VFF đã chính thức chấp nhận đơn xin từ chức của HLV Hữu Thắng, để lại khá nhiều tiếc nuối. Liệu có phải Hữu Thắng giỏi nhưng lại không may mắn như không ít lời nhận định?
1. Ngay sau khi HLV Miura bị sa thải, người viết vẫn nhớ như in một câu hỏi được một nhà chuyên môn đặt ra: “Thành tích tại VCK U23 châu Á của HLV Miura không bị đánh giá là thất bại, ông Miura cũng được chính VFF đánh giá là có thành tích trong khoảng gần 2 năm nắm các đội tuyển: HCĐ AFF Cup 2014, HCĐ SEA Games 2015, lọt vào vòng knock-out ASIAD 2014.
Một HLV vừa có thành tích cụ thể trong suốt quá trình làm việc với VFF, chưa làm hỏng bất cứ chỉ tiêu nào mà cấp trên giao cho, lại đang có thành tích lịch sử (vào đến VCK U23 châu Á) mà vẫn mất việc đột ngột. Chuyện gì đang xảy ra thế?”
Nếu so sánh với Miura về mặt thành tích, Hữu Thắng gần như chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Nên nhớ HLV người Nhật tiếp quản cương vị của mình ở thời điểm bóng đá Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng, với kỳ SEA Games 2013 có thành tích tương đồng với những gì Hữu Thắng làm được với U22 Việt Nam ở kỳ SEA Games lần này.
Đau đớn hơn nữa, Miura bị sa thải khi hợp đồng chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc. Về lý, VFF đã không đúng trong cách đối xử với HLV người Nhật, về tình, VFF càng nhẫn tâm hơn với người đã cống hiến không ít cho bóng đá Việt Nam.
Theo những người hiểu chuyện, sở dĩ HLV Miura bị đối xử phũ phàng như thế, là bởi một vài thành viên chủ chốt của VFF góp phần định hướng sai dư luận, phê phán quá mức đội tuyển của HLV Miura trong khi thiếu các luận cứ khoa học, dựa trên những thông số cụ thể.
Ở thời điểm ấy, HLV Miura hoàn toàn cô đơn giữa làn sóng chỉ trích. Hầu như không có ai thực sự có trách nhiệm ở VFF đủ dũng khí để bảo vệ ông (hoặc người bảo vệ HLV Miura không phải là nhân vật có tiếng nói quyết định tại VFF, như một số ít ủy viên BCH trong cuộc hóp sáng 28/1/2016). Ông Miura bị sa thải với 11/16 phiếu đồng thuận với quyết định ấy.
Và tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc sa thải HLV Miura, không ai khác chính là bầu Đức. Nên nhớ, HLV người Nhật đánh giá rất cao và luôn theo sát bước chân của Công Phượng, và cũng là người đưa Văn Toàn từ vị trí đá cắm về vai trò tiền vệ cánh phải – vị trí làm nên tên tuổi của cầu thủ HAGL này. Có lẽ bầu Đức không hài lòng nhất ở ông Miura là ở chỗ, ông không trọng dụng Xuân Trường!?
2. Thành tích duy nhất mà Hữu Thắng hơn Miura là… các trận giao hữu. Dưới thời Hữu Thắng, hầu như tất cả các trận giao hữu, nhất là trước các giải đấu quan trọng đều là trước các đối thủ yếu. Rất có thể, việc “lấy tinh thần” từ những trận giao hữu là sự tính toán khiến người hâm mộ bớt đi việc so sánh đội tuyển dưới tay Hữu Thắng với chính… HLV Miura.
Nhưng trước khi bước vào 2 trận đấu quyết định với U22 Indonesia và Thái Lan, lại là 6 trận đấu “dễ như ăn kẹo”, bắt đầu bằng trận gặp Các ngôi sao K-League “vừa đá vừa buông” tại Mỹ Đình, và nối tiếp bằng 5 trận đấu mà các cầu thủ U22 Việt Nam đủ khả năng “nện” đến chục bàn nếu thi đấu hết sức mình. Đấy có phải là sự chuẩn bị “có tâm” và có chuyên môn?
Nên nhớ, U22 Việt Nam bất lực trong việc ghi bàn ở cả hai trận đấu quan trọng ấy, dù thi đấu hơn người trước U22 Indonesia ở 1/3 trận đấu, và bị U22 Thái Lan đập tan nát đến 3 bàn không gỡ.
Người ta đánh giá cao HLV Hữu Thắng ở “cái uy làm tướng”, khả năng truyền lửa cho các học trò. Nhưng nhớ lại đi, ở những thời khắc quyết định, trong những trận đấu quyết định, các cầu thủ của HLV xứ Nghệ này luôn biết cách “đá như bán” để khiến người hâm mộ phải phát điên lên với những sai lầm cực kỳ ấu trĩ và không thể giải thích nổi.
Ai giải thích nổi chiếc thẻ đỏ của Nguyên Mạnh ở AFF Cup 2016, hai bàn thua đầu tiên trong trận gặp U22 Thái Lan của Phí Minh Long, quả sút penalty “bắn chim” của Công Phượng, thái độ hậm hực với người hâm mộ của Xuân Trường?
Thế thì “có uy” với “truyền lửa” kiểu gì, vì mục đích gì và động cơ là gì?
3. Lý do của chuyên gia Lê Thụy Hải để giữ HLV Hữu Thắng lại là lối đá mà HLV này chọn phù hợp với cầu thủ Việt Nam. Thế Miura thì không?
Ngày 20/2/2016, Fikri Jermadi – cây bút thể thao khá nổi tiếng châu Á có một bài viết về HLV Miura với tựa đề “Hoàng hôn cho đội tuyển Việt Nam “lụa và thép” của Toshiya Miura“.
Nếu như “thép” chính là sự vững vàng, lối chơi không ngại va chạm và giàu sức chiến đấu được HLV Miura tạo dựng được cho các đội tuyển Việt Nam mà mình cầm quân, thì “lụa” chính là sự khéo léo, kỹ thuật, khả năng phối hợp nhỏ – đặc trưng của các cầu thủ HAGL trong đội tuyển Việt Nam.
Theo Fikri Jermadi, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura đã kết hợp khá tốt hai yếu tố này, để làm nên sức mạnh tổng thể và dần định hình lối chơi biến hóa khi gặp các đối thủ khác nhau.
Bên cạnh đó, cây bút này cũng nhận xét: “HLV người Nhật Toshiya Miura đã làm rất tốt việc hòa nhập các cầu thủ trẻ với đội tuyển và nâng cao nhịp độ thi đấu – điều mà ít đội làm được“.
Không phải Miura không ưu tiên cho lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật, đập nhả vốn là đặc sản của “quân bầu Đức”, mà ở một tầm nhìn xa hơn “cái ao làng” Đông Nam Á, nhà cầm quân người Nhật chuẩn bị cho Việt Nam một thể lực tốt hơn, một lối chơi chắc chắn hơn để có thể đối đầu với các đội bóng mạnh tầm châu lục.
Rất rõ ràng, lối chơi mà HLV Hữu Thắng chọn, bầu Đức vỗ tay khen hay chỉ có thể phát huy được trước những đối thủ “làng nhàng”, và khi gặp Indonesia hay Thái Lan, dù họ không quá mạnh, thì sự bất cập đã được thể hiện quá rõ ràng.
Người Việt Nam đã “tống cổ” Miura về Nhật, để rồi dựng lên một Hữu Thắng trắng tay ở thời điểm đang sở hữu một thế hệ cầu thủ rất mạnh và đầy tiềm năng phát triển, không hề thua kém các đối thủ trong khu vực.
Chúng ta tiếc gì ở Hữu Thắng? Một khuôn mặt đầy chất nam tính, chứ không “yếu đuối” như Miura, một tính cách mạnh mẽ theo kiểu giang hồ, một đôi mắt biết nói và những lời xuôi tai khi luôn khẳng định “đứng mũi chịu sào” thay cho các học trò đầy nghĩa khí?
Thay vì như thế, sao không giở “Thủy Hử” ra mà đọc, có phải hơn không? Và trước khi khóc, hay chí ít là giang rộng vòng tay ra với Hữu Thắng, hãy nhớ rằng chúng ta còn đang nợ HLV Miura một lời xin lỗi!
Bởi nếu đặt lên bàn cân với Hữu Thắng, những gì HLV người Nhật làm được cho bóng đá Việt Nam là cả một trời khác biệt, không chỉ ở thành tích, mà còn là cái tâm sáng với nền bóng đá vốn vẫn còn nhiều góc khuất này. Nếu tiếc nuối, khóc than cho một Hữu Thắng, thì cái “án trảm” dành cho Miura là một bước lùi không nhỏ.