Một nền bóng đá mà trong vòng 2 thập kỷ qua, bình quân mỗi năm tụt hơn 2 bậc trên BXH FIFA, thì cần được đập đi làm lại từ đầu.
Tháng 12/1998, tuyển Việt Nam vọt lên vị trí thứ 84 theo đánh giá của LĐBĐ thế giới. Còn hiện tại, chỗ đứng của đội bóng sắp được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo là 130, kém Philippines hẳn 7 bậc.
Những người ủng hộ VFF có thể sẽ bảo, Thái Lan đang xếp dưới chúng ta cũng 7 bậc. Nhưng xin đừng quên, Thái Lan vừa sánh vai với Nhật Bản và Australia tại vòng bảng cuối cùng thuộc vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.
Chừng nào Việt Nam làm được như Thái, chừng đó hẵng chê BXH FIFA. Chứ cứ mãi chẳng đạt được thành tích đáng kể nào ngay cả tại “ao làng” SEA Games và liên tục bị loại sớm tại các sân chơi lớn, bóng đá Việt Nam chưa đủ tư cách để nghi ngờ BHX FIFA – thước đo duy nhất dành cho những làng cầu kém phát triển.
Vào thời điểm bóng đá Việt Nam có vị trí cao kỷ lục cách đây 19 năm, chúng ta cũng dùng một HLV ngoại. Đó là Alfred Rield. Lẽ ra, khi đang ăn cơm nước Việt, Rield phải biết điều. Đằng này, nhà chiến lược đến từ Áo lại thẳng toẹt: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”.
Ngót 2 thập kỷ sau, mọi thứ vẫn giữ nguyên hiện trạng. Thứ duy nhất thay đổi chỉ là quốc tịch của HLV. Hết thời người Áo thì đến kỷ nguyên người Hàn. Rồi đến khi ông Park Hang-seo phải cay đắng ra đi – viễn cảnh mà nhiều người đã nhìn thấy ngay từ bây giờ, VFF chắc chắn sẽ lại tiếp tục “lợp mái” bằng một HLV ngoại khác.
Giữa lúc các quan chức VFF tuyệt vọng bới tung đống hồ sơ ứng cử nhằm tìm ra cứu tinh cho bóng đá Việt Nam, nhiều người đã thong thả ngồi xuống nghiền ngẫm một cuốn sách có tiêu đề khá lạ tai và hóm hỉnh: “Cuộc cách mạng một cọng rơm”.
Ra mắt lần đầu vào năm 1975 ở Nhật Bản nhưng mới được xuất bản tại Việt Nam đúng trong quãng thời gian ai nấy đều lo lắng trước vấn nạn thực phẩm “bẩn”, tác phẩm của Mansanobu Fukuoka không truyền tải bất kỳ thông điệp to tát hay biện pháp hiện đại nào cho quá trình tạo ra các sản phẩm nông nghiệp.
Trái lại, “Cuộc cách mạng một cọng rơm” khẩn thiết kêu gọi nhân loại làm nông theo cách mộc mạc, sơ khai nhất. Không phân hóa học. Không thuốc diệt cỏ. Không máy cày. Thay vì cố thay đổi hoặc chinh phục tự nhiên, hãy học và phát triển mọi thứ đúng theo quy luật của tự nhiên.
Theo Fukuoka, sự thay đổi trong nông nghiệp hay sâu xa hơn là cách loài người tồn tại không bắt đầu từ những cái vĩ mô. Tất cả bắt đầu từ việc chúng ta nhận thức được sức mạnh của những thứ nhỏ bé nhất, chẳng hạn một cọng rơm.
Bóng đá Việt Nam đang tụt hậu chính là vì những người có trách nhiệm cứ đuổi theo những điều “to hơn cả cánh đồng” như thuê trọng tài ngoại nhằm đưa V-League về đích an toàn, níu kéo các ông bầu rót tiền vào để các CLB tồn tại, thuê HLV nước ngoài cho NHM khỏi kêu ca, cố giành lấy tấm HCV SEA Games cho đẹp bản báo cáo thành tích cuối năm…
Những việc thiết yếu và có giá trị dài lâu như làm sao để kéo khán giả trở lại sân, làm sao để triệt tiêu bạo lực trên sân cỏ, làm sao để các hạng đấu cấp thấp tăng số đội tham dự, làm sao để các tài năng trẻ được ươm trồng đúng cách… thì bị cho là nhỏ như cọng rơm, không cần phải quan tâm nhiều.
Cứ theo đà mỗi năm tụt hơn 2 bậc, cái ngày bóng đá Việt Nam xếp dưới cùng trên BXH FIFA xem ra không phải là không thể xảy ra. Đến lúc ấy, ngay cả một cọng rơm có lẽ cũng chẳng còn.