Eden Hazard thừa tài năng, nhưng anh mãi chỉ là cái bóng của Messi và Ronaldo vì sự quỷ quyệt, phản bội những người đã nâng niu và đưa mình đến đỉnh cao.
Sự quỷ quyệt mang tên Hazard
Ngày 30/8/2013, sân Eden Arena, Prague (CH Czech), Jose Mourinho đánh dấu sự trở lại Chelsea bằng trận Siêu Cúp châu Âu thua Bayern Munich 4-5 trên loạt luân lưu, sau 120 phút có kết quả hòa 2-2.
Chelsea thua, nhưng đầy hứa hẹn về tương lai sau màn trình diễn xuất sắc. Những CĐV Chelsea có mặt trên khán đài Eden Arena đã không ngừng hát vang tên Mourinho.
“Hãy hát tên Hazard, đừng hát tên tôi“, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha gửi thông điệp đến những người yêu Chelsea. Trận ấy, Hazard chơi xuất sắc hơn bất kỳ ai (dù UEFA trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất cho Ribery), thể hiện vai trò thủ lĩnh của The Blues, và trực tiếp ghi 1 bàn.
Đó là sự khởi đầu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Mourinho và Hazard, ít nhất là dựa theo sự thể hiện của họ trong nhiều tháng tiếp theo.
Trong mùa giải 2013/14, rất nhiều lần các CĐV Chelsea được chứng kiến khoảnh khắc Hazard ghi bàn, rồi lao vào vòng tay Mourinho. Dưới sự dẫn dắt của Người đặc biệt, anh lột xác khi ghi 17 bàn thắng.
Hazard bùng nổ hơn trong mùa 2014/15. Anh ghi 19 bàn thắng, kỷ lục trong sự nghiệp chơi bóng ở nước Anh. Hazard một lần nữa tìm đến vòng tay Mourinho, khi Chelsea giành chức vô địch Premier League 2014/15.
Ít lâu sau khi ăn mừng chiến công tập thể, Mourinho và Hazard xuất hiện đầy tình cảm trong bữa tiệc tổng kết Premier League. Mourinho nhận danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải, và Hazard là Cầu thủ xuất sắc nhất.
Mọi thứ thay đổi chóng mặt. Nửa năm sau khi tỏa sáng ở Gala Premier League, Mourinho nhận quyết định sa thải từ BLĐ Chelsea. Giáng sinh 2015 thật buồn với Mou khi chiếc ghế của ông bị “gãy chân“. Chính Hazard cầm đầu nhóm “bẻ chân ghế” đình đám.
Từ chỗ luôn nói những điều tốt đẹp, Hazard quay ngoắt lại phản bội Mourinho. Hóa ra, những tuyên bố xem Mourinho như một người thầy giúp mình trưởng thành chỉ là sự giả dối.
Mới đây, khi Mourinho trở lại Stamford Bridge, ông đã bắt tay với toàn bộ cầu thủ Chelsea. Chỉ riêng Hazard phớt lờ ông, như thể họ là kẻ thù không đội trời chung.
Những gì Mourinho từng trải qua hiện đang lặp lại với Conte, và Hazard vẫn là nhân vật chính.
Hazard lao vào vòng tay Conte là hình ảnh lặp đi lặp lại mùa giải trước. Không chỉ có vậy, ngôi sao người Bỉ còn tuyên bố, làm việc với Conte một tuần giúp anh định hình tư duy hơn là suốt nhiều tháng bên cạnh Mourinho.
Lời nói gió bay, Hazard giờ đây đang đứng sau cuộc nổi loạn ở Stamford Bridge, khiến chiếc ghế của Conte chao đảo dữ dội.
“Con cừu đen” Hazard chỉ là cái bóng của Messi và Ronaldo
Khi Mourinho bị sa thải cuối năm 2015, ông chua chát nói về việc bản thân là nạn nhân của “cừu đen“. Không chỉ đích danh, nhưng ai cũng hiểu vị HLV hiện đang dẫn Man United muốn nhắc đến Hazard.
Vài tuần trước, khi Chelsea đang lao đao, Conte cũng nói đầy ẩn ý: “Công việc của tôi là huấn luyện. Tôi không có nghĩa vụ phải làm vui người này hay người kia, kể cả Hazard“.
Mùa trước, Hazard là ngôi sao đưa Chelsea đến với ngôi quán quân Premier League. Từ đó, anh đòi hỏi được chơi tự do như các siêu sao Messi và Ronaldo, buộc cả đội phải phục vụ mình. Tất nhiên, Conte không chấp nhận. Với người Italia, chiến thuật dựa trên khả năng vận hành của cả tập thể, không có ngoại lệ cho bất kỳ cá nhân nào.
Hazard là một tài năng của bóng đá thế giới trong một thập niên trở lại đây. Mùa 2008/09 – ở tuổi 18, anh đã là trụ cột của Lille, và nằm trong số những cầu thủ đáng xem nhất Ligue 1 (Pháp).
Chơi bóng thiên về kỹ thuật và sự sáng tạo, sở trường lệch trái, Hazard từng được kỳ vọng sẽ đứng chung hàng ngũ với Messi và Ronaldo.
Nhưng sau gần 6 năm kể từ ngày rời Lille gia nhập Chelsea, Hazard chưa bao giờ được như kỳ vọng, và sẽ không bao giờ điều đó xảy ra. Tuyển thủ Bỉ sinh năm 1991 vẫn chỉ lơ lửng ở cái ngưỡng giữa một cầu thủ giỏi và siêu sao.
Mà cái ngưỡng lưng chừng ấy thì có rất nhiều cầu thủ. Bằng chứng là Hazard chỉ xếp thứ 19 trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng 2017 của France Football (với The Best của FIFA, anh xếp hạng 13).
Messi và Ronaldo thuộc đẳng cấp khác. Họ là những cá nhân được vượt qua ranh giới chiến thuật. Nhưng chưa bao giờ hai siêu sao này bị gắn với hình ảnh kẻ phản bội, như Hazard.
Messi từng mâu thuẫn với Luis Enrique (đầu năm 2015), nhưng hai bên có thỏa hiệp vì lợi ích của Barca. Ronaldo từng mâu thuẫn, đến mức cãi nhau với Mourinho, nhưng không có chuyện “bẻ ghế“. Anh giải thích: “Mỗi người được thuê cho công việc khác nhau, và chúng tôi phải làm tốt nhất cho đội bóng“.
Messi hiểu rõ một chân lý, và Ronaldo cũng vậy: Tập thể chiến thắng sẽ giúp cá nhân họ nổi bật hơn. Chính vì thế, giữa lợi ích cá nhân, họ vẫn tôn trọng giá trị tập thể.
Hazard chỉ biết đến cá nhân. Một người mà tâm trí cứ dành vào chiếc ghế của HLV thì không thể nào bước lên hàng ngũ siêu sao.