“Quyến ơi. Quyến ơi, cố lên nhé”. Những tiếng hò reo cổ vũ vang lên trên sân đấu mỗi khi khi tiền đạo Phạm Văn Quyến – “cậu bé vàng” một thời của bóng đá VN – ra sân. Không còn đá chuyên nghiệp nhưng tình yêu bóng đá mà người hâm mộ dành cho Quyến vẫn còn đó.
Trở lại sân cỏ sau án kỷ luật, đâu là khoảnh khắc đáng nhớ nhất với Quyến?
– Lượt đi V-League 2008, tôi trở lại và ghi được bàn thắng vào lưới chủ nhà Quân Khu 4 mang về chiến thắng cho SLNA. Cú vôlê và bàn thắng ấy khiến tôi rơi nước mắt.
Tôi hạnh phúc chẳng khác bàn thắng sút phạt trực tiếp gỡ 1-2 vào lưới U-16 Trung Quốc ở VCK U-16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng, giúp VN thắng ngược 3-2 vào tứ kết. Năm 2008 tôi ghi được 8 bàn thắng. Một con số không tệ sau 30 tháng bị treo giò. Tiếc thay, khi tôi đang dần tìm lại mình thì nhiều chuyện không hay khác ập đến khiến tôi lại mất tất cả thêm lần nữa.
– Đó là những điều không hay thế nào?
– Tai nạn xe máy khiến tôi phải phẫu thuật sụn chêm cổ chân phải. Chấn thương dai dẳng khiến tôi mất dạng ở năm 2009. Sau đó, tôi về quê nội ở Diễn Châu (Nghệ An, nơi cha anh tìm về vào những tháng ngày cuối đời với căn bệnh ung thư vòm họng) vuốt mắt vĩnh biệt cha. Nước mắt tuôn rơi khi tôi vuốt mà đôi mắt ông không nhắm lại.
Có lẽ, ông còn giận khi tôi nóng nảy tuyên bố trong chuyến đi tìm cha tại Rạch Giá vào năm 2000 rằng sẽ không bao giờ tha thứ việc ông bỏ rơi mẹ con tôi từ thuở tôi lọt lòng. Hay cũng có thể ông vẫn còn ray rứt với lỗi của mình khi từ Diễn Châu vào tận Rạch Giá cùng mái ấm gia đình khác. Tôi thiếu vắng cha từ bé, nay lại mất cha mãi mãi. Dù có ân hận, có hối lỗi đến mấy thì cha cũng đã vĩnh viễn ra đi.
Những điều không hay nối nhau ập đến làm tôi chao đảo. Lành chấn thương, quay lại tập luyện, tôi càng ít được ra sân hơn vì không đủ sức cạnh tranh cùng các ngoại binh. Tôi không kể lể để mong có sự cảm thông, nhưng nếu là dân đá bóng sẽ hiểu được nỗi khổ của một cầu thủ tập luyện quần quật để rồi phải triền miên trên băng ghế dự bị.
Thi thoảng được vào sân chục phút thì làm sao tìm lại cảm giác bóng, làm sao có thể phối hợp “ngọt ngào” cùng đồng đội. Nhiều lúc tôi như lạc vào mớ bòng bong không sao thoát ra được. Buồn, tủi nhưng tôi vẫn cắn răng tập để chờ cơ hội được chơi, được cống hiến để chuộc lỗi.
Đồng đội một thời của anh – Công Vinh – đã và đang có đầy đủ mọi thứ, riêng anh thì khác. Anh nghĩ sao về điều này?
– Tôi mừng cho Công Vinh và mong cậu ấy luôn hạnh phúc. Công Vinh nắm bắt được cơ hội để vươn lên. Còn tôi đã tự đào hố chôn mình bởi suy nghĩ nông cạn, bồng bột của tuổi trẻ. Tôi không đổ lỗi cho số phận nhưng cuộc đời tôi là chuỗi ngày cô độc, không có được cha hay anh em trai để chia sẻ, giúp tôi lời khuyên khi gặp cảnh ngộ cùng cực.
Nếu không sa ngã ở SEA Games 2003, có thể thời gian qua anh đã có rất nhiều tiền và danh vọng. Anh có tiếc cho mất mát ấy?
Có một thứ mà tôi mãi đau khổ trong lòng là đánh mất niềm tin, thiêu cháy tình cảm mà gia đình, đồng nghiệp, người hâm mộ cùng các thầy đã ưu ái với tôi. Giờ có bạc tỉ cũng không mua được, không chuộc được sai lầm. Song trong thâm tâm, tôi rất vui khi nghe được lời động viên, được gọi tên khi ra sân.