Sáu năm qua, Benfica vừa đoạt 4 chức vô địch quốc gia, vừa kiếm được hơn 350 triệu USD tiền bán cầu thủ trẻ. Công nghệ là phần đóng góp quan trọng trong thành công ấy.
Bốn năm trước, công ty 360S ký một bản hợp đồng Nghiên cứu và Phát triển với công ty công nghệ INOV để đặt hàng một sản phẩm công nghệ phục vụ cho huấn luyện bóng đá theo mô hình giả lập. Với ý tưởng và định hướng của 360S, INOV đã đưa ra và hoàn thiện các giải pháp công nghệ đáp ứng đầy đủ cho đối tác của mình. Một năm sau, năm 2014, phòng tập giả lập 360S ra đời.
Được đưa vào thử nghiệm và vận hành ở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ “Caixa Fitebol Campus” của CLB Benfica ngay từ khi “chào đời”, theo đánh giá của giám đốc trung tâm, cũng là một cựu tiền đạo lừng danh của lứa “thế hệ vàng” của bóng đá Bồ Đào Nha – Nuno Gomes: “Vài năm qua, công nghệ và nhất là phòng tập của 360S là nền tảng cho sự thành công trong công tác đào tạo trẻ của chúng tôi”.
VIDEO: Phòng tập giả lập 360S của CLB Benfica
Bên cạnh PlayerTek – hệ thống theo dõi và đánh giá sức khỏe cầu thủ, một trong những sản phẩm có mặt tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, phòng tập giả lập 360S là nhân tố quyết định cho sự tiến bộ về kỹ thuật và phản xạ của các cầu thủ thành danh từ lò Benfica đang thi đấu ở khắp châu Âu.
Trong khi Công Phượng đang chật vật trong cái bóng hào nhoáng của mình 4 năm về trước, với dấu ấn ở tuổi chưa đầy 19 đè nặng lên phong độ kém cỏi hiện tại, thì ở Mỹ, Lee Nguyễn – cầu thủ gốc Việt đang chói sáng với phong độ đỉnh cao, dù hơn ngôi sao của CLB HAGL đến gần 10 tuổi. Vậy sự khác biệt giữa Lee Nguyễn và Công Phượng là gì?
Không có được sự lắt léo trong các động tác kỹ thuật như Công Phượng, nhưng bù lại tốc độ xử lý là điểm mạnh đáng kể của cầu thủ đang thi đấu ở MSL. Theo phân tích của các chuyên gia bóng đá, sự hạn chế thấp nhất động tác thừa là điều làm cho Lee Nguyễn trở nên cực kỳ nguy hiểm trong vai trò tiền đạo.
Đấy cũng chính là vấn đề lớn nhất của các cầu thủ Việt Nam. Sai sót trong đỡ bước một và mất thời gian vì những động tác thừa khi xử lý bóng khiến khả năng xoay trở, quan sát của các cầu thủ Việt Nam bị hạn chế rõ rệt.
Và đấy cũng chính là điểm mạnh nhất mà phòng tập giả lập đem đến cho các cầu thủ có điều kiện tập trong điều kiện này.
Tại đây, với những tình huống bóng được giả lập từ 4 cổng bắn bóng, cùng các mục tiêu di động trên dải đèn LED, dưới sự giám sát và đo đạc với độ chính xác gần như tuyệt đối, kỹ năng và khả năng của các cầu thủ được thể hiện rõ ràng nhất bằng những con số, thay vì đánh giá bằng mắt thường.
Khả năng khống chế bóng bước một, tốc độ xử lý đưa bóng đến vị trí cần thiết (có thể là kết thúc, hoặc chuyền cho đồng đội – tùy thuộc theo mục tiêu hiển thị trên màn hình LED 360 độ) là những chỉ số cần thiết được ghi nhận để giúp các HLV đánh giá và đưa ra giáo án phù hợp với từng cầu thủ.
Phòng tập giả lập 360s của PVF được Giggs và Paul Scholes mang đến Việt Nam
Bên cạnh đó, khả năng giả lập tình huống sút phạt, cũng như bắt bóng (với thủ môn) ở cường độ và tần suất cao cũng được các chuyên gia đào tạo ở CLB Benfica đánh giá cao, bởi trong đào tạo bóng đá, việc tập kỹ năng chi tiết lặp đi lặp lại, tạo thành phản xạ tự nhiên là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong đào tạo bóng đá.
Hơn 3 năm được thử nghiệm và áp dụng vào công tác đào tạo ở Benfica, với rất nhiều thành công, hệ thống này vẫn đang được tiếp tục phát triển và hướng đến công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và chủ trương phát triển chuyên sâu, hơn là phổ cập (PVF là đối tác châu Á duy nhất mua được). Đấy chính là lý do PVF đã phải cạnh tranh quyết liệt với Man City và Monaco để đem bằng được “vũ khí công nghệ” này về Việt Nam.
Cái giá 1,2 triệu euro là không hề rẻ, nhưng sự thành công trong đào tạo trẻ của Benfica là sự bảo chứng hoàn hảo cho “chất lượng như vàng”, và cùng với sự phát triển và nâng cấp được cam kết, đây sẽ là thứ “vũ khí” sắc nhọn nhất của PVF để hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam đến với VCK World Cup 2030 như giám đốc Ryan Giggs vừa cam kết.