Sân vận động Ninh Bình được xây dựng hàng trăm tỷ đồng để phục vụ Sea Games 22, từng được biết đến là “chảo lửa” bậc nhất Việt Nam giờ đây đang ngày càng trở nên hoang tàn sau 3 năm bị bỏ hoang.
Nằm ngay giữa trung tâm thành phố Ninh Bình, sân vận động Ninh Bình (hay Sân vận động Tràng An) được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng để phục vụ cho Sea Games 22 năm 2003. Sân có sức chứa 22.000 chỗ ngồi với khán đài A có mái che, nhiều hàng ghế hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Ngoài sân bóng đá, tại đây còn có đường pitch phục vụ điền kinh, sân nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ, nhà điều hành… một công trình thể thao vô cùng hoành tráng, từng là niềm tự hào của người dân đất cố đô.
Năm 2007, sân chính thức trở thành sân nhà của CLB Bóng đá Ninh Bình. Đây cũng là những năm sân vận động này được nhiều người biết đến với những trận cầu tâm điểm của Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-league), các trận Chung kết Cúp Quốc gia hay Giải bóng đá Ninh Bình mở rộng… Vì thế, sân vận động 22.000 chỗ ngồi của Ninh Bình được ví như “chảo lửa” lớn bậc nhất Việt Nam.
Năm 2014, tại giải bóng đá AFC Cup, 9 cầu thủ của CLB Ninh Bình chơi, dàn xếp tỷ số dẫn đến đội bóng giải thể. Từ đó, sân bóng này bị bỏ không cho đến nay. Đơn vị quản lý không ngó ngàng đến sân, nhân viên bảo vệ, chăm sóc sân nghỉ việc khiến sân vận động nghìn tỷ, hiện đại dần trở nên hoang phế.
Ghi nhận của PV, dưới mặt sân bóng đá, không còn một loại cỏ như khi còn thi đấu, mà là hàng trăm loại cỏ khác nhau, chen chúc mọc um tùm. Có những loại cỏ, cây dại cao ngang người. Do không được cắt tỉa nên chúng đua nhau mọc, biến cả sân vận động như một thửa ruộng lớn đầy cỏ cây bị bỏ hoang, chỉ thích hợp cho việc chăn thả nuôi trâu, bò.
Không được sử dụng nên vạch vôi cũng không còn, cột cầu môn bị hoen rỉ hay những tấm bảng che chắn giữa sân bóng đá với đường pitch đã bị tháo rỡ. Nhiều chỗ trên mặt sân trở nên nham nhở, lô nhô cao thấp do có người gom cỏ đốt không cháy hết. Xung quanh đường pitch cũng đầy rác và gạch đá.
Dưới sân bị hoang phế là vậy, thảm hại hơn là các hàng ghế trên khán đài bị phủ đầy bụi bẩn. Những dãy ghế không được bảo dưỡng, che chắn có nơi đã ngả màu và bị ăn mòn bởi thời tiết. Đặc biệt, đã có những chiếc bị rụng chân rơi khỏi hàng. Nhiều nơi trong sân vô tình biến thành nơi chứa rác hoặc phế thải đủ loại…
Hệ thống cửa bảo vệ từ bên ngoài vào cho đến bên trong sân sau thời gian dài không sử dụng đã bị hư hỏng, không còn tác dụng. Trước thực trạng trên, một số người dân sống gần khu vực sân không khỏi xót xa cho khối tài sản khổng lồ bị bỏ hoang này.
Trao đổi với PV, ông Vũ Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thể dục – Thể thao Ninh Bình (TTTD-TT) cho hay, từ tháng 7/2016 sân vận động được UBND tỉnh giao lại cho trung tâm quản lý và sử dụng sau gần 3 năm bỏ không.
Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã tiến hành kiểm đếm và ghi nhận thực trạng (đúng với những thông tin nêu trên). Ông Minh cho biết, ngoài mặt sân hư hại, cỏ mọc um tùm, ghế bị hư hỏng, nặng nhất là hệ thống cửa ra vào của sân cũng như nhà điều hành do thời gian dài không có đơn vị nào quản lý, để mặc người dân ra vào gây hư hại
“Hiện hệ thống điện của sân bị cắt, chúng tôi đã đề nghị điện lực đến kiểm tra và đóng lại để thuận tiện hơn cho việc quản lý, sửa chữa sân”, ông Minh nói và cho biết thêm, đơn vị đã nhiều lần cử cán bộ, các vận động viên đến nhổ bớt cỏ dại dưới mặt sân, tuy nhiên do cỏ rất nhiều nên đến nay vẫn chưa nhổ hết được, sắp tới đơn vị phải đưa máy vào cắt mới sạch đẹp.
Cũng theo Giám đốc TTTD-TT Ninh Bình, từ lâu đội điền kinh của trung tâm vẫn tập luyện hàng ngày ở đường pitch trong sân. “Chúng tôi đang xây dựng phương án sửa chữa sân để báo cáo UBND tỉnh xin kinh phí. Thời gian tới, trung tâm sẽ đưa các đội như: Judo, Vật, Điền kinh… đến tập luyện thường xuyên tại đây để tiện cho công tác bảo vệ giữ gìn sân.
Hướng sửa chữa, sử dụng sân được ông Minh bật mí, sẽ sửa chữa những hạng mục phục vụ đúng với công năng sử dụng của trung tâm để bớt phần kinh phí cho tỉnh. Bên cạnh đó, đối với sân bóng đá, phía đơn vị sẽ xin chủ trương cho loại bỏ cỏ tự nhiên để thay thế bằng sân cỏ nhân tạo, sau đó xã hội hóa, phục vụ các kỳ đại hội thi đấu thể dục thể thao hay cho các CLB bóng đá phủi, phong trào vào tập luyện, thi đấu để có thêm thu nhập phục vụ cho việc bảo dưỡng thường xuyên.
“Chúng tôi cũng mong sao sân sử dụng hiệu quả nhất, phục vụ được nhiều người nhất, công trình được đảm bảo tốt nhất”, ông Minh chia sẻ.