Có một chi tiết ít được bàn đến, khi Arsenal bỗng khát danh hiệu vô địch Premier League suốt 13 năm. Đó là: “Pháo thủ” không tìm ra được thủ quân đích thực, sau Patrick Vieira.
Trước Vieira là Tony Adams. Còn sau Vieira là Thierry Henry, William Gallas, Cesc Fabregas, Robin Van Persie, Thomas Vermaelen, Mikel Arteta… Quá khác biệt. Wenger trao băng thủ quân cho Henry chỉ để cố níu kéo, rút cuộc anh vẫn bỏ sang Barcelona. Fabregas hoặc Van Persie cũng ra đi khi đang là đội trưởng. Gallas bị tước băng thủ quân vì cãi vã với đồng đội. Các thủ quân gần đây nhất thì… thật thảm hại. Vermaelen thậm chí không đủ tư cách đá chính.
Mùa trước, thủ quân Per Mertesacker không đá chính trận nào cho Arsenal. Nhưng đấy lại là đặc điểm chung của cả Premier League. John Terry mất chỗ ở Chelsea. Vincent Kompany đá khoảng chục trận cho Man City. Và M.U có câu chuyện về Wayne Rooney. Đấy là sự trùng hợp tình cờ, hay đấy là sự xuyên suốt nói lên một vấn đề lớn trong làng bóng Anh?
Nếu đấy là sự trùng hợp tình cờ, việc M.U chọn thủ quân thay Rooney sẽ là đề tài quan trọng, thậm chí có thể được xem là chi tiết liên quan đến sự thành bại của M.U trong mùa bóng tới. Jose Mourinho hẳn phải vắt óc suy nghĩ. Cũng nên nhắc lại: M.U đã lụn bại hẳn trong các mùa bóng gần đây, khi Rooney mang băng thủ quân. Phong độ có thể mỗi lúc mỗi khác, nhưng Rooney không bao giờ là một thủ lĩnh, một tấm gương cho đồng đội, xét theo truyền thống của bóng đá Anh.
Ở Tây Ban Nha hoặc Italia, người ta có thể đơn giản trao băng thủ quân cho cầu thủ lớn tuổi nhất, thi đấu nhiều nhất, hoặc gắn bó với đội lâu nhất. Ở Scotland, thủ quân thường là người chơi ở khu giữa sân. Ở Hà Lan, đôi khi các cầu thủ tự bầu thủ quân, như Ajax Amsterdam thời Johan Cruyff (ông giận dữ bỏ sang Barcelona vì không đắc cử). Đấy là truyền thống, là đặc điểm riêng của những nền bóng đá khác nhau. Nhưng ở Anh, việc HLV trưởng chọn thủ quân được cho là quan trọng chẳng kém việc đội bóng chọn HLV trưởng.
Băng thủ quân, và nỗ lực tuyệt vời sao cho xứng đáng với chiếc băng ấy, đã kéo sự thể hiện của David Beckham hoặc Gary Neville lên một mức độ cao hơn khả năng thực của họ, và điều đó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thành công của toàn đội. Roy Keane hoặc Bryan Robson ngày xưa cũng vậy. Dù sao đi nữa, đấy là thời kỳ mà bóng đá Anh vẫn còn… thuần Anh.
Mùa trước, nói đến Premier League là phải nói ngay đến Antonio Conte, Pep Guardiola, Jose Mourinho, Juergen Klopp… Sự tràn ngập HLV nước ngoài ở Premier League là điều chẳng còn gì lạ. Nhưng vẫn có khác biệt lớn: bây giờ, đa số HLV nước ngoài đến Premier League là những “triết gia”. Họ đến quê hương bóng đá để “truyền đạo” hơn là “làm thuê, kiếm lương cao”. Họ buộc bóng đá Anh phải thay đổi theo họ, chứ họ không tự thay đổi cho phù hợp với môi trường bóng đá Anh. Từ đây, chúng ta có thể nhìn về hình ảnh thủ quân ngồi ghế dự bị ở các đội bóng lớn trong mùa vừa qua với suy nghĩ khác. Đấy là hình ảnh xuyên suốt nói lên một vấn đề lớn.
Các đội mạnh ở Premier League bây giờ không muốn phụ thuộc vào cái uy của người thủ quân trên sân nữa. Thành công hay thất bại, đấy trước tiên là do phong độ toàn đội, do chiến thuật hợp lý, và trên hết là do quan điểm chuyên môn của HLV. Nhờ gắn bó với Chelsea mà John Terry lập kỷ lục là thủ quân 5 lần vô địch Premier League, chứ không phải Chelsea vô địch Premier League lần thứ 5 nhờ có Terry mang băng thủ quân!
Xin nhắc lại, đấy chỉ là một cách nhìn. Vai trò thủ quân ở Premier League quan trọng như thế nào (hoặc có còn chút quan trọng nào)? Thái độ và cách chọn người của Mourinho trong những ngày tới có thể nói lên đôi điều.