Paul Pogba có xứng đáng với giá 89 triệu bảng? Đến giờ vẫn có người thắc mắc điều đó, dù MU đang bất bại trong hơn 1 năm ròng ở Premier League với Pogba trong đội hình.
Trong lịch sử bóng đá có những cầu thủ mà tài năng thiên bẩm của họ lớn tới mức các HLV gần như chỉ việc cho họ chơi tự do như ý muốn và điều chỉnh phần còn lại của đội hình để tạo sự cân bằng. Ở World Cup 1986, ĐT Argentina đá với 7 người phòng thủ bên phần sân nhà và chỉ nhờ vào Diego Maradona cùng Jorge Valdano và Jorge Burruchaga để vô địch.
Paul Pogba có thể chưa đến tầm cỡ như Messi, Maradona, nhưng anh hẳn là một tài năng thiên bẩm và khiến MU phải trả 89 triệu bảng cho Juventus. Vấn đề chỉ là bao giờ Pogba sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, một trong những tiền vệ hàng đầu hiện nay thi đấu cho một HLV vốn đã trung thành với chỉ một sơ đồ và một hệ thống thi đấu trong thời gian khá dài.
Jose Mourinho đã gắn bó với 4-2-3-1 từ ngày ở Porto và không có gì lạ khi MU dưới thời “Người đặc biệt” đá với sơ đồ này. MU đã bị chê khá nhiều vì tập trung vào phòng ngự và chỉ mong chờ Paul Pogba thực hiện những đường chuyền dài từ vị trí lùi sâu để hy vọng các tiền đạo sẽ ghi bàn.
Chiến thuật này đã trở nên khá tệ trong 3 tháng qua khi MU dần bị Man City bỏ xa trong cuộc đua vô địch. Đuổi kịp Man City sẽ là nhiệm vụ rất khó, nhưng MU vẫn còn FA Cup và Champions League, chưa kể họ cũng phải chắc một vị trí trong top 4 bởi mùa này họ sẽ không có con đường vòng Europa League để hy vọng dự Cúp C1.
Trong trận đầu tiên của năm mới 2018, Mourinho đã tạm dứt bỏ 4-2-3-1 và để Paul Pogba đá bên trái trong hàng tiền vệ 3 người của sơ đồ 4-3-3. MU vẫn chưa hoàn toàn đá thanh thoát, nhưng Pogba đã phát huy hiệu quả tối đa, kiến tạo cả hai bàn của Martial và Lingard.
Vị trí của Pogba trong trận Everton cũng chẳng khác gì vị trí của anh ở Juventus, nơi anh đã ghi kiến tạo như điên trong 4 năm ở Turin. Giờ Pogba đã có 7 kiến tạo trong 12 trận ở Premier League cho MU, trong khi Kevin De Bruyne của Man City có 9 kiến tạo sau 21 trận.
Thiên tài bị xem thường
Paul Pogba có lẽ không phải người đầu tiên đá tiền vệ mà bị dư luận thường xuyên chất vấn về đẳng cấp, bởi anh không phải tiền đạo ghi bàn. Lấy Michael Ballack làm ví dụ: Tháng 4/2002, Ballack đã ghi 15 bàn ở Bundesliga (1/3 ghi bằng đầu), kiến tạo 8 bàn và ăn 10 thẻ vàng (1 thẻ đỏ).
Nói cách khác, Ballack ghi bàn như tiền đạo cắm và tranh bóng như hậu vệ cộng thêm khả năng chuyền bóng như tiền vệ, nhưng lại đá lùi đằng sau Yildiray Basturk trên hàng tiền vệ Leverkusen, đội mùa giải 2001/02 đã đến gần 1 cú ăn ba nhưng rốt cuộc về nhì chỉ trong tháng cuối cùng. Ballack từ đó được biết đến là “Vua về nhì”, và ít ai đặt anh vào top những tiền vệ xuất sắc nhất.
Nếu Ballack bị giễu vì về nhì thường xuyên thì Pogba sẽ còn ở trong một thời gian tương đối lâu nữa bị mang ra so sánh với số tiền 89 triệu bảng. Đó là thực tế không tránh được bởi người ta mặc định rằng giá tiền lớn có nghĩa Pogba phải ghi bàn hoặc chí ít cũng là kiến tạo thường xuyên cho đồng đội như thể anh là Messi đệ nhị.
Đã 435 ngày trôi qua kể từ khi Paul Pogba có mặt trong một đội hình MU thua trận ở Premier League, đó là trận thua Chelsea tháng 10/2016. 34 trận Pogba có mặt và MU thắng 21 hòa 13, và khi Pogba vắng mặt MU đã thua 5 trận.
Số trận hòa là khá nhiều, nhưng khi chỉ tính mùa giải này, Pogba đã ra sân 12 trận và MU đã thắng 8 hòa 4. MU tất nhiên đá không hừng hực khí thế tấn công dưới thời Mourinho, nhưng khi có Pogba trên sân họ thắng thường xuyên, một bằng chứng cho sự hiệu quả của Pogba ngay cả khi anh không được đá ở những vị trí sở trường.
MU đã có cầu thủ lớn là Pogba, vấn đề còn lại chỉ là Jose Mourinho có dám để anh được chơi bóng như khả năng hay không. Và quan trọng hơn, Mourinho có xây dựng được một đội hình như ý cho Pogba hay không.
Theo Khám Phá