Bầu Đức là một trong những người tiên phong cho việc đầu tư vào đào tạo bóng đá trẻ, và số tiền ông bỏ ra là 1 khoản không hề nhỏ
Bầu Đức chi bao nhiêu?
Ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất là 5 hecta cao su. Một quyết định gây sốc bởi lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/hecta/năm-thời điểm năm 2007).
Nhưng việc đó cũng chẳng thấm vào đâu so với núi tiền bầu Đức đã bỏ ra để xây dựng và duy trì học viện HAGL-Arsenal JMG suốt 10 năm qua.
Bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG. Và 10 năm qua, tổng số tiền ấy đã là 50 triệu USD, tương đương 1 ngàn 122 tỷ 500 triệu đồng.
Chưa hết, để chăm sóc cho những đứa con cưng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… và bây giờ là các học viên khóa III, mỗi năm bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài. Hiện tại, khóa III đang tập huấn tại Hàn Quốc. Và tiếp tục nhân với 10 năm, con số này không dưới 100 tỷ.
Đem cộng số tiền trên lại thì đúng là 10 năm qua, Học viện phố Núi đã ngốn của bầu Đức cả ngàn tỷ đồng.
Quyết không chuyển nhượng
Năm 2016, Tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Bầu Đức đã đứng trước những thử thách một mất một còn khi phải sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Đáng chú ý trong số đó có công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG được mang ra thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng của công ty với hợp đồng có lãi suất 5,05-10,5% và có thời hạn thanh toán từ ngày 25/1 đến 11/9/2016.
Bởi vậy, rất nhiều người đã cảm thấy lo lắng cho sự an nguy của Học viện bóng đá trên đỉnh Hàm Rồng và đội bóng phố Núi ở V-League.
“Thời điểm đó, đánh giá chung khả năng tồn tại của HAGL là khó, có người muốn chia sẻ đã nói với anh Đức là giao lại Học viện để họ làm. Nhưng anh Đức kiên quyết từ chối. Anh khẳng định, dù có khó khăn cỡ nào thì có 2 thứ anh sẽ luôn giữ lại là Học viện HAGL Arsenal JMG và bệnh viện HAGL. Dĩ nhiên, giữ lại với hình thức nào thì chưa biết nhưng anh sẽ cố gắng giữ lại vì đó là ước nguyện của anh.
Nói thế để thấy, ngay trong khó khăn, đội bóng HAGL và học viện HAGL-Arsenal vẫn rất rất có giá. Giá trị của nó vô hình không đo đếm được” – ông Tấn Anh kể lại.
Thu về được gì?
Sau 10 năm bầu Đức thu về được gì từ Học viện HAGL-Arsenal JMG? Đó chắc chắn không phải là những khoảng lợi nhuận có thể bù đắp số tiền ông Đức đá chi ra.
Mục tiêu đầu tiên đặt ra khi xây dựng Học viện HAGL-Arsenal JMG chính là câu slogan “Vì tương lai bóng đá Việt Nam”. Nó được hình thành khi ông Đoàn Nguyên Đức đề nghị hợp tác với Arsenal và được HLV Arsene Wenger khuyên đi theo con đường đào tạo trẻ.
Mục tiêu thứ 2 được ghi trong hợp đồng là sau quá trình đào tạo 7 năm, có ít nhất 2 cầu thủ của Học viện thi đấu tại Arsenal. Đó cũng chính là khao khát lớn nhất của bầu Đức.
Đến bây giờ, sau 7 năm ra trường, dù có giai đoạn Arsenal dìu dắt, kiểm tra, trong đó có lần gọi 4 cầu thủ là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều sang London tập luyện song chưa có ai nằm trong tầm ngắm của ông Arsene Wenger và các nhà tuyển trạch Arsenal.
Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Tấn Anh – Trưởng đoàn bóng đá HAGL, Học viện đã tạo được cú hích nho nhỏ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà và cả một niềm tin vào tương lai gần. Đó là khi các em khoác áo U19 Việt Nam thi đấu ở các giải khu vực và châu lục.
“Mục tiêu đi về phía Tây có thể chưa đạt song lại có bước chuyển hướng về phía Đông. 3 cầu thủ HAGL sang Nhật Bản, Hàn Quốc thi đấu ít nhiều chứng tỏ rằng, các em có khả năng và được chú ý.
Sau một mùa, dù chưa đóng góp nhiều cho CLB nhưng các CLB vẫn muốn gia hạn hợp đồng, điều đó càng khẳng định họ có tiềm năng và có thể đóng góp được chứ không phải không.
Hiện nay có một làn sóng trong đội bóng HAGL sau khi có 3 cầu thủ ra ngoài thi đấu, đó là khao khát được cống hiên và được bay xa” – ông Tấn Anh nói.
Đánh giá về tương quan giữa khóa I và khóa II với khóa III hiện nay, ông Tấn Anh cho biết: “Các lứa sau có một điểm là chưa ra ngoài, chưa thi đấu một giải nào nên chưa nhìn thấy được để đánh giá. Tuy nhiên, nhưng theo các HLV tại chỗ thì họ từ bằng và có thể tốt hơn so với lứa Công Phượng.
Nhưng nói bằng và tốt hơn như thế nào thì chưa cụ thể vì thực tế các em chưa va đập như lứa I, lứa II. Các em khóa III từ tháng 3 này đến tháng 7 mới bắt đầu tham gia nhiều giải đấu quốc tế, các sẽ được gửi đi tập huấn ở nước ngoài để bắt đầu tích lũy kinh nghiệm thi đấu thực tế”
Gia tài để lại của lứa Công Phượng
Các em khóa sau của Học viện HAGL-Arsenal JMG giờ đây coi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… là thần tượng của mình. Trên sân tập của HAGL bây giờ có thể thấy, có em tập lối đá giống Công Phượng, em tập lối đá giống Xuân Trường, có em lại tập như Tuấn Anh. Các em không còn nghĩ tới những thần tượng xa xôi nữa mà nhìn ngay vào các bậc đàn anh trước mặt mình.
Không chỉ học cách đá bóng, các em còn học cả cách sống, cách nói chuyện… Điều đó giúp các em gần với hiện thực hơn. Nếu mơ là Ronaldo, là Messi ở châu Âu thì có gì đó xa xôi quá, cứ cố gắng học tập, chơi bóng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, để một ngày được như các anh là một hiện thực gần hơn.
“Lứa Công Phượng khi mới 11, 12 tuổi bước chân vào Học viện không dám mơ tới những điều xa xôi. Bản thân tôi khi đưa Công Phượng sang Mito, Phượng vẫn chưa nghĩ tới việc một ngày được chơi bóng ở nước ngoài. Nên Phượng rất hồi hộp.
Bây giờ thì mọi thứ lại đơn giản hơn cho các bạn đi sau rồi. Ví dụ một ngày, Xuân Trường dắt tay Văn Thanh, Văn Toàn sang nước ngoài thi đấu. Đó là chính là gia tài tinh thần mà lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường để lại cho các em học viên khóa sau của Học viện, nó giúp các em ngắn lại những giấc mơ!” – Ông Tấn Anh chia sẻ.
Chưa trong 10 ngày, bầu Đức có 3 lần tuyên bố sẽ nghỉ nếu không dẹp được những bất cập ở VFF, cụ thể là chuyện tham quyền, tham ghế của bóng đá Việt Nam. Một khoảng lặng thực sự cho người hâm mộ nhưng ông bầu CLB HAGL sẽ chơi tất tay!
Lời tuyên chiến với bầu Tú
Mới nhất, bầu Đức tuyên bố nếu bầu Tú đắc cử phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính vào tháng 4 này, ông bỏ bóng đá, bất chấp tâm huyết hơn 12 năm xây học viện và gần 20 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức giữ nguyên giọng điệu đanh thép là phải chống đối chuyện bầu Tú ngồi ghế phó Chủ tịch VFF đến cùng. Lý do mà những ngày qua ai cũng biết là chuyện ông Trần Anh Tú đã ngồi 3 ghế bự của VPF: Chủ tịch, Tổng giám đốc và Trưởng giải. Ngoài ra, ông Tú ngồi thêm 4 chiếc ghế khác là Chủ tịch CLB bóng rổ, Trưởng ban Futsal, Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam và Chủ tịch liên đoàn bóng đá TP.HCM.
Bầu Đức tuyên thề sẽ đấu đến cùng với chuyện ngồi nhiều ghế của bầu Tú, nếu thua sẽ nghỉ bóng đá. Ông chủ CLB HAGL nói trên Saostar rằng: “VPF là của tập thể, bản thân (bầu Tú) không có đội bóng nào. Chẳng lẽ bỏ tiền ra cho quậy à? Tôi nói từ trong tâm nói ra, tôi nói là đúng, không bao giờ nói bậy.
Tôi nói sòng phẳng trong cuộc họp ban chấp hành chứ không phải bây giờ mới phát biểu với báo chí. Bóng đá Việt Nam “từ chết đến bị thương” vì bị thao túng rồi. Bóng đá là môn nhiều người quan tâm chứ không phải để cho một người, mà người này là ngoại đạo. Vậy giao nhiều việc như thế thì xảy ra chuyện gì?
Phải chăng trong bóng đá có Mafia à? Điều đó sẽ không tồn tại được với chúng tôi về lâu dài, không bao giờ để Mafia lọt chân vào Liên đoàn bóng đá và môn bóng đá.
Có người hỏi tôi là có đội bóng mà sao nói thế? Tôi bảo sợ chuyện đó à. Tôi sẵn sàng bỏ bóng đá nếu thấy vô lý. Đừng có giỡn, chẳng lẽ bỏ tiền làm bóng đá để một người muốn làm gì làm, muốn thao túng à?!”
Nhưng sau tất cả…
Đó không chỉ đơn thuần là đấu đến cùng với bầu Tú mà tuyên chiến cả VFF. Vì ông Đức nói thẳng chuyện bầu Tú trước mặt bá quan văn võ của VFF, kể cả Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Đổi lại, ông chủ CLB HAGL chỉ thấy họ ngồi im lặng, còn mọi thứ vẫn không dịch chuyển.
Nhưng mấu chốt của vấn đề là VFF bất ngờ đưa ra quy định các ứng viên phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII phải có điều kiện tối thiểu là bằng Đại học. Điều ấy giống như “cát tát thẳng mặt” bầu Đức, bởi ai cũng biết ông chủ CLB HAGL không có bằng Đại học.
VFF đưa ra quy định ấy chẳng khác nào “đá” bầu Đức khỏi cuộc chơi. Đúng hơn, họ dường như chuẩn bị sẵn để hất cẳng ông Đức sau khi bóng đá Việt Nam có được sự thành công của U23 ở sân chơi châu Á.
Quy định có bằng Đại học chẳng khác nào là “cái tát” cho bầu Đức. Thế nên, hãy tin ông Đức không phải nói vui mà chiến đến cùng.
Thử hỏi, sau nhiều năm cống hiến cho bóng đá Việt Nam, đổ biết bao nhiều tiền bạc và tâm huyết xây học viện vì giấc mơ bóng đá Việt vươn tâm châu lục, mơ vô địch SEA Games và sẵn sàng đánh đổi danh dự nếu thất bại.
Hơn hết, ông Đức đi sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang Seo về dẫn dắt ĐTQG. Thành công của U23 và bóng đá Việt Nam gây tiếng vang cả châu Á rõ ràng có công lao rất lớn của ông chủ CLB HAGL.
Đổi lại, những người đứng đầu VFF gạt bầu Đức ngay từ “vòng giữ xe” với quy định mới là phải có bằng Đại học. Đó là chưa kể ông Đức không được điền tên vào danh sách ứng cử, dù có CLB đề cử. Nhưng dù có tên thì bầu Đức cũng không đủ điều kiện tham gia cuộc chơi, vì đâu có bằng Đại học.
Nhìn ở mọi góc độ về cách hành xử của VFF, bầu Đức rõ ràng phải “phản đòn”, thậm chí là thà bỏ bóng đá còn hơn chấp nhận cuộc chơi mà phần lớn đều muốn gạt bỏ ông sang một bên!
Vậy nên, hãy tin là bầu Đức sẽ chơi “tới bến”, không nhượng bộ để đòi lại danh dự lẫn vị thế của mình sau bao nhiêu năm cống hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam, thay vì chấp nhận cuộc chơi để nhìn những người khác không đóng góp bằng ông nhưng đứng lên cầm đầu!