Ở thời điểm này, nếu so sánh Lee Nguyễn với các chân sút của ĐT Việt Nam thì có lẽ cũng giống như chuyện “bì phấn với vôi”…
Cách đây ít ngày, cầu thủ gốc Việt Lee Nguyễn lại tỏa sáng ở giải MLS khi có tới 4 pha kiến tạo thành bàn, góp phần giúp CLB New England Revolution đại thắng Orlando City 4-0 ở vòng 26 MLS. Anh là cầu thủ thứ 5 trong lịch sử giải đấu thực hiện 4 pha kiến tạo trong 1 trận. Trước đó, Landon Donovan, Carlos Valderrama, Dwayne De Rosario và Chris Henderson đã làm được điều này.
Kaka, cựu cầu thủ của AC Milan và Real Madrid, cũng góp mặt trong trận đấu này, nhưng anh đã bất lực nhìn đội bóng Orlando City của mình thảm bại trước New England Revolution của Lee Nguyễn.
Hiện tại, dù đã bước sang tuổi 31 nhưng Lee Nguyễn vẫn đang sở hữu phong độ rất ấn tượng, là “chân chuyền” lợi hại bậc nhất ở giải MLS. Anh cùng với tiền vệ tấn công trưởng thành từ lò La Masia, Victor Vazquez của Toronto FC dẫn đầu danh sách kiến tạo với 14 đường chuyền thành bàn.
Theo thống kê, sau 6 mùa chơi ở MLS, Lee Nguyễn đóng góp tới 48 bàn thắng và 48 pha kiến tạo sau 183 trận đấu. Đây là con số rất ấn tượng ở giải bóng đá số 1 nước Mỹ – vốn có chất lượng chuyên môn cao hơn nhiều so với giải V-League.
Ngược lại với sự thăng hoa của Lee Nguyễn, bóng đá Việt Nam lại đang rất thiếu một mẫu ngôi sao vừa có khả năng kiến tạo, vừa dứt điểm tốt như vậy. Kể từ khi Công Vinh giải nghệ (sau AFF Cup 2016 đến nay), rõ ràng chúng ta vẫn chưa tìm ra sự thay thế thực sự xứng đáng.
Ngay như ở trận đấu tối qua, dù chỉ phải gặp Campuchia nhưng các chân sút của Việt Nam đã không thể hiện được nhiều. Ngoại trừ Văn Quyết chơi “tròn vai” với bàn mở tỷ số thì Công Phượng, Mạc Hồng Quân hoàn toàn mất hút trước hàng phòng ngự đối phương.
Trước trận gặp Campuchia, tuyển Việt Nam cũng chỉ có được 3 trận hòa với Đài Bắc Trung Hoa, Afghanistan và Jordan (3 trận ghi 2 bàn) với nguyên nhân chính là sự thiếu hiệu quả của các cầu thủ tấn công.
Như ở trận gặp Jordan hồi tháng 6 tại TPHCM có thể là một minh chứng rõ nét nhất. Dù tạo ra rất nhiều tình huống tấn công nhưng sự thiếu chính xác ở những tình huống quyết định khiến đoàn quân của HLV Hữu Thắng không thể ghi bàn và chấp nhận tỷ số hòa 0-0.
Trở lại với Lee Nguyễn, còn nhớ hồi năm 2011, khi tiến hành thủ tục nhập Quốc tịch Việt Nam, anh từng ngỏ ý muốn được khoác áo ĐTQG.
Thời điểm đó, Lee Nguyễn từng đá cho tuyển Mỹ ba trận vào năm 2007 nhưng sau khi nghiên cứu, luật sư ở Mỹ khẳng định trường hợp của cầu thủ gốc Việt vẫn có thể xem xét được, khi FIFA mở rộng các điều kiện từ năm 2009 cho các tuyển thủ muốn chuyển đổi ĐTQG.
Theo các luật sư, do Lee Nguyễn thi đấu ba trận cho tuyển Mỹ (1 trận giao hữu và 2 trận ở Copa America) khi chưa đầy 21 tuổi và đều không đá chính. Các trận đấu anh tham dự đều không phải giải do FIFA tổ chức nên nếu chiếu theo quy định được mở rộng của FIFA áp dụng từ năm 2009 thì anh vẫn có cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam.
Tất nhiên, ở thời điểm đó, nếu ĐT Việt Nam thực sự cần Lee Nguyễn, VFF có thể phải tham khảo rất nhiều điều luật có liên quan từ FIFA, thậm chí có thể nhờ đến sự can thiệp của tòa án trọng tài quốc tế (CAS). Song rốt cục VFF đã “làm ngơ” trước nguyện vọng của cầu thủ gốc Việt.
Biết đâu đấy, nếu ngày đó VFF “mặn mà” hơn với Lee Nguyễn, ĐT Việt Nam sẽ có thêm một vũ khí chất lượng và hàng tấn công của đội tuyển sẽ không phải trầy trật hết trận này tới trận này tới trận khác như hiện tại?