Cựu Giám đốc kỹ thuật HAGL thời đỉnh cao Nguyễn Văn Vinh cho rằng HLV ngoại chưa chắc là phương án tốt cho đội tuyển Việt Nam khi chúng ta không đủ tiền thuê những người giỏi.
Khá ngán ngẩm khi nhắc tới các HLV ngoại, ông Vinh chua chát đúc kết rằng: “Bóng đá Việt Nam đã bao đời HLV ngoại nhưng khi họ rút đi thì có để lại được gì cho bóng đá Việt Nam đâu. Cuối cùng suốt mấy chục năm qua chúng ta vẫn phải loay hoay với bài toán cũ”.
Cựu danh thủ Thể Công băn khoăn với việc HLV ngoại nhận hàng trăm nghìn USD mỗi năm nhưng hầu như không giúp gì được cho việc nâng tầm nền bóng đá nước nhà.
“Có những ông thầy ngoại chẳng làm nên trò trống gì, khiến cho bóng đá Việt Nam tiền mất, tật mang như Letard, Dido, Tavares. Hay gần đây là ông Miura cũng vậy. Ngay cả ở đất nước của ông ấy, ông ấy chỉ là HLV cấp CLB, cũng chẳng có tiếng tăm gì thì đương nhiên khi sang dẫn dắt đội tuyển nước ta sao mà khá lên được. Tôi đã từng lên tiếng ngay khi ông ấy bắt các cầu thủ vừa sau đợt nghỉ Tết, đang mưa rét ở xứ sở nhiệt đới lại áp dụng chế độ tập nặng dẫn tới chấn thương của mười mấy cầu thủ. HLV chuyên nghiệp chẳng ai làm thế cả. Các câu chuyện quá khứ đó liệu có rút ra được bài học nào cho bóng đá Việt Nam?”.
Cựu Giám đốc kỹ thuật HAGL cảnh báo: “Chúng ta đừng ảo tưởng rằng có HLV ngoại là có tất cả. Thử điểm danh lại mười mấy đời HLV ngoại ở Việt Nam, chúng ta phải trả bao nhiêu tiền nhưng rồi chỉ có ông Calisto mang về chức vô địch AFF Cup, ông Riedl chuyên mang về HCB. Và sau khi họ về nước chúng ta đã học được gì, đã định hình được gì về lối chơi cho đội tuyển?”.
Vị cựu danh thủ Thể Công cũng nêu lên một thực tế là trong khi các nước khác trả công cho HLV ngoại lên tới trăm nghìn USD mỗi tháng thì Việt Nam chỉ đảm bảo được khoảng 10% con số đó. “Tiền nào thì của đấy thôi. Giống như khi chúng ta mua máy móc, thiết bị tiêu chuẩn Mỹ thì đương nhiên sẽ khác máy móc tiêu chuẩn Trung Quốc rồi. Thế nên ngoại ở đây là ngoại nào? Chúng ta cần tránh tư duy bắt chước, cứ không phải các nước khác thuê ngoại tốt, là mình thuê ngoại cũng tốt. Vấn đề là phải tính toán làm sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn thôi”, ông Vinh nói.
Ông Vinh nêu lên một thực tế khó khăn cho các HLV, nhất là các HLV nội khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ấy là khi thắng thì được đưa lên mây xanh còn khi thua thì bị vùi xuống đất đen.
“Tôi nghĩlà anh Hữu Thắng sẽ không muốn quay lại đội tuyển nữa, dù có được mời. Bởi đơn giản cách ứng xử vừa qua tôi cho là bất nhẫn. Lúc anh ấy thắng thì được tung hô thế nào, tôi không nói nữa. Nhưng khi thua ở SEA Games vừa rồi thì lại rùm beng lên thông tin anh ấy bán độ. Rồi lôi chuyện quá khứ của anh ấy ra để móc nối vào. Trong khi dư luận ầm ầm lên như thế cũng chẳng có ai hay tổ chức nào đứng ra bảo vệ anh ấy cả”, ông Vinh khẳng định.
Từng nhiều năm làm việc trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, ông Vinh cũng bày tỏ sự chua xót khi những người trong cuộc luôn chịu sự dày vò, áp lực quá lớn của dư luận.
“Như các cầu thủ cũng vậy, thua là họ bị đổ lỗi, bị gán nghi án này, kia. Trong khi ở các nước khác, tôi nói như ngay tại khu vực Đông Nam Á, ngay tại SEA Games này thôi, khi đội tuyển của họ thua, có ai gán cho họ nghi án bán độ như ở mình? Vì thế tôi nghĩ các HLV nội khác nhìn vào bài học của anh Thắng cũng đã phát sợ”.
“Tôi thấy anh Mai Đức Chung đúng là nhất. Anh ấy dũng cảm quá, con người lúc nào cũng hiền lành, vui vẻ. Đứng ra nhận trọng trách dẫn dắt đội tuyển trong bối cảnh anh Thắng đang như thế. Chứ còn các HLV khác người ta cũng hãi”.
Tuy nhiên ông Vinh cũng cho rằng việc được dẫn dắt đội tuyển quốc gia là vinh dự với bất cứ HLV nào nên cũng sẽ có những HLV sẵn sàng đảm đương trọng trách này. Thậm chí có những HLV còn phù hợp hơn HLV ngoại.
“Tôi thấy như anh Hoàng Anh Tuấn, trưởng thành từ cầu thủ rồi trở thành HLV, có đầy đủ bằng cấp, có ngoại ngữ tốt, một thân một mình lập nên chiến tích chưa ai làm được là đưa đội tuyển U19 giành vé dự World Cup. Những người như thế là phù hợp”, ông Vinh ủng hộ thuyền trưởng đội U18 Việt Nam nhận trọng trách.
Ông Nguyễn Văn Vinh cũng băn khoăn về áp lực của dư luận chính là con dao hai lưỡi, một mặt đội nhận được sự quan tâm lớn, nhưng mặt khác cũng khiến cho nhiều lúc đội bị áp đặt chỉ tiêu quá cao so với năng lực thực tế.
“Tôi cho rằng ở thời điểm này chúng ta đừng nên tự đánh lừa mình nữa. Chúng ta phải thấy rõ một thực tế là bóng đá Việt Nam trình độ chỉ thế thôi, chưa thể đủ trình độ để điều tiết trận này tập trung toàn lực, trận sau nhẹ nhàng trước các đối thủ yếu. Vì thế trận nào ta cũng phải phồng miệng, đỏ mặt tía tai ra mà đá. Thế nên có đổ ra hàng tỷ tỷ đồng ra cũng chưa chắc đã mang lại kết quả gì. Có khi còn không bằng việc chúng ta tìm ra được một HLV phù hợp rồi dần dần nâng cấp đội tuyển, xây dựng được cái riêng của mình”.
Ngoài việc chọn HLV, ông Nguyễn Văn Vinh cũng cho rằng công tác xây dựng kế hoạch tập huấn của đội tuyển Việt Nam cũng phải xem lại. “Khi thi đấu ở nước ngoài, nên học tập kinh nghiệm của Thể Công trước đây. Khi đó chúng tôi chủ động được về lịch thi đấu, các đối thủ, đá giao hữu toàn gặp các đội mạnh, thua vỡ mặt thì mới rút ra được kinh nghiệm, chứ sang nước ngoài, tập huấn mà đá với mấy đội bóng làng, rồi thắng vài quả và chẳng nhận ra được mình đang yếu ở đâu, thì cũng phí ra”, vị chuyên gia này thẳng thắn.