Sau một mùa giải 2017 nhiều biến động, các nhà tổ chức đã thực hiện một số điều chỉnh nhằm giúp V-league trở nên hấp dẫn, sôi động hơn trong năm 2018. Hãy cùng điểm qua những một số nét chính như sau.
Thay đổi nhà tài trợ và tên giải đấu
Sau 3 năm gắn bó mặn nồng, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhà tài trợ Toyota đã quyết định ngừng hợp tác với VPF. Trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, việc tìm được đối tác phù hợp thay thế tập đoàn Nhật Bản là điều không hề dễ dàng. Mãi đến trước thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra, lãnh đạo VPF mới tìm được đơn vị song hành mới. Đó là nhãn hàng sữa dinh dưỡng quen mặt Nutifood. Như vậy, giải năm nay sẽ có tên gọi Nutifood V-league 1 2018.
Tăng suất thăng, xuống hạng
Từ mùa giải 2018, V-league sẽ có 1,5 suất xuống hạng, thay vì 1 như năm 2017 đã qua. Ngoài đội bóng xếp cuối sẽ xuống hạng trực tiếp, suất còn lại sẽ được phân định sau trận play-off giữa đội đứng hạng 13 V-league và đội đứng thứ nhì giải hạng Nhất. Quy định mới có thể sẽ tạo ra sự hào hứng, tính cạnh tranh cao hơn ở cả hai hạng đấu cao nhất xứ sở. Dù vậy, cũng có một số lo lắng về việc các đội bóng ở giải hạng Nhất còn “ngại” thăng hạng do chưa hội đủ điều kiện lý tưởng về tài chính lẫn cơ sở vật chất, con người.
Điều chỉnh khung giờ thi đấu
Cũng trong năm 2018, ban tổ chức giải cũng ra quyết định điều chỉnh khung giờ khởi tranh các trận đấu. Theo đó, các trận đấu sẽ diễn ra dàn trải trong 3 ngày cuối tuần, với thời gian từ 17h, 18h hoặc trễ nhất 19h (theo thứ tự 2-2-3 trận/ khung giờ).
Sự thay đổi theo “hơi hướng” các giải châu Âu này tạo ra hai luồng ý kiến. Người thì hào hứng vì giờ thi đấu ở lúc xế chiều hoặc chập tối khiến họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có bộ phận cổ động viên, đặc biệt là ở các vùng thôn quê cách trở về địa lý hoặc phương tiện di chuyển, cảm thấy không hài lòng.
Thay đổi quy định register, sử dụng ngoại binh
Quy định này chỉ áp dụng cho các CLB tham dự cúp châu lục gồm SLNA và FLC Thanh Hóa. Theo quy định của AFC, mỗi đội trong số này được sử dụng 4 ngoại binh, bao gồm 3 cầu thủ ngoại tùy chọn và 1 suất châu Á. Tuy nhiên, tại V-league, ban tổ chức chỉ cho phép họ register tối đa 2 người/ trận. Nếu 1 trong số này nhận thẻ đỏ hoặc đủ thẻ vàng thì ở trận sau CLB vẫn không được chọn ngoại binh khác thế chỗ. Quy định này nhằm tạo ra sự công bằng cho tất cả các đội bóng tham dự giải đấu.
Ngoài ra, quy định về việc sử dụng cầu thủ nhập tịch vẫn không thay đổi với chỉ 1 suất/ đội. Sở dĩ có sự hạn chế này là bởi ban tổ chức lo ngại các CLB sẽ trở lại với cách làm “ăn xổi” như trong quá khứ. Nhập tịch tràn lan hòng đẩy chất lượng đội ngũ, nhưng lại bỏ quên công tác đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất đội bóng về mặt lâu dài.
Xây dựng hình ảnh cho từng CLB
Dưới sự hỗ trợ từ các đơn vị truyền thông song hành cùng VPF, từ mùa giải 2018, một số CLB đã được hỗ trợ xây dựng trang Facebook chính thức. Nổi bật trong số này phải kể đến HAGL hay Hải Phòng – những CLB có lực lượng cổ động viên hùng hậu. Tính đến thời điểm hiện tại, 13/14 đội bóng tham dự V-league đã có trang fanpage chính thức trên mạng xã hội. Đội duy nhất chưa thể hiện thực hóa điều này là SHB Đà Nẵng.
Vấn đề tài trợ áo đấu cũng có những bước tiến triển mạnh mẽ. Một số đội lâu nay chỉ dùng hàng tự sản xuất với chất lượng vải không tốt hoặc thiết kế hời hợt, nay cũng đã tìm được đối tác ưng ý cùng song hành. Đơn cử như HAGL hợp tác cùng Mizuno hay Quảng Nam được cho là sẽ se duyên cùng Jogarbola – bộ đôi nhãn hàng đến từ Nhật Bản.
Như vậy, tính rộng toàn giải, chỉ còn Sanna Khánh Hoà BVN và SHB Đà Nẵng là chưa có đối tác về trang phục. Đội còn lại, Sài Gòn FC, hiện đang sử dụng trang phục tự thiết kế do Keepdri cung ứng (nhưng không tài trợ).
Quy định sử dụng cầu thủ U23 bắt buộc (dự kiến)
Sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc, đã có một số ý kiến đề nghị V-league nên bắt buộc mỗi CLB phải sử dụng tối thiểu 1 cầu thủ trong độ tuổi 23 cho các trận đấu. Tuy nhiên, quan điểm này chưa nhận được sự tán đồng từ số đông các CLB. Bởi như đã biết, không phải đội bóng nào ở Việt Nam hiện tại cũng sở hữu hệ thống đào tạo trẻ hoạt động hiệu quả như Hà Nội FC, HAGL. Và vì vậy, quy định này nếu được thông qua cũng phải chờ đến năm 2019.
Bản quyền truyền hình (dự kiến)
Để kiếm thêm nguồn thu cho giải đấu, ban tổ chức dự tính thay đổi cách thức kinh doanh bản quyền truyền hình. Theo đó, họ sẽ bán trực tiếp gói hình ảnh sóng sạch này cho các nhà đài để đổi lấy “tiền tươi, thóc thật”, thay vì các slot quảng cáo cho các đối tác của VPF như hiện tại. Số tiền thu được sẽ được phân chia lại theo tỷ lệ cho các CLB. Tất nhiên, đây chỉ mới là dự định từ các nhà tổ chức, và còn phải chờ đợi quá trình đàm phán giữa các bên liên quan.