Cựu danh thủ AC Milan, Quả bóng Vàng Thế giới năm 1995 – George Weah nhiều khả năng sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Liberia.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội trầm trọng (nguyên nhân chính do dịch Ebola bùng phát tại đất nước này vào năm 2014), Liberia đã tìm lối thoát bằng cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 10/10 vừa qua. Có cả thảy 20 ứng viên tham gia tranh cử, trong đó có cả người từng đoạt giải Nobel Hòa bình Ellen Johnson-Sirleaf, thế nhưng, Weah mới chính là người được dân chúng tin yêu nhất.
Kết quả của cuộc bầu cử vẫn chưa được công bố cho đến ngày vàng 25/10, thế nhưng ngay từ lúc này, một số kênh truyền thông của Liberia đã tin chắc phần thắng cho Weah.
Theo thông báo từ Jerome Korkoya- chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia Liberia (NEC) hôm qua, có 1.232 trong tổng số 5.390 điểm bỏ phiếu đã được kiểm, tương đương với 22.9% số phiếu. Ông George Weah (đảng Dân chủ) hiện đang dẫn đầu ở 11 trong số 15 tỉnh.
Đối thủ chính của cựu danh thủ 51 tuổi là Phó tổng thống Joseph Boakai (đảng Thống Nhất)- dẫn đầu ở một tỉnh và đứng thứ hai trong đa số tỉnh còn lại. Tính chung đến thời điểm này, Weah đang sở hữu hơn 37%, trong khi Boakai có hơn 28% số phiếu bầu. Người thắng cuộc cần vượt qua mốc 50% phiếu bầu, nếu không cuộc bầu cử Tổng thống Liberia sẽ bước sang vòng 2 được tổ chức vào tháng 11 tới.
Khi còn là cầu thủ, tiền đạo sinh năm 1966 này là niềm tự hào không chỉ của người dân Liberia mà còn của cả châu Phi. Cho đến nay, ông là cầu thủ duy nhất đến từ lục địa đen từng giành danh hiệu Quả bóng Vàng cao quý. Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, Weah từng khoác áo nhiều CLB danh tiếng tại châu Âu như Monaco, PSG, AC Milan hay Chelsea, với một số danh hiệu lớn như Ligue 1, Scudetto và FA Cup.
Với tầm ảnh hưởng rất lớn ở quê nhà, sau khi giải nghệ, George Weah lấn sân sang chính trị và được đông đảo người dân ủng hộ. Ông là một thượng nghị sĩ và hoạt động chủ yếu cho đảng Dân chủ, với phương châm rõ ràng là muốn mọi đứa trẻ ở Liberia đều có cơ hội thành công và nâng tầm cuộc sống.
Năm 2005, Weah khi ấy mới 39 tuổi và mới treo giày được 2 năm, được sự động viên của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Weah quyết định tham gia cuộc tranh cử Tổng thống Liberia. Ở thời điểm đó, bất chấp những hiểu biết của cựu tiền đạo Milan về chính trị là con số 0. Thế nhưng với tầm ảnh hưởng và sự nổi tiếng, Weah đã vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên với 28,3% phiếu thuận, số phiếu vừa đủ để anh có mặt ở vòng bỏ phiếu tiếp theo.
Tuy nhiên trong những vòng kế tiếp, sự thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực chính trị lẫn sự nhạy bén với thời cuộc khiến ông thua xa so với Sirleaf, người sau đó trở thành Tổng thống Liberia. Thất bại này không khiến Weah nản lòng. Weah sang Mỹ để tiếp tục nghiệp chính trị của mình khi làm quen được nhiều chính trị gia nổi tiếng và học hỏi thêm được kinh nghiệm.
Năm 2011, Weah tiếp tục giấc mơ chính trường dang dở của mình với lần thứ 2 ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông không đủ hậu thuẫn và về sau chỉ có thể làm ứng cử viên Phó tổng thống trong liên minh tranh cử với ứng cử viên tổng thống, Winston Tubman. Dù vậy, Weah vẫn không bỏ cuộc.
Năm nay, ông ghi điểm bởi những mục tiêu rõ ràng để phát triển quốc gia Liberia. Kỳ bầu cử 2017 này, bà Sirleaf (người đánh bại Weah trong cả hai lần trước) không còn là đối thủ của Weah nữa do luật hiện hành ở Liberia không cho phép bà ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3.
Nhà báo chuyên theo mảng chính trị ở Liberia, Othello Garblah nhận định: “George Weah rất được lòng nhiều người. Ông cam kết đẩy lùi nạn tham nhũng, cải thiện giáo dục và tạo thêm nhiều việc làm. Những cam kết ấy các ứng viên khác cũng nêu ra trong chiến dịch vận động tranh cử của họ. Trong bối cảnh các ứng viên có cương lĩnh tranh cử khá tương đồng, thì cảm tình mà George Weah có được từ thời còn là cầu thủ có thể sẽ giúp ông tạo ra sự khác biệt.”
Liberia là nơi mà các tay súng nổi loạn lúc hứng chí có thể nã đạn cối vào giáo đường, nhà dân và cầu cống trước khi thỏa thuận hòa bình đạt được vào năm 2003. Từ đó đến nay, nhiều nơi tại đất nước này không có điện và nước sinh hoạt. Sinh ra trong một gia đình bần cùng, Weah hiểu rõ nỗi khổ đó nên khẩu hiệu tranh cử của anh chỉ gói gọn trong một câu mộc mạc: “Đưa điện và nước trở lại”.
Một con đường đã mở ra trước mặt anh, nhưng đó là con đường đầy thách thức. Để ngồi vào ghế tổng thống sau cuộc bầu cử tháng 10 tới, Weah phải vượt qua 21 ứng viên khác. Trong trường hợp anh giành thắng lợi thì cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc.
Ở Liberia, nơi có đến 2 người đứng đầu đất nước bị giết trong các cuộc đảo chính kể từ năm 1980, chính trường cũng là chiến trường, người ta có thể dùng súng để được làm tổng thống. Vì thế, con đường mà Weah chọn hẳn nhiên sẽ cam go gấp vạn lần khi anh đứng giữa sân bóng đá với 10 đồng đội và 11 đối thủ.
Trong khi đó, con trai của George Weah, Timothy Weah đã quyết định nối nghiệp người cha nổi tiếng. Chân sút sinh năm 2000 đang thi đấu cho đội trẻ PSG và lựa chọn đội U17 Mỹ làm bước đệm để vươn mình ra thế giới.
"Thông tin trên đây chỉ để tham khảo nó là những dữ liệu, sự kiện, hoặc ý kiến được cung cấp để hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập, và đưa ra quyết định. Tuy nhiên, thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được coi là chính thức hay quyết định cuối cùng trong bất kỳ hoạt động nào."