Không phải thảm bại 1-7 trước người Đức, đây mới là trận thua đen tối nhất lịch sử Word Cup mà không một người Brazil nào muốn nhắc tới!

Gần 7 thập kỷ trôi qua, không người yêu bóng đá Brazil nào quên được thảm họa của đội nhà trong trận chung kết World Cup 1950 trước Uruguay.

Nelson Rodrigues, nhà báo vĩ đại bậc nhất xưa nay của Brazil đã liên hệ trận thua Uruguay 1-2 tại Maracana vào ngày 16/7/1950 là “Hiroshima của người Brazil”.

Bối cảnh rực lửa

Đội tuyển Brazil đã thua trận đấu bóng đá có thể đưa họ lên ngôi vô địch World Cup lần đầu tiên trong lịch sử ngay trên sân nhà. Thất bại của selecao thực sự khủng khiếp với người yêu bóng đá Brazil và được so sánh với thảm họa Hiroshima, vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945, khiến 70.000 người bị chết và khoảng hơn 90.000 người bị thương cùng những di chấn còn tồn tại đến ngày nay.

Không có sự cường điệu nào lớn hơn thế về bóng đá nữa. Thực chất là điều ấy cũng cho thấy người Brazil coi trận thua Uruguay tại Maracana là thảm họa kinh khủng tới mức nào.

Thánh địa của người Brazil, Maracana kín chỗ trước trận chung kết World Cup 1950.

Sự kiện tổ chức World Cup ngay trên sân nhà là cơ hội không thể tốt hơn để Brazil lần đầu nâng cao chiếc cúp Nữ thần vàng. Việc đội đương kim vô địch Italy mất nguyên đội hình chính vì thảm họa Superga trước đó một năm, khiến giới chuyên môn dự đoán chức vô địch khó lọt khỏi tay Selecao.

Brazil dễ dàng vượt qua vòng bảng thứ nhất với ngôi đầu. Bước vào vòng bảng thứ hai, cũng là vòng bảng quyết định cho ngôi vô địch (World Cup 1950 không có trận chung kết), Selecao thắng giòn giã Tây Ban Nha 6-1 và Thụy Điển 7-1. Chỉ cần hòa Uruguay trong lượt trận cuối cùng, Brazil sẽ lên ngôi vô địch.

“Ngày mai chúng ta sẽ vô địch World Cup”, tờ Gazetta Esportiva thông báo một ngày trước trận chung kết. Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro đến bắt tay từng cầu thủ Brazil cùng lời chúc: “Chỉ vài giờ nữa thôi, các bạn sẽ trở thành nhà vô địch, được cả triệu người tôn vinh”.

Ước tính có khoảng 210.000 người đến chật kín sân Maracana để chứng kiến khoảnh khắc trọng đại của bóng đá xứ sở samba. Hơn 5.000 cảnh sát được điều động cùng với sự trợ giúp của quân đội, lính thủy đánh bộ và cả không quân. Dẫu vậy chỉ riêng chuyện vào sân khiến 2 người chết và 260 người bị thương.

Pháo sáng cùng những vật liệu bắt nổ đều “vượt rào” để xuất hiện trong sân Maracana. Biển người hô to “Brazil, Brazil, Brazil” khiến mặt đất dường như rung chuyển. Đám đông kinh hoàng màu vàng-xanh chỉ chờ giây phút trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu để chính thức biến sân Maracana thành bữa tiệc của pháo sáng và âm nhạc. Với họ, Brazil vô địch chỉ còn là vấn đề thời gian.

Maracanazo và những hệ lụy

Trận đấu cuối cùng cũng bắt đầu. Brazil ào lên tấn công như vũ bão dưới sự cổ vũ của 200.000 khán giả. Trong hiệp 1, Selecao tung ra 17 cú sút về phía khung thành Uruguay. Điều gì đến cũng đã đến, 2 phút trước giờ nghỉ, Friaca sút tung lưới Uruguay, biến Maracana trở thành cầu trường rực lửa.

Cảnh sát bất lực trong việc can thiệp. Sau đó, họ cũng dừng hẳn công việc của mình vì không muốn trì hoãn sự sung sướng của CĐV nhà. Chức vô địch World Cup tới rất gần với Brazil. Nhưng mọi thứ bắt đầu đi chệch hướng. Phút 66, Juan Alberto Schiaffino gỡ hòa 1-1 cho Uruguay.

Trên khán đài, những gương mặt lo âu bắt đầu lộ rõ để rồi đỉnh điểm thất vọng đến sau đó 13 phút khi Alcides Ghiggia sút tung lưới Moacir Barbossa, đưa Uruguay vươn lên dẫn trước 2-1. 200.000 khán giả tại Maracana câm lặng. Không còn pháo sáng, không còn cờ quạt. Tất cả là sự im lặng tới đáng sợ.

Alcides Ghiggia (giữa) và bàn thắng làm câm lặng Maracana.

11 phút còn lại là không đủ để Brazil lật ngược thế cờ. Đội chủ nhà thất bại, và chức vô địch World Cup thuộc về người Uruguay. Sự thất vọng nhanh chóng chuyển thành giận dữ. Đám đông khổng lồ bắt đầu truy tìm những cái bóng áo sọc trắng-xanh Uruguay để trút giận. 169 người bị thương, 6 người được đưa thẳng vào bệnh viện sau vụ bạo loạn tại Maracana.

Tới giờ, Brazil vẫn đề cập tới thảm họa này với cái tên Maracanazo. “Sát thủ” người Uruguay, Ghiggia trở nên nổi tiếng với câu nói “Những người có thể làm cả Maracana câm lặng là Giáo hoàng, Frank Sinatra và tôi”.

Thủ thành Barbosa của Brazil khi ấy bị coi như tù nhân trong suốt phần đời còn lại. Năm 1994, ông bị đội trưởng Carlos Dunga của Brazil xua đuổi khi tới chúc mừng chức vô địch World Cup.

“Ở Brazil, kẻ giết người chỉ chịu tội 30 năm. Tôi bị án chung thân bởi 2 bàn thua không do lỗi của mình”, ông Barbosa cay đắng thốt lên.

Thủ thành tội nghiệp Barbosa (trái) bên cạnh Alcides Ghiggia.

Năm 2000, 30 năm sau ngày Selecao chính thức giành vĩnh viễn cúp Nữ thần vàng khi thắng Italy tại Mexico 70, không người Brazil nào nhớ tới chiến công của Pele, Jairzinho, Tosta hay Carlos Alberto.

Tất cả còn mải ghi nhớ nỗi đau Maracana vào năm 1950. Với quốc gia 5 lần vô địch World Cup, thảm họa Maracanazo sẽ tồn tại như khoảnh khắc đen tối nhất lịch sử bóng đá hào hùng của họ, cho tới trước khi Brazil thua Đức 1-7 tại bán kết World Cup 2014 diễn ra trên sân Estadio Mineirao, Belo Horizonte trước sự chứng kiến của hơn 58.000 khán giả.

Bài liên quan