Nhìn lại những clip 3 năm trước, chắc hẳn người hâm mộ Việt Nam sẽ không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối.
Thánh địa Wembley và chảo lửa Thống Nhất
Trên SVĐ Wembley hoành tráng, tại đấu trường Champions League danh giá, Tottenham oai hùng đánh bại nhà ĐKVĐ Real Madrid tới 3-1. Với thắng lợi này, Gà trống muốn tuyên bố với tất cả rằng đã tới lúc họ gạt bỏ cái danh “khôn nhà dại chợ”.
Người chơi ở vị trí trung tâm hàng tiền vệ Tottenham hôm ấy là Harry Winks, mới 21 tuổi, trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ của đội bóng.
Trong mùa giải thứ hai được thi đấu thường xuyên cùng đội một, cầu thủ người Anh cho thấy sự trưởng thành rõ rệt.
Trước Real lừng lẫy, Harry Winks không mảy may lo lắng. Anh chơi đầy tự tin, phân phối bóng hợp lý, tích cực tranh chấp, giúp Tottenham chơi sòng phẳng với tuyến giữa gồm Casemiro, Modric và Kroos.
Tỉ lệ chuyền bóng chính xác của tiền vệ 21 tuổi lên đến 91,1%, cao nhất bên phía Tottenham, chỉ thua Kroos và Ramos.
Bàn thắng đầu tiên mà Gà trống có được chính do Harry Winks khởi xướng. Sau một giây quan sát, anh phất một đường chuyền dài cho Trippier bên cánh phải. Bóng được căng ngang vào bên trong và Dele Alli dễ dàng mở tỉ số trận đấu.
Nhìn cái cách Harry Winks thi đấu, không phải ai cũng có thể tin rằng tiền vệ này từng khốn khổ khi cùng đồng đội thi đấu tại sân Thống Nhất.
Quay ngược thời gian vào thời điểm đầu năm 2014, U19 Tottenham là 1 trong 3 đội được mời tham gia giải Tứ hùng cùng với U19 Việt Nam.
Trước trận đấu cuối cùng, Gà trống vẫn còn cơ hội vô địch nếu như đánh bại thầy trò HLV Graechen với tỉ số đạm.
Chỉ sau 15 phút, U19 Tottenham đã có bàn mở tỉ số. Suốt khoảng thời gian còn lại của hiệp một, U19 Việt Nam thi đấu vững vàng và không để thua thêm bàn nào.
Sang hiệp hai, đội trưởng Harry Winks vào sân. Nhưng thật bất ngờ khi Gà trống lại bối rối trước hàng loạt pha lên bóng chóng mặt đến từ U19 Việt Nam. Họ nhanh chóng nhận 2 bàn thua và bị dẫn ngược 2-1.
Dù hết trận, U19 Tottenham thắng chung cuộc 3-2, song Công Phượng và đồng đội đã thực sự “làm tình làm tội” hàng thủ đối phương.
Ngoài Harry Winks, trong đội hình Gà trống năm đó còn 1 cầu thủ nữa hiện cũng đang khoác áo đội một thi đấu tại Premier League là Kyle Walker-Peters.
Cổ tích Harry Winks, nỗi đau Công Phượng
3 tháng sau khi đọ sức với Công Phượng, Tuấn Anh, Harry Winks lần đầu tiên được dự bị tại Premier League. Nhưng đó là trải nghiệm không mấy vui vẻ cho tiền vệ này. Tottenham thua tan nát 0-4 và Harry Winks chẳng được ra sân phút nào.
HLV Pochettino đến với White Hart Lane. Harry Winks nhận được lời khuyên rằng cứ làm đúng theo kế hoạch của ông thầy mới là cơ hội sẽ đến.
Và rồi suốt 2 mùa giải tiếp theo, Harry Winks chỉ có vỏn vẹn 3 lần thi đấu cho đội một Tottenham và vẫn chưa được ra mắt ở Premier League. Tập luyện cùng “đội lớn” nhưng anh thường phải xuống đội trẻ chơi bóng.
Song song với thời gian đó, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra mắt ở V-League và trải qua mùa giải khó khăn cùng HAGL. Tới năm 2016, bộ ba trên cùng nhau “xuất ngoại” tới Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nghe Harry Winks kể về quãng thời gian khó khăn giống hệt với điều mà Công Phượng, Tuấn Anh phải trải qua:
“Một điệp khúc lặp lại với tôi trong cả mùa giải: Có tên trong danh sách register, đi cùng toàn đội đến sân, bị cho ngồi ngoài suốt trận. Mọi thứ thật vô cùng khắc nghiệt”.
Rơi vào hoản cảnh ấy, nhiều cầu thủ trẻ sẽ than phiền, bực bội và nghe theo những lời khuyên tồi, còn Harry Winks thể hiện được bản lĩnh tuyệt vời.
Ngoài việc tập luyện chăm chỉ, tiền vệ người Anh còn đọc sách, tự học tiếng TBN như một cách để làm bản thân cứng cỏi, kiên nhẫn hơn.
Mọi thứ dần được cải thiện. Mùa giải trước, Harry Winks chơi 33 trận đấu trên mọi đấu trường cho Tottenham. HLV Pochettino tự hào nói về cậu học trò: “Cậu ấy vô cùng thông minh, biết cách đọc trận đấu và kiểm soát nó. Harry đem đến cho Tottenham những điều mà trước đó chúng tôi còn thiếu”.
Nhìn vào những gì Harry Winks làm được, không khỏi tiếc nuối cho “bộ ba du học” nói riêng và lứa U19 Việt Nam giai đoạn 2013-14 nói chung.
Nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan đã hạn chế không ít sự phát triển của những cầu thủ trẻ. Để rồi ước mơ HCV SEA Games không thành sự thật và cũng chưa có cá nhân nào thực sự đạt được những bước nhảy vọt để tiệm cận trình độ châu lục.
Giúp một tài năng trẻ phát triển để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ là vấn đề với mọi nền bóng đá, không chỉ ở Việt Nam.
Vài năm qua, chúng ta đạt thành tích khá ấn tượng tại các sân chơi trẻ. Một số CLB cũng tin dùng các cầu thủ “cây nhà lá vườn” hơn. Nhưng để tạo ra hiệu ứng đủ lớn, cần sự đồng lòng của mọi đội bóng. Đây chưa bao giờ là chuyện đơn giản.