Những sai lầm của thủ môn đang trở thành một “căn bệnh” khó chữa của bóng đá Việt Nam.
“Năm hạn” của các thủ môn
Sân Thống Nhất một ngày tháng 7 mưa tầm tã, hàng vạn người hâm mộ chen chúc nhau để “tiếp lửa” cho U22 Việt Nam trong trận đấu với Hàn Quốc.
Tiếc thay, người “dội nước lạnh” vào hi vọng chiến thắng của đoàn quân dưới quyền HLV Hữu Thắng lại là thủ môn Tiến Dũng. Đối mặt với tình huống đá phạt không quá hiểm, “người gác đền” thuộc biên chế CLB Thanh Hóa băng ra đón trượt bóng, tạo điều kiện để cầu thủ đội bạn dễ dàng ghi bàn.
Chung cuộc U22 Việt Nam thua 1-2. Nhiều người hâm mộ tin rằng nếu Tiến Dũng bắt chắc tay hơn, chúng ta đã có thể giành ít nhất 1 điểm.
Một tháng sau đó, tới lượt Phí Minh Long khiến các trái tim CĐV tan vỡ. Một pha “nhỡ tay bắt bóng” cùng một cú băng ra cản phá bất thành của anh khiến U22 Việt Nam nhận 2 bàn thua trước Thái Lan.
Đoàn quân áo đỏ cuối cùng kết thúc trận đấu với kết quả 0-3 đầy tủi hổ và phải chia tay SEA Games 29 ngày sau vòng bảng.
Hôm qua, tới lượt thủ thành Y E Li Nie của U18 Việt Nam “dính phốt”. Anh bắt bóng không dính ở một tình huống phạt góc, gián tiếp giúp Moe Aung sút tung lưới.
Bàn thua này buộc đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn phải chia tay giải U18 Đông Nam Á từ vòng bảng. Giấc mơ vô địch thêm một lần nữa bị gác lại.
Sai lầm thủ môn đã trở thành nỗi ám ảnh thực sự với người hâm mộ. Bất chấp kinh nghiệm, thể hình, phong độ thế nào, những “người gác đền” của các đội tuyển Việt Nam đều có trở thành “tội đồ”.
Tại sao thủ môn Việt Nam dễ mắc sai lầm?
Quá trình tuyển chọn và đào tạo thủ môn của không ít CLB Việt Nam diễn ra khá muộn và thụ động. Nhiều thủ môn phải đến năm 15, 16 tuổi mới thực sự bắt đầu gắn bó với khung thành.
Học viện HAGL JMG – nơi sản sinh ra những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh – thậm chí còn không có chương trình đào tạo thủ môn ở các khóa đầu tiên.
Việc này khiến nhiều “người gác đền” Việt Nam dù có thể hình không hề kém nhưng lại khuyết về mặt kỹ năng. Ông Trần Văn Khánh – cựu thủ môn Thể Công – từng chia sẻ rằng:
“Ngay cả những thủ môn ĐTQG như Thế Anh, Hồng Sơn hay Quang Huy, Tấn Trường…, khi lên đội tuyển, cũng phải chỉnh sửa lại rất nhiều. Nhiều lần họ đứng sai vị trí, dẫn đến mắc lỗi, ảnh hưởng đến thành tích của đội bóng”.
Các thủ môn trẻ lại càng thiệt thòi khi cơ hội cọ xát không phải là nhiều. Tại V-League, các CLB dù sao vẫn muốn đặt niềm tin vào những thủ thành giàu kinh nghiệm hơn.
Nền tảng không vững cộng thêm ít được rèn luyện, việc những “người gác đền” lộ ra điểm yếu khi gặp áp lực cao là chuyện dễ hiểu.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, việc tự trau dồi để trở nên cứng cáp hơn là vô cùng quan trọng với mọi thủ môn.
Trên thế giới, ngay cả những thủ thành hàng đầu như Neuer, De Gea hay Buffon cũng có lúc sai lầm. Tuy nhiên, quá trình khổ luyện và kinh nghiệm trận mạc lâu năm giúp họ hạn chế tối đa các tình huống xử lý lỗi.
Người ta vẫn thường nói “thủ môn là một nửa đội bóng”. Chừng nào việc đào tạo những “người gác đền” còn chưa có một quy trình chuẩn mực, chừng đó bóng đá Việt Nam sẽ còn phải đối mắt với nỗi “tự bắn vào chân” bất cứ lúc nào.