Hơn cả huyền thoại Ryan Giggs, đây mới là kiến trúc sư trưởng đáng gờm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Ít được nhắc tới hơn Ryan Giggs, nhưng một nhân vật khác từng làm việc ở Manchester United mới là người đóng vai trò tối quan trọng trong việc giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây dựng Trung tâm bóng đá hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Trong phần giới thiệu về Trung tâm bóng đá sắp khánh thành tại Hưng Yên, trang chủ PVF có đề cập cố vấn Mike Farnan. Ông từng là giám đốc tiếp thị quốc tế của Manchester United và là một trong những nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong ngành quản lý thể thao thế giới. Nhân vật này có lý lịch khủng khiếp ra sao?

Đến nước Anh với hai bàn tay trắng

“Nghe này Mike, đừng lo lắng, kỹ năng giao tiếp là điều quan trọng nhất trong cuộc đời con và nếu con giỏi việc đó, người ta sẽ tính chuyện làm ăn với con”, đó là lời khuyên mà Mike Farnan được nghe từ người cha của mình từ thuở nhỏ. Câu nói đó có ảnh hưởng lớn tới con đường sự nghiệp sau này của ông.

Mike Farnan, cố vấn của PVF

Sau khi cưới cô vợ Nikki và đón cậu con trai đầu lòng Stefan, Farnan rời quê nhà Dublin (Ailen) sang Anh lập nghiệp. Đó là một giai đoạn khó khăn và Farnan quyết định tìm lối thoát bằng việc lao vào một thử thách hoàn toàn xa lạ với mình.

“Chúng tôi đã rất khổ sở”, ông kể lại. “Chúng tôi là một đôi vợ chồng trẻ, vừa mua một ngôi nhà ở Seabury, Malahide và phải rất vất vả để trả góp”.

“Mike, cậu nên biết rằng có cả một thế giới rộng lớn ngoài kia. Đến nước Anh đi, sống ở London và cậu sẽ làm tốt thôi”, Farnan tự nhủ với bản thân như vậy. Và thế là Mike Farnan ra đi, đến ở cùng người anh họ. Ông bắt đầu tìm việc làm trước khi đưa vợ con sang cùng.

Bước ngoặt đầu tiên xảy đến khi ông được một công ty may mặc có tên Falmer Jeans thuê về làm giám đốc tiếp thị quốc tế. Không lâu sau đó, ông bắt gặp một mẩu quảng cáo của một công ty truyền thông lớn trên tạp chí The Times. Đó là những dòng chữ đã mở ra một chương mới trong cuộc đời và sự nghiệp của Farnan.

Tôi không biết đó là Sky Sports”, ông nói. “Họ bắt đầu chuyển sang hình thức dịch vụ trả tiền và cần một ai đó làm việc trong ngành may mặc, có hứng thú với thể thao để phát triển mảng bán lẻ trang phục thể thao“, Farnan kể lại.

Mike Farnan từng làm giám đốc tiếp thị toàn cầu cho nhiều CLB lớn như Manchester United, Sunderland, Atletico Madrid…

Việc chuyển đến Sky đã thay đổi mọi thứ. Công việc ở đây đã tạo điều kiện cho ông tiếp cận với những tổ chức, nhân vật hàng đầu của giới thể thao. Manchester United, Parma, Sunderland, Sheffield United, PSG… đều hưởng lợi từ tư duy nhạy bén của Farnan trong việc thiết lập mối liên kết giữa CLB với CĐV.

Farnan cũng làm việc với Arsene Wenger, Luis Figo và Claude Makelele, tay đua F1 Jenson Button, tay golf Paul Lawrie, và nhiều nhân vật đình đám khác. Năm ngoái, ông suýt mua lại CLB Leeds United nhưng đã thất bại sau 18 tháng nỗ lực thuyết phục ngân hàng Bahraini không thành.

Người đưa Manchester United đến châu Á

Nếu Sky là bệ phóng cho Farnan thì Manchester United chính là nơi mà ông khẳng định tên tuổi. Đội chủ sân Old Trafford đã tìm gặp với một lời mời mà ông không thể từ chối.

Farnan trở thành giám đốc tiếp thị quốc tế của MU, với nhiệm vụ đưa thương hiệu của CLB này lớn mạnh trên phạm vi toàn thế giới và cụ thể hóa chúng thành dòng tiền đổ về túi của các ông chủ. Ông vạch ra một kế hoạch, và mục tiêu hướng đến là thị trường châu Á.

“Kế hoạch đó, về cơ bản, là đưa Nhà hát của những giấc mơ đến những nơi như Hong Kong, Singapore, Jakarta, tạo ra những nơi mà người ta có thể đến đó và tận hưởng bầu không khí Manchester United“, Farnan chia sẻ. “Họ có thể uống cà phê Quỷ đỏ, ăn những món mà người ta bán ở Old Trafford, hay chiêm ngưỡng lịch sử của CLB trong một bảo tàng”.

Video: Cận cảnh Trung tâm PVF hiện đại nhất châu Á

Chiến dịch đó đã thành công một cách khủng khiếp. Danh tiếng của MU nở rộ ở thị trường châu Á. Ý tưởng của Farnan đã được Nike mua lại như một phần của bản hợp đồng tài trợ trị giá 300 triệu Bảng.

Farnan rời Manhcester United sau khi đội bóng giành cú ăn ba lịch sử năm 1999. Đó có lẽ là nỗi tiếc nuối lớn thứ hai trong sự nghiệp của ông, chỉ sau màn mua hụt Leeds United. Ông đến Italia, làm việc cho AC Milan và Parma với vai trò tương tự.

“Bóng đá giống như một thứ ngôn ngữ quốc tế vậy”, Farnan nói về công việc của ông. “Nhà Tanzi (ông chủ của Parma) có tầm nhìn trong việc tận dụng một đội bóng Serie A để thâm nhập những thị trường như Nhật Bản. Họ mua về Hidetoshi Nakata chỉ vì một lý do duy nhất: giúp Parmalat đặt chân đến Nhật Bản và xây dựng dây chuyền sản xuất ở đó.”

Chặng đường từ Falmer Jeans đến Serie A đã giúp Farnan tích lũy đủ kinh nghiệm để tự mình mở công ty quản lý riêng. Những đối tác nổi tiếng nhất của Farnan là đội đua Công thức 1 Williams, đội Atletico Madrid ở La Liga, đội Sunderland ở Ngoại Hạng Anh và những ngôi sao như Button, Figo, Makelele hay Paul Lawrie.

Giờ đây, đến lượt Việt Nam có cơ hội hưởng lợi từ chiến lược của Farnan. Cựu giám đốc tiếp thị toàn cầu của Manchester United sắm vai cố vấn, giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây dựng Trung tâm bóng đá hiện đại bậc nhất châu Á. Việc mời Ryan Giggs và dàn trợ lý danh tiếng đến từ nước Anh về làm việc cũng là ý tưởng của Farnan.

Bài liên quan