Thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29 đã khiến nhiều người kêu than và lo lắng cho bóng đá trẻ Việt Nam, nhưng có thật tương lai của nền bóng đá nước nhà lại đáng lo đến như vậy?
Trước khi SEA Games 29 diễn ra cả năm trời, không ít ý kiến cho rằng nếu U22 Việt Nam mà không giành HCV ở SEA Games 29 thì không biết phải chờ tới khi nào, bởi trong tay HLV Hữu Thắng có sự kết hợp của 2 lứa cầu thủ U19 Việt Nam tài năng bậc nhất của bóng đá Việt Nam trong một thập kỷ gần đây.
Vậy phải chăng ở SEA Games 29 vừa qua chỉ có U22 Việt Nam mới sở hữu lực lượng tốt nhất, là những tinh hoa hiếm thấy, còn các quốc gia khác thì chỉ cử đội hình không phải mạnh nhất?
Câu trả lời là không, bởi thậm chí có những đội bóng còn mang tới thành phần được nhiều kỳ vọng hơn cả U22 Việt Nam, chẳng hạn như U22 Myanmar với lứa cầu thủ U19 từng giành vé tham dự VCK giải U20 thế giới năm 2015.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Gerd Ziese, U22 Myanmar đã chơi rất tốt ở vòng bảng và thi đấu đặc biệt ấn tượng ở bán kết, khi họ khiến cho U22 Thái Lan phải toát mồ hôi mới giành chiến thắng sít sao nhờ bàn quyết định được ghi ở phút thi đấu chính thức cuối cùng của Chenrop Samphaodi.
Tuy nhiên, có vẻ do không kịp hồi phục về tâm lý sau thất bại tức tưởi ở bán kết trước U22 Thái Lan, nên U22 Myanmar đã không còn là chính mình ở trận tranh HCĐ với U22 Indonesia, để rồi họ phải trắng tay ra về sau trận thua với tỷ số 1-3.
Nếu nói SEA Games 29 là sự tiếc nuối cho một thế hệ cầu thủ tài năng thì dường như chỉ U22 Myanmar là phù hợp nhất với nhận định này, bởi trong số các đội bóng tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua, duy nhất U22 Myanmar sử dụng trọn vẹn đội hình trở về từ giải U20 thế giới năm 2015, còn đội hình chính thức của U22 Việt Nam có mỗi Văn Hậu là có kinh nghiệm ở U20 World Cup 2017.
Dông dài như thế để thấy với bóng đá trẻ thì không thể nói trước bất cứ điều gì về vấn đề thành tích, khi một đội bóng có thể vừa chơi kiên cường và ngang ngửa với U22 Thái Lan, nhưng chỉ 1 ngày sau lại không còn là chính mình khi thua dễ U22 Indonesia bị xem là chẳng có bài vở gì đặc biệt, như trường hợp của U22 Myanmar.
Vì thế, suy cho cùng thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 cũng chẳng có gì ngạc nhiên, bởi khi những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… còn đá cho đội U19 Việt Nam ở giai đoạn 2013-2014 thì họ còn chẳng có được thành tích như U19 Myanmar khi ấy.
Bởi U19 Việt Nam của thế hệ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đã không thể vô địch giải U19 Đông Nam Á và cũng chẳng thể đoạt vé tham dự VCK giải U20 thế giới.
Mà HLV trưởng của U19 Việt Nam ở giai đoạn 2013-2014 là ông Guillaume Graechen, thầy dạy của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… từ khi họ còn là những cậu bé, và U19 Việt Nam lúc ấy được tạo điều kiện và được quan tâm tới mức độ “siêu VIP”, nên không thể nói rằng đội bóng không thành công do HLV chưa tốt hoặc không được đầu tư chu đáo.
Do đó, sẽ là không công bằng và thiếu thuyết phục nếu cho rằng thất bại của đội U22 ở SEA Games 29 khiến bóng đá Việt Nam phải báo động đỏ.
Bởi U22 suy cho cùng cũng chỉ là một trong số rất nhiều đội bóng mà VFF đang vận hành, quản lý, và vẫn còn rất nhiều đội tuyển trẻ khác có thành tích khả quan như U15 vừa đoạt chức vô địch Đông Nam Á cách đây mấy tháng, hay nguyên đội hình U20 trở về từ giải U20 thế giới năm 2017 vẫn chưa được sử dụng bao nhiêu ở SEA Games 29.
Có lẽ hãy cứ suy nghĩ đơn giản rằng trong bóng đá có thắng có thua, và chẳng nền bóng đá nào có thể bách chiến bách thắng ở mọi giải đấu.
Chẳng hạn Thái Lan là ông vua thực thụ của bóng đá khu vực từ nhiều năm nay, nhưng họ lại chưa từng có đại diện góp mặt ở U20 World Cup, điều mà U19 Myanmar và U19 Việt Nam đã làm được ở 2 kỳ giải gần đây nhất vào năm 2015 và 2017.
Biết đâu khi chứng kiến thành tích của Việt Nam và Myanmar ở giải U20 World Cup mấy năm vừa qua, người Thái lại chẳng thầm mơ ước sẵn sàng đánh đổi chiếc HCV SEA Games, vốn thuộc một giải đấu không nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của FIFA, để được một lần tham dự sân chơi danh giá, được xem là bệ phóng của những siêu sao bóng đá hàng đầu thế giới, như VCK U20 World Cup?