Họ là những người rất đặc biệt trong thế giới bóng đá. Không nhiều cầu thủ có thể thi đấu cho hai đội tuyển trong sự nghiệp.
Luis Monti (Argentina, Italia)
Thời điểm Monti thi đấu, bóng đá vẫn còn ở thuở sơ khai và không có quá nhiều quy tắc ràng buộc. Bởi thế, mới có chuyện Monti trở thành cầu thủ thi đấu cho 2 đội tuyển quốc gia trong 2 trận chung kết World Cup.
Monti sinh tại Buenos Aires vào năm 1901, là người Argentina chính gốc. Ông bắt đầu khoác lên mình màu áo sọc xanh trắng năm 1924 trước khi cùng đội tuyển góp mặt ở chung kết World Cup 1930. Tiếc rằng, Monti cùng đồng đội đã thất bại.
Bước ngoặt trong sự nghiệp Monti đến khi ông gia nhập Juventus vào năm 1931. Chỉ một năm sau, ông chuyển sang khoác áo Azzurri và góp mặt tại chung kết World Cup 1934. Lần này, Monti đã được hưởng trọn niềm vui khi Italia giành chiến thắng.
Michel Platini (Pháp, Kuwait)
Platini là huyền thoại người Pháp, ông đã có tổng cộng 72 lần ra sân cho Les Bleus từ năm 1976 đến 1987, ghi 41 bàn, chỉ kém mỗi Thierry Henry. Plantini cùng Pháp lên ngôi EURO 1984, về phần mình, ông giành 3 Quả Bóng Vàng liên tiếp (1983, 1984, 1985).
Michel Platini giải nghệ năm 1987 nhưng ông bất ngờ trở lại bóng đá đúng một ngày duy nhất, ngày 27/11/1988 để khoác áo Kuwait thi đấu trong trận giao hữu với Liên Xô theo yêu cầu của một tiểu vương nước này.
Thiago Motta (Italia, Brazil)
Motta có cha mẹ là người Ý nhưng anh sinh tại Sao Bernardo de Campo, Brazil. Motta thi đấu thường xuyên trong các lứa trẻ của Brazil và cùng đội tuyển tham dự Gold Cup 2003 (Giải vô địch Bắc & Trung Mỹ Caribe, Brazil là khách mời). Anh ra sân 2 lần trong khi Brazil giành ngôi Á quân.
Tuy nhiên, ngay sau đó Motta tiết lộ anh không có khao khát khoác áo đội tuyển xứ Samba. Thay vào đó, quê hương của cha mẹ anh, Italia mới là quốc gia tiền vệ này muốn thi đấu. Rất may cho Motta, FIFA ban hành quy luật “một cầu thủ chỉ được khoác áo một đội tuyển” vào năm 2004, tức sau thời điểm Motta khoác áo Brazil. Thế nên, hai trận đấu với Brazil của Motta xem như được ‘xóa’ và anh hoàn toàn có thể thi đấu cho Italia.
Với khao khát cháy bỏng chơi cho Azzurri, Motta đã đợi hơn 7 năm và cuối cùng sự kiên định của anh đã được đền đáp. Dưới thời Cesar Prandelli, anh được triệu tập vào Tháng Hai năm 2011. Tổng cộng Motta đã khoác lên mình màu áo thiên thanh 30 lần, tham dự EURO 2012, 2016 và World Cup 2014.
Diego Costa (Brazil, Tây Ban Nha)
Diego Costa sinh tại Brazil, nhưng phải đến khi 25 tuổi, anh mới được gọi lên tuyển năm 2013 và có 33 phút trong 2 trận giao hữu với Italia và Nga. Theo luật, Costa vẫn có quyền thi đấu cho đội tuyển khác bởi anh chỉ mới góp mặt ở những trận giao hữu.
Một năm sau, khi cả Brazil và Tây Ban Nha đều muốn có anh cho World Cup 2014, Costa đã gây sốc khi chọn Tây Ban Nha: “Tôi chọn Tây Ban Nha vì đất nước này đã trao cho tôi mọi thứ trong cuộc đời. Tôi có một tình cảm đặc biệt với nơi đây.”
World Cup 2014, anh khoác áo Tây Ban Nha và thi đấu tại chính quê nhà Brazil. Tại nước Nga tới đây, Costa nhiều khả năng sẽ là tiền đạo chủ lực của Tây Ban Nha.
Alfredo Di Stefano (Colombia, Argentina, Tây Ban Nha)
Di Stefano là cầu thủ đặc biệt nhất trong danh sách này bởi ông thi đấu không chỉ 2 mà đến 3 đội tuyển. Là người gốc Argentina, ông ghi được 6 bàn sau 6 lần ra sân cho đội tuyển quê hương. Tuy nhiên, sau đó Di Stefano chuyển sang khoác áo Colombia, ghi 6 bàn trong 7 trận.
Nhưng Tây Ban Nha, quốc gia của CLB chủ quản Real Madrid mới là nơi dừng chân cuối cùng của Di Stefano. Tại đây, ông ghi 23 bàn sau 31 lần ra sân. Đáng chú ý, dù khoác áo 3 đội tuyển nhưng Di Stefano chưa một lần góp mặt ở World Cup.
"Trên đây là thông tin tham khảo dựa trên những thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm cung cấp cho người đọc hoặc người nghe kiến thức về một chủ đề cụ thể. Thông tin này có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, học tập, giải trí hoặc công việc."