10 tuổi, Xuân Mạnh đã tự lái máy cày ba càng cày ruộng thuê để phụ giúp bố mẹ. Hình ảnh đứa con trai ngập ngụa trong bùn lầy chạy sau cái máy cày đến nay vẫn còn như in trong mắt ông Phạm Xuân Linh và bà Phan Thị Hà (bố mẹ Xuân Mạnh).
Bị phạt 3 tạ lúa vì sinh vỡ kế hoạch
Bà Hà kể, sau khi đã có 2 cô con gái, vợ chồng bà quyết đẻ thêm một đứa con trai. Năm 1996, Xuân Mạnh ra đời, vợ chồng bà bị UBND xã xử phạt hành chính 3 tạ lúa vì “vi phạm kế hoạch hóa gia đình”. Dù bị phạt nhưng vợ chồng bà vẫn rất vui vì đã có được “thằng con chống gậy”.
Mạnh lớn lên trong nghèo khó. Hai vợ chồng ông Linh quần quật trên mấy sào ruộng khoán nuôi 3 đứa con, nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. “Nhiều lúc tôi nói với ông ấy, vợ chồng ta cũng siêng năng làm ăn, cũng tiết kiệm từng hào, răng vẫn cứ nghèo mãi”, bà Hà kể. Ông Linh ngồi bên vợ, cười mỉm, nói với tôi “có lẽ do cái số”.
Ông Linh dẫn tôi lên căn nhà cũ mà vợ chồng ông từng sinh sống, nằm cách nơi ở mới chừng 300 m. Căn nhà cũ kỹ nằm heo hút bên đồi xơ xác cây. “Đất ở đây cằn lắm, nước cũng khan nên trồng cây gì cũng rất khó phát triển”, ông Linh nói. Căn nhà này là nơi Xuân Mạnh được sinh ra và lớn lên.
Trong căn nhà nghèo khó ấy, trên xà ngang vẫn còn sót lại một tấm giấy khen học sinh tiên tiến của Mạnh. “Nghĩ lại cứ thấy thương con. Nó lớn lên bằng khoai, sắn, không có đường sữa vì không có tiền mà mua chú à! Hồi nhỏ, nó rất ham đá bóng. Mấy cây bưởi trong vườn ra trái, nó hái trộm mang đi làm bóng đá với mấy đứa chăn trâu. Hết bưởi thì lấy giẻ cuộn tròn lại làm bóng”, bà Hà kể. Lớp 4, Xuân Mạnh đã tham gia đội tuyển nhi đồng của xã để thi đấu với các xã khác. Lên lớp 5, cậu lọt vào đội tuyển nhi đồng của huyện để thi đấu giải bóng đá nhi đồng của tỉnh Nghệ An. Năm đó, đội của Mạnh lọt vào chung kết nhưng phải nhận giải á quân.
“Nó hiền, ngoan, có hiếu, biết chịu khó, thương bố mẹ”, bà Hà nói về tính cách của cậu con trai.
Ông Linh sắm cái máy cày 3 càng để đi cày ruộng thuê cho người trong xã. Năm lên 10 tuổi, Mạnh đã theo bố ra đồng, tự lái được máy cày để giúp bố. Nhìn cậu bé loắt choắt bì bõm lội theo cái máy, người ngập ngụa bùn đất, ai cũng ngạc nhiên và khen. “Sau này thấy con luyện tập vất vả, tui hỏi, đá bóng thế có mệt lắm không con, nó nói, vẫn khỏe hơn đi cày mẹ ạ”, bà Hà nói.
11 tuổi, bà Hà chở con bằng xe máy cùng một người trong xã vào TP.Vinh để thi tuyển vào SLNA. Bà Hà không đặt nhiều hy vọng vào con trai vì nghĩ vào được SLNA là mơ ước quá xa với đứa con đang lớn lên từ đồng ruộng. Và kết quả đã khiến vợ chồng bà rất hạnh phúc. Ngày đưa Xuân Mạnh vào CLB SLNA để theo đuổi giấc mơ tuyển thủ, trở về, bà Hà ứa nước mắt vì thương con. “Con còn nhỏ, nó chưa quen với cuộc sống xa cha mẹ, nên tui rất thương. Thời gian đầu, nó thường mượn điện thoại của bạn gọi về, khóc, nói con nhớ nhà. Tui phải động viên mãi”.
Bán trâu cày để mua giày cho con đá bóng
Năm Mạnh đi thi đấu giải U.17, cậu về nhà ngỏ ý với mẹ cần một đôi giày tốt để thi đấu. Vợ chồng bà Hà xoay không ra tiền, phải bán con trâu cày, tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó để mua giày cho Mạnh. “Tui bán được 7 triệu, mua cho nó đôi giày 4 triệu, còn 3 triệu mua một con nghé nhỏ để làm kế sinh nhai”, bà Hà kể. Con trai đã vào được SLNA, đi thi đấu nhiều giải, nhưng vợ chồng bà Hà vẫn phải chu cấp tiền cho Mạnh vì cậu chưa được trả lương.
Năm 2014, vợ chồng bà được người em ruột bán rẻ cho mảnh đất thừa kế nằm ven đường làng. Hai vợ chồng vay mượn hơn 200 triệu đồng để xây nhà. “Cái nhà ni như nhà tình nghĩa. Vì vay rất nhiều nơi, ngân hàng, anh em, bạn bè mỗi người một ít”, ông Linh cười nói. Đầu năm 2017, Xuân Mạnh lọt lên đội hình 1 của SLNA mới được nhận lương cơ bản với mức rất thấp nên chưa đỡ đần được gì cho bố mẹ. Bà Hà kể, sau khi U.23 VN vào bán kết, một người em gái của bà đến nhà nói anh chị phải thay cái ti vi mới mà xem, cổ vũ cho các cháu nhưng bà nói, nợ nần đang nhiều, chịu khó coi cái cũ cũng được. Hôm sau, cô em gái mang đến cái ti vi 42 inch, nói em mua nợ cho đó, anh chị trả dần.
Nhận xét về Mạnh, anh Phan Bá Thành, một người hàng xóm, nói “nó ngoan, lễ phép, rất chịu khó, ở đây ai cũng quý”. Bà Phan Thị Sen, dì ruột của Mạnh, kể năm Mạnh lên 9 – 10, bà nội của Mạnh (ở cùng xóm) lúc đó đã già yếu, không còn tự lo vệ sinh cho mình được nữa. Đến thăm bà, Mạnh thường ôm lấy bà đòi cõng về nhà mình ở với bà cho vui. “Nhìn đứa trẻ con thương bà như thế, ai cũng xúc động. Bây giờ lớn rồi, nó vẫn là đứa cháu ngoan, lễ phép, ai cũng quý”, bà Sen nói.
"Thông tin trên đây chỉ để tham khảo nó là những dữ liệu, sự kiện, hoặc ý kiến được cung cấp để hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập, và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được coi là chính thức hay quyết định cuối cùng trong bất kỳ hoạt động nào."