Trước ngày mổ xẻ thất bại của U-22 Việt Nam (12-9) đã có hai lá đơn từ chức, một của HLV Hữu Thắng và một của Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Song song đó, dư luận cũng đang kêu gọi những người có trách nhiệm chính hãy thể hiện lòng tự trọng và trách nhiệm với thất bại trên.
Việc HLV Hữu Thắng từ chức ngay sau trận thua Thái Lan và bị loại trước bán kết được xem là không thể khác vì có được giữ lại ông Thắng cũng không yên với vị trí đấy. Vị trí mà nhiều người nói với HLV Hữu Thắng nó giống một canh bạc mà HLV này và bầu Đức ngồi chung một tụ.
Sau đó thì đến lượt Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức thực hiện lời hứa của mình. Với ông Đức, ngay cả người trong ngôi nhà VFF cũng khẳng định ông Đức không thể không rút lui. Không hẳn vì lời tuyên bố đầy hào khí của ông Đức trước khi đội U-22 dự SEA Games mà còn vì ông Đức cũng đã hiểu ra việc một ông chủ CLB ngồi vào ghế Phó Chủ tịch VFF nằm trong thường trực là sai luật. Hơn nữa bản thân ông Đức cũng hiểu rất rõ việc mình bị nhiều thành viên trong ngôi nhà VFF lợi dụng, “dụ” ngồi ghế phó nhờ có lứa cầu thủ tài năng được cả nước mến mộ và đông đảo truyền thông ủng hộ.
Ông Đức khác với các thành viên trong thường trực VFF ở chỗ ông chẳng cần dựa ai cả và cái gì không hài lòng là ông phang thẳng. Ông chủ của HA Gia Lai chỉ vì quá mê bóng đá và quá đơn giản trong suy nghĩ có một học viện và lứa cầu thủ kiểu mẫu, là số 1 Đông Nam Á nên đã đặt hết niềm tin vào.
Tiếc cho ông Đức là trước đây ông còn có chuyên gia Nguyễn Văn Vinh làm cố vấn về chuyên môn và là người dám thẳng thừng lấy chuyên môn ra để phân tích và khuyên ông. Nay thì chẳng còn ai đủ cơ bên ông Đức để khuyến, để hãm hoặc thắng bớt cảm xúc và cảm tính của ông lại.
Ai cũng nói trong thường trực VFF ông Đức là người tốt là người bỏ vào rất nhiều cho bóng đá Việt Nam, nhưng ông cũng có phần giới hạn của người hiểu về chuyên môn. Rõ nhất là tuyên bố “Không cần HLV giỏi chỉ cần HLV nói cầu thủ nghe!”. Và đội U-22 Việt Nam với cách chọn thầy cũng dựa vào “nguyên tắc” đấy.
Bây giờ lật lại chuyện 5 thành viên của thường trực VFF thì duy nhất người còn có chuyên môn chỉ mỗi mình Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn vừa phụ trách chuyên môn, vừa thay quyền Chủ tịch VFF, vừa quản lý ban các đội tuyển, làm trưởng ban bóng đá chuyên nghiệp và kiêm rất nhiều việc trong đó quản lý luôn cả Hội đồng HLV…
Thế nhưng ở đấy chẳng có những phản biện nào theo đúng nguyên tắc hoạt động của thường trực. Thậm chí là việc chọn đối tượng tập huấn, chọn nơi tập huấn rồi thẩm định chất lượng đối tượng làm quân xanh… cũng một tay ông Tuấn quyết hết.
Lạ ở chỗ nếu bóng đá nữ ông Tuấn còn với tay đến được trong việc nhổ HLV nào đi, đặt HLV nào vào thì ở đội nam ông Tuấn gần như không dám đụng đến phần việc mà ông Đức làm từ khi hô hào sa thải ông Miura đến lúc đặt HLV nào ngồi vào và ảnh hưởng đến HLV ra sao.
Ở đây mọi người lại nhớ đến có lần bầu Đức từng tuyên bố sẽ cho nổ bom ở ngôi nhà VFF. Lời tuyên bố này từng ứng với giai đoạn ông Miura dẫn dắt đội tuyển và đội Olympic nhưng rất ít khi sử dụng đến quân HA Gia Lai. Điều này khiến chính trong ngôi nhà VFF từng có những nghi ngờ phải chăng đã có sự nhường nhịn hay trả giá nhất định nào đó để “khoanh ngòi nổ” lại mà nếu bầu Đức huỵnh toẹt thì “chết trước” là “công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên” Lê Hùng Dũng – Trần Quốc Tuấn.
Trong cuộc gặp gỡ cuối năm giữa VFF với giới truyền thông ở khu vực phía Nam, phóng viên Pháp Luật TP.HCM từng hỏi thẳng các vị trong thường trực VFF là “Các anh hãy nói thẳng, nói thật là các anh có mất đoàn kết hay không?”. Trả lời câu hỏi trên các thành viên của thường trực VFF cứ ậm à, âm ừ rồi nói nước đôi là “Chúng tôi chưa hiểu nhau chứ không mất đoàn kết!”.
Ở đây ai cũng hiểu là việc không đoàn kết xuất phát từ vây cánh và ê kíp mà rõ nhất vụ việc ông Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ từng bị tống một văn bản không được quyền phát ngôn. Đó là văn bản do chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ký khẳng định quyền phát ngôn chính thức của VFF hoặc là do chủ tịch hoặc là Tổng thư ký Lê Hoài Anh.
Mãi cho đến trước SEA Games 29 tức chỉ còn hơn nửa năm nữa là hết nhiệm kỳ thì văn bản “dán miệng” ông Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông đấy mới được cởi bỏ, và người ký lại cũng chính là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.
Cũng cần biết trước khi ban hành văn bản mới xóa hiệu lực của văn bản sai trái trước đó thì chính Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã công khai xin lỗi ông Nguyễn Xuân Gụ trong cuộc họp thường trực tại TP.HCM. Lời xin lỗi mang ý của việc vì bệnh và vì quá tin vào cấp dưới mà mình giao phó nên nhiều lúc văn bản nào trình ông cũng ký (!?).
Đến thường trực VFF với nhau còn như thế thì làm sao đòi hỏi đội U-22 phải hoàn chỉnh và đúng nghĩa với một tập hợp cầu thủ tốt nhất, được huấn luyện và tạo điều kiện tốt nhất.
Vì thế mà vấn đề chính của việc mổ xẻ nên đi vào những phần lớn hơn và cụ thể hơn từ một bộ máy điều hành và từ những con người chịu trách nhiệm về chiến lược, về chuyên môn.
Nửa năm trước đại hội VFF nhiệm kỳ VIII nội bộ lại đấu nhau
Theo đúng thời hạn, nhiệm kỳ VII VFF sẽ kết thúc vào tháng 3-2018 và song song đó là đại hội VIII tìm người tài cho bộ máy điều hành VFF. Bầu Đức thì đã chấp nhận sớm rời ngôi nhà VFF và chắc chắn ông bầu này sẽ không trở lại. Các thành viên còn lại dù bị lên án rất nhiều và bị đề nghị từ chức nhưng có thể hiểu tất cả chỉ là phần nổi của cuộc đua ở nhiệm kỳ tới.
Bóng đá Việt Nam từng mệt mỏi với việc hạ ê kíp này xuống để đưa người khác, ê kíp khác lên nhưng có bao giờ chịu tìm hiểu tại sao những người giỏi thực sự, có tâm thực sự chưa chịu ngồi vào ngôi nhà bóng đá.
Trong bảy nhiệm kỳ qua, có không ít người khi được đề cập và được mời vào giúp đỡ bóng đá Việt Nam thì đã từ chối khéo với câu trả lời thật tế nhị rằng họ không thể giúp bóng đá nước nhà phát triển trong tình hình nhiễu nhương như hiện tại. Làm thể nào để người có tài và có tâm thực sự chịu ngồi lên xuồng thì trước tiên phải làm sao để đảm bảo lên xuồng tất cả cùng chèo và cùng về một hướng.
Nhiệm kỳ VII với doanh nghiệp làm bóng đá đã thất bại ở ngay phần kiếm tiền (như đã hứa trước khi ứng cử) rồi lây lan sang cả chuyên môn. Cái được ở bóng đá trẻ và bóng đá nữ nên tôn vinh các CLB ý thức với việc đào tạo trẻ để tìm cho mình hướng ra hơn là phần nhúng tay vào của bộ phận chiến lược ở VFF.
Nguy hiểm nhất là với 6 tháng còn lại trong ngôi nhà VFF sẽ tiếp tục những cuộc chiến âm ỉ và dai dẳng trong việc thiết lập lại một bộ sậu mới, một ê kíp mới cho nhiệm kỳ VIII mà không chịu nhìn vào phần tồn đọng khéo che chắn mà thất bại của U-22 tại SEA Games mới chỉ vén một tí bức màn bí mật.