: Không thể dạy chó già làm trò xiếc mới, các ông ạ!

“Old dog new tricks” là một thành ngữ tiếng Anh, với ý nghĩa tương đồng “tre già khó uốn” của người Việt, dịch nôm na là một con chó làm xiếc quá lâu, thì không thể dạy nó trò mới.

1. Trong cuộc “mổ xẻ trách nhiệm” SEA Games 29 vào chiều qua (12/9), trách nhiệm chính được dồn cho nguyên HLV trưởng Hữu Thắng. Điều này chẳng lạ, vì sao thì chắc hẳn chẳng cần đến đến các thành viên Ban chấp hành VFF, mà người hâm mộ bóng đá bình thường thôi cũng dễ dàng đoán được. Đẩy trách nhiệm cho người đã ra đi chưa bao giờ là một “trò mới”.

Thất bại ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 diễn ra theo cùng một kịch bản, từ khâu chuẩn bị cho đến sai lầm ở thời khắc quyết định giúp “tiễn” ĐTQG Việt Nam và U22 Việt Nam – cùng dưới tay Hữu Thắng ngậm ngùi rời giải trong bẽ bàng. Nhưng năm ngoái, không ai dám “mổ xẻ” sai lầm của Hữu Thắng, ông Thắng thậm chí còn được khen, tất cả lỗi lầm được dồn vào cầu thủ.

Đáng lưu ý, năm ngoái Hữu Thắng vẫn đang là “con cưng” của bầu Đức, với sứ mệnh đưa các cầu thủ HAGL đến chiếc cúp vàng SEA Games mà ông chủ HAGL đã “nổ tưng bừng” khi dự đoán chiếc ghế Phó chủ tịch VFF của mình vào đó. Còn năm nay, Hữu Thắng là quân cờ đã bị loại khỏi bàn cờ.

Mọi lỗi lầm đều được đổ hết lên đầu Hữu Thắng.

Có điều, ngoài những sai lầm mà ai cũng biết như non nớt trong chỉ đạo, tâm lý hay sử dụng nhân sự, không biết xoay vòng, “lộ bài” quá sớm, dường như cái hội đồng “phẫu thuật” Hữu Thắng cố tình quên đi mất một điều – cái điều dẫn đến tất cả những điều còn lại: Lối chơi.

Bởi để Hữu Thắng, một HLV vốn thi đấu và huấn luyện theo phương phái sử dụng sức mạnh, thay vì sự khéo léo thì cầm quân theo định hướng của bầu Đức, dùng tối đa quân HAGL chẳng khác nào bắt nhà cầm quân này dùng rìu bổ củi mà tỉa hoa cà rốt. Thất bại của Hữu Thắng đã được dự báo từ rất lâu, chứ không phải đến SEA Games mới bộc lộ.

HLV Hữu Thắng từ chức là điều tất yếu và công bằng. Nó là một phần tất yếu của bản giao kèo gần một năm rưỡi trước. Nhưng cái cách mà VFF đang dùng để tuyển chọn HLV mới cho ĐTQG Việt Nam, có vẻ là một “trò mới”, nhưng vẫn có gì đấy dường như “rất cũ“.

Lối chơi mới là điều đáng lo nhất với ĐTQG Việt Nam lúc này.

2. Nhìn vào bảng tiêu chí mà VFF đặt ra để “tầm sư” cho các tuyển thủ quốc gia, ấn tượng đầu tiên là sự chuyên nghiệp và cực kỳ rõ ràng, minh bạch. Nhưng càng lắm tiêu chí, càng chặt chẽ, lại càng làm người ta cảm thấy “lợn cợn” khi nhớ lại 2 lần tuyển chọn HLV trưởng ĐTQG gần đây nhất.

Với HLV Miura, VFF thậm chí chả cần phải kiểm tra CV của ông thầy người Nhật: “Chúng tôi tin tưởng ông ấy, bởi ông Miura được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu. Ông ấy không mấy nổi tiếng, nhưng đấy không phải là vấn đề”.

Còn với HLV Hữu Thắng, đơn thuần là sau khi đuổi HLV Miura đi, bầu Đức là người đầu tiên đề xuất và đưa ra chỉ đạo phải mời bằng được chiến lược gia xứ Nghệ vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG, và Tổng thư ký Lê Hoài Anh chỉ còn mỗi việc là tiếp xúc và đặt vấn đề là xong.

Tổng thư ký Lê Hoài Anh và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn chúc mừng thầy trò HLV Hữu Thắng sau trận thắng.

Nhìn vào bảng tiêu chí chọn HLV cho ĐTQG, nhiều người mừng thầm vì sau khi “mất bò”, VFF đã biết “‘lo làm chuồng”. Nhưng hãy nhớ, chẳng phải tự nhiên bầu Đức lên tiếng đả kích HLV Hoàng Anh Tuấn hết lời ngay trước thềm cuộc tuyển chọn, không phải tự nhiên VFF “giữ chân” bầu Đức đến tận tháng 12, cũng chẳng phải ngẫu nhiên lứa cầu thủ của bầu Đức vẫn được xác định là nòng cốt của ĐTQG.

Đêm trước ngày Hữu Thắng bị VFF đem ra “mổ xẻ”, ở Hải Phòng, trợ lý HLV Sỹ Hoàng được đồn là cầm dao rượt thủ thành số 1 của ĐTQG Việt Nam đến mức ngã lật cổ chân. Lạ thay, rất nhiều “người trong nghề” thay vì lên án thủ phạm, lại quay sang phê phán nạn nhân là không học được cách ứng xử văn hóa của người Việt.

Bầu Đức từng tuyên bố dõng dạc trước VFF: “Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển“. Với ông chủ của HAGL, Miura quá kém trong ứng xử văn hóa kiểu Việt Nam như Hữu Thắng, khi không gọi quân của ông lên tuyển. Sỹ Mạnh thích thì đánh Đặng Văn Lâm, bầu Đức thích thì sa thải Miura, đấy mới là ứng xử văn hóa ư?

Bóng đá Việt Nam lại đứng lên bằng Công Phượng?

Không chỉ từ thất bại của Hữu Thắng, mà càng ngày, lại càng có nhiều cơ sở để bóng đá Việt Nam phải lo sợ với lứa cầu thủ của bầu Đức cùng lối đá “duy mỹ” của mình.

HLV Mai Đức Chung loại sạch quân HAGL trong trận gặp Campuchia, Thái Lan không cần phải “thêu hoa dệt gấm” để bước lên bục cao nhất SEA Games 29, HLV Hoàng Anh Tuấn “tặng” U18 Indonesia đến 3 bàn không gỡ bằng lối chơi thông minh, khắc chế kỹ thuật kiểu HAGL của đối phương…

Thay đổi tư duy đá bóng của quân HAGL là điều không thể, bởi nó được dạy từ khi còn trứng nước. Lối chơi của Công Phượng không thể thay đổi, dù cho có được rèn luyện tại Nhật Bản, bởi nó được sự cổ vũ của người hâm mộ, và quan trọng nhất là bầu Đức.

You can’t teach an old dog new tricks” – “Bạn không thể dạy chó già trò diễn mới” là bản đầy đủ của thành ngữ “Old dog new tricks”. Khi không dạy được trò mới, thì mình thay người huấn luyện. Còn thay thế nào để vẫn diễn được trò cũ, chờ hồi sau ắt rõ…

Bài liên quan