Từng là nỗi sợ hãi của các đội bóng tại AFF Cup 2008, những người hùng đã mang về cúp vàng cho đất nước Việt Nam giờ lại có những hoàn cảnh trái ngược nhau thế này đây!
NGUYỄN VŨ PHONG
Một cơn lốc bên hành lang cánh trái của tuyển Việt Nam. Vũ Phong thuận chân phải nhưng được đặt vào cánh đối diện để tận dụng khả năng sút xa tuyệt vời bằng các tình huống từ biên bó vào trung lộ. Không phải những tiền đạo trên hàng công, chính chàng tiền vệ này là người dẫn đầu danh sách ghi bàn của cả đội tuyển ngày ấy với ba bàn thắng.
Hài bàn vào lưới Malaysia giúp tuyển Việt Nam giành vé vượt qua vòng đấu bảng. Bàn còn lại là pha mở tỷ số trong trận chung kết lượt đi trên sân Thái Lan. Cái tên Vũ Phong xứng đáng với vị thế một trong hai “cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam” theo lời nhận xét của huấn luyện viên Calisto ngày ấy.
Sự nghiệp của Nguyễn Vũ Phong tương đối suôn sẻ và bền bỉ. Năm 2014 sang khoác áo Đà Nẵng và vẫn thi đấu cho đến lúc này.
PHAN VĂN TÀI EM
Trong chiến dịch AFF Cup 2008, Phan Văn Tài Em không phải là cầu thủ nổi bật nhất. Anh khá chìm so với Quả bóng vàng Dương Hồng Sơn hoặc màn toả sáng của Lê Công Vinh. Tuy nhiên, với tấm băng đội trưởng trên tay, Tài Em là nhân tố quan trọng nhất trong sơ đồ chiến thuật của huấn luyện viên Calisto.
Chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm, đóng vai trò là chiếc khiên chắn đầu tiên của hệ thống phòng ngự, và là chiếc chìa khoá để chuyển đổi nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Bên cạnh đó là sự lạnh lùng và bản lĩnh trên sân. Phan Văn Tài Em đã vững vàng dẫn dắt tuyển Việt Nam ở cả mặt chuyên môn lẫn tinh thần.
NGUYỄN MINH CHÂU
Không phải là một cái tên thực sự nổi bật nhất, nhưng Nguyễn Minh Châu là quân bài chiến thuật quan trọng nhất mà huấn luyện viên Calisto đã cài cắm trong hai lượt trận chung kết năm ấy.
Thonglao, tiền vệ đội trưởng và nhạc trưởng của tuyển Thái Lan năm ấy, đã có một giải đấu xuất sắc. Nhận thấy cần phải khoá chặt “đầu não” này, ông Calisto đã cắt cử Nguyễn Minh Châu vào sân để theo sát anh suốt hai lượt trận chung kết.
Kết quả, nhờ sự xông xáo và lối chơi quyết liệt, Minh Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Từ đó khiến cho Thái Lan không thể thể hiện sức mạnh tấn công như mong muốn, và đội tuyển Việt Nam đã thắng đối thủ từ những tình huống phản công.
Là một cầu thủ mạnh mẽ, Nguyễn Minh Châu vẫn là cái tên quan trọng của tuyển Việt Nam trong những năm về sau. Nhưng đáng tiếc là vào cuối năm 2015, anh đã không may bị đứt dây chằng đầu gối. Năm 2017, 32 tuổi, Minh Châu tuyên bố giải nghệ trong màu áo Hải Phòng.
LÊ TẤN TÀI
Một cầu thủ nhỏ con nhưng thi đấu với trái tim cháy bỏng. Mỗi khi có mặt trên sân, anh luôn khao khát thi đấu với tất cả sức lực trong cơ thể. Chính vì thế mà Tấn Tài đã được huấn luyện viên Calisto tin tưởng giao cho vị trí hành lang phải của đội tuyển Việt Nam.
Và cũng chính anh là người đã đặt dấu ấn vào hai bàn thắng trên đất Thái. Một quả tạt kiến tạo cho Vũ Phong mở tỷ số, và một pha tranh chấp “sống chết” giúp Việt Thắng có bóng phản công, để rồi Công Vinh nâng đôi cách biệt.
Tinh thần chiến đấu là điều không bao giờ thiếu của cầu thủ Khánh Hoà. Hình ảnh anh ngất lịm sau trận lượt về đã nói lên tất cả.
Cũng nhờ tinh thần ấy, mà sau này Tấn Tài vẫn đóng vai trò quan trọng trong đội tuyển. Năm 2014, anh đã giã từ màu áo quốc gia. Nhưng hiện nay, ở tuổi 33, Tấn Tài vẫn đủ sức “bao sân” khi cống hiến cho Becamex Bình Dương.
LÊ CÔNG VINH
Người đã mang cả giấc mơ của một dân tộc trở thành hiện thực. Cú đội đầu vào phút cuối cùng trong trận chung kết đã đem về chức vô địch vô cùng quý giá cho đội tuyển Việt Nam. Và Lê Công Vinh cũng là người có thể xem là đạt đến sự viên mãn nhất trong sự nghiệp.
Anh nắm giữ hai kỷ lục quan trọng của màu áo tuyển là: khoác áo tuyển nhiều nhất với 85 lần, và là chân sút xuất sắc nhất với 51 bàn thắng. Kể cả những năm cuối sự nghiệp, vai trò của Công Vinh vẫn luôn quan trọng mỗi kỳ đội tuyển tập trung.
Tiền đạo người xứ Nghệ đã giải nghệ vào cuối năm 2016. Sau đó, anh đang giữ vai trò là quyền chủ tịch của Câu lạc bộ Thành Phố Hồ Chí Minh. Hiện anh giàu đến mức mở học viện bóng đá của riêng mình
NGUYỄN VIỆT THẮNG
Cùng với Lê Công Vinh, Nguyễn Việt Thắng là nhân tố rất quan trọng trên hàng công của tuyển Việt Nam. Cả giải anh chỉ ghi duy nhất một bàn thắng trong trận thắng 4-0 trước Lào. Nhưng với thể hình tốt cùng kỹ năng tuyệt vời, đặc biệt là lối chơi đồng đội, vai trò của Việt Thắng không thể thiếu trong hệ thống chiến thuật của huấn luyện viên Calisto.
Sau chức vô địch AFF Cup 2008, sự nghiệp của Việt Thắng có nhiều bước tiến mạnh mẽ tuy nhiên cũng gặp không ít gian truân. Anh là cầu thủ có mức giá chuyển nhượng thuộc nhóm cao nhất Việt Nam (có lúc lên đến 9 tỷ đồng) nhưng những chấn thương và đời sống ngoài sân cỏ đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp.
Bây giờ Nguyễn Việt Thắng đang đóng vai trò là huấn luyện viên tuyển trẻ của Quỹ bóng đá PVF.
DƯƠNG HỒNG SƠN
Tại AFF Cup 2008, Hồng Sơn là người hùng của tuyển Việt Nam với hàng loạt pha cứu thua, góp công vào chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên của bóng đá Việt Nam. Hồng Sơn chính là cầu thủ xuất sắc nhất kỳ AFF Cup năm đó. Là một thủ môn, nhưng Dương Hồng Sơn đã thâu tóm gần như đủ danh hiệu mà mọi cầu thủ Việt Nam khao khát.
Anh đã vượt qua những cái tên xuất sắc như Công Vinh, Như Thành, Quang Thanh để trở thành thủ môn duy nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam từng giành Quả bóng Vàng. Ở cấp CLB, Hồng Sơn luôn là người gác đền vững chắc cho đội bóng quê nhà – Sông Lam Nghệ An.
Anh vẫn chơi bóng ở giải chuyên nghiệp tới tận năm 2016 mới chính thức giải nghệ. Hiện tại anh không theo nghiệp huấn luyện hay làm việc trên sân cỏ mà cùng gia đình phát triển kinh doanh riêng.
VŨ NHƯ THÀNH
Như Thành là một trong những trung vệ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Như HLV Calisto đã từng nhận xét “Việt Nam 20 năm có một Công Vinh, 50 năm có một Hồng Sơn, còn 100 năm mới có một Như Thành”. Cầu thủ người Nam Định luôn mang lại sự chắc chắn trong hàng thủ của đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là thế hệ vô địch AFF 2008, cùng năm đó anh được vinh danh với danh hiệu Quả bóng bạc.
Ở cấp độ CLB, Như Thành luôn cống hiến nhiệt huyết cho đến tận bây giờ dù phiêu bạt qua rất nhiều CLB. Từ Thể Công, đến Bình Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, An Giang, Tây Ninh. Hiện anh mở học viện bóng đá riêng.
HUỲNH QUANG THANH
Với lối chơi công thủ toàn diện, Quang Thanh là gương mặt không thể thay thế bên hành lang cánh phải của đội tuyển Việt Nam, góp công đưa đội nhà đến chức vô địch AFF Cup 2008.
Trong sự nghiệp lẫy lừng, Quang Thanh đã thi đấu 45 trận và ghi được bốn bàn cho đội tuyển Việt Nam trong đó có bàn thắng để đời vào lưới UAE mở đầu cho chiến tích lịch sử của bóng đá Việt Nam: lần đầu tiên lọt vào tứ kết giải đấu châu lục (Asian Cup 2007).
Ở cấp độ CLB, anh cũng được xem như một tượng đài của CLB Bình Dương với hai chức vô địch V-League và nhiều danh hiệu khác. Sau tám năm ở Bình Dương, anh đến Long An khi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Để rồi anh nhận án phạt cấm thi đấu hai năm của VFF sau vụ bê bối tại vòng 6 V-League 2017 Quang Thanh vừa thông báo giải nghệ
ĐOÀN VIỆT CƯỜNG
Đoàn Việt Cường chính là cầu thủ trẻ nhất từng đeo băng đội trưởng CLB ở kỷ nguyên V-League. Anh từng được biết đến như một “libero” của bóng đá cổ điển. Xuất phát ở vị trí trung vệ, cầu thủ trưởng thành ở Đồng Tháp có thể cầm bóng xộc thẳng lên phía trước, chuyền bóng và ghi bàn.
Lối chơi bền bỉ và khả năng hỗ trợ tấn công của Việt Cường tạo nên sức mạnh bên hành lang cánh trái của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008.
Nhưng rồi sự nghiệp chơi bóng của anh không mấy suôn sẻ sau đó, bởi những câu chuyện lùm xùm ngoài sân cỏ, để rồi anh tự đánh mất mình trong màu áo CLB, gần đây nhất là việc anh bị CLB TP.HCM thanh lý hợp đồng vì “vi phạm quy chế CLB và các điều khoản của hợp đồng”.
LÊ PHƯỚC TỨ
Tại AFF Cup 2008, Phước Tứ được đánh giá là hòn đá tảng ở trung tâm hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam nhờ lối chơi mạnh mẽ và quyết đoán. Màn trình diễn ấn tượng của trung vệ gốc Quảng Nam khiến 2 năm sau Sài Gòn Xuân Thành sẵn sàng trả 12 tỷ đồng để đưa anh về bằng bản hợp đồng 3 năm.
Nhưng rồi trung vệ thép chính thức nói lời chia tay ĐT Quốc gia ngay sau khi đội tuyển bị loại cay đắng ở bán kết AFF Cup 2014. Mặc dù vậy, đã có thời điểm anh là chỗ dựa để Trần Nguyên Mạnh, Đinh Tiến Thành, Quế Ngọc Hải học tập
Sau một mùa giải 2016 không thi đấu vì chấn thương dây chằng, trung vệ Lê Phước Tứ đã có ý định quay lại nghiệp quần đùi áo số và đội bóng mà anh có ý định đến đầu quân là Long An nhưng rồi tự cảm thấy bản thân khó đáp ứng được chuyên môn nên đã chủ động rút lui và chuyển sang công tác huấn luyện tại trung tâm PVF cùng Nguyễn Việt Thắng.
NGUYỄN MINH PHƯƠNG
Minh Phương chính là người đá quả phạt để Công Vinh đánh đầu ghi bàn thắng vàng. Anh giải nghệ vào cuối mùa bóng 2015 trong màu áo câu lạc bộ SHB Đà Nẵng và hiện làm HLV của Long An