Sự lụi tàn của “tiểu Ronaldo” Fabio Paim, bài học cho mọi cầu thủ trẻ

Từ một tài năng được đánh giá sẽ vượt mặt Cristiano Ronaldo, sau cùng, Fabio Paim lại đi theo con đường chìm vào bóng tối.

Cái tên Fabio Paim có thể còn xa la với đa phần người đam mê túc cầu trên thế giới. Nhưng với riêng người Bồ Đào Nha, hiếm có fan bóng đá nào không biết tới Paim. Ở đất nước nổi tiếng với món cá tuyết và rượu vang ngọt Porto, sự nghiệp của Paim có thể được họ gói gọn trong câu nói “một tài năng xuất chúng đã rơi vào tuyệt vọng và thất bại”.

Chân sút Fabio Paim.

“Hãy chờ xem, cậu ta sẽ vượt cả Ronaldo”

Fabio Paim sinh ra tại Estoril, thành phố xinh đẹp chỉ cách thủ đô Lisbon 30 km đường xe. Tương tự như Ronaldo, xuất thân không tốt đem lại nghị lực lớn cho cậu bé người Bồ Đào Nha. Lên 6, Paim đã được một trong những lò đào tạo trẻ tốt nhất thế giới, Sporting ký hợp đồng nhờ màn trình diễn xuất chúng trước đó.

Vài năm sau, theo những lời đồn đoán tốt đẹp, các nhà tuyển trạch từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại Lisbon chỉ để xem Paim đá bóng. Vào cái thời mà mạng xã hội chưa là một công cụ để quảng bá các tài năng trẻ như trường hợp của Neymar, Hachim Mastour hay Martin Odegaard, thứ khiến cả hành tinh chú ý đến Paim chính là tài năng của cậu ta.

Paim trong màu áo U20 Bồ Đào Nha.

Sở hữu tốc độ và kỹ thuật thượng thừa, cầu thủ chạy cánh Paim là cơn ác mộng cho mọi hàng phòng ngự. Và căn nhà của cậu tại Estoril nhanh chóng được chất đầy bởi những danh hiệu và bằng khen. Aurélio Pereira, chuyên gia săn đầu người của Sporting, từng nhận xét về Paim: “Các bạn nghĩ Ronaldo xuất sắc ư? Vậy hãy chứng kiến Paim trong tương lai”.

Những năm 2000, Sporting là điểm đến ưa thích của các ông lớn châu Âu bởi hàng loạt ngôi sao trẻ sáng giá. Dưới tiếng gọi của sự danh tiếng, lần lượt Quaresma và Ronaldo chia tay sân vân động Jose Alvalade để tới Barcelona và Man United.

Và Paim là mục tiêu tiếp theo. Ở tuổi 14, Real, Barcelona hay Man United đã đánh tiếng muốn có trong tay cầu thủ được gọi là “tiểu Ronaldo”. Thậm chí, Liên đoàn bóng đá Pháp từng mời gia đình Paim sang Paris để cậu chơi bóng Les Bleus trong tương lai. Đó là những lời đề nghị như mơ với một cầu thủ tuổi teen.

Dù vậy, mất Paim quá sớm trên nhiều phương diện sẽ là thảm họa với Sporting, vì thế, Los Leões đã quyết định trả cho cậu bé 16 tuổi 20.000 euro/tháng để ở lại Bồ Đào Nha. Đây là con số ghi trên giấy tờ, bởi theo nhiều nguồn tin, khoản tiền thực sự Sporting phải trả cho cậu lên tới 170.000 euro.

Hành trình đi vào bóng tối của một tài năng xuất chúng

Có được khoản thu nhập khổng lồ, Paim nhanh chóng đổ vào 10 chiếc siêu xe đắt tiền của những thương hiệu có tiếng như Mercedes, Ferrari hay Porsche. Không ít trong số này được mua khi cậu còn chưa đủ tuổi để cấp bằng lái.

Không ai biết điều gì đã xảy đến nhưng Paim không có thêm bất kỳ bước tiến nào kể từ khi ký bản hợp đồng đình đám. Màn thể hiện nghèo nàn khiến Sporting quyết định không trao cơ hội thi đấu cho cầu thủ sinh ra tại Estoril như đã làm với các cái tên cùng lứa khác như Joao Moutinho hay Nani.

Trong 3 năm chuyên nghiệp đầu tiên, Paim bị CLB chủ quản cho mượn tổng cộng 6 lần, trong đó đáng chú ý nhất là tới Chelsea vào năm 2008. Chia sẻ về vụ chuyển nhượng này, Paim cho biết: “Jorge Mendes đã đưa tôi đến. Ở Chelsea có nhiều cầu thủ của ông ta và tôi sẽ được trả hậu hĩnh”. Dù vậy, Paim không được ra sân lần nào tại Anh.

Paim trong màu áo Chelsea.

Tài năng thui chột, danh tiếng và hào quang cũng rời xa Paim nhanh như cách anh này chuyển bến đỗ vậy. Trong vòng 8 năm kể từ khi không còn là người của Sporting, Paim chơi cho tổng cộng 12 đội bóng, không CLB nào trong số này “có tiếng” trên bản đồ bóng đá thế giới.

Từ năm 2011, người ta bắt gặp Paim ở sàn nhảy nhiều hơn sân bóng, ăn chơi nhiều hơn tập luyện. Vì lẽ đó, cầu thủ này không bao giờ vươn tới đẳng cấp của một ngôi sao.

Ở tuổi 30, không còn những khoản tiền hàng tháng lên tới 6 con số, Paim đối mặt với cảnh nợ lương, phải tự trả chi phí di chuyển mỗi khi về Bồ Đào Nha và tham dự vào các chương trình truyền hình thực tế để có thêm thu nhập.

Ở tuổi 30, Paim chìm vào quên lãng.

Sau cùng, Fabio Paim đã biến mất khỏi làng túc cầu thế giới mà không để lại bất kỳ dấu ấn nào, tuy nhiên, bài học thì vẫn còn đó. Theo cây viết Antonio Fernandim, thất bại của Paim là lời cảnh tỉnh cho tất cả các đội bóng trên thế giới, thay vì chỉ đưa ra những khoản lương kếch xù, họ cần có thêm lời khuyên tài chính và giúp các cầu thủ trẻ tránh xa cám dỗ.

“Tài năng luôn là chưa đủ bởi sự thất bại chỉ cách vinh quang có một bước chân. Và câu chuyện của Paim là mình chứng cho điều đó”. Ký giả người Bồ Đào Nha kết luận.

Bài liên quan