Jose Mourinho, Pep Guardiola, Antonio Conte hay Arsene Wenger mỗi người có một phong cách riêng, không chỉ trong cách điều binh khiển tướng mà cả trên thị trường chuyển nhượng.
Lấy mốc mùa giải 2008/09 cho đến nay, Pep Guardiola và Jose Mourinho là những người mua sắm mạnh tay nhất trong số 6 HLV của 6 đội bóng hàng đầu Ngoại hạng Anh (Big Six).
Cụ thể, cả hai vị chiến lược gia này đều đã đốt xấp xỉ 900 triệu bảng, gấp đôi Arsene Wenger và Antonio Conte, gấp ba Juergen Klopp và Mauricio Pochettino. Tất nhiên, để hiểu rõ phong cách chuyển nhượng của từng chiến lược gia, một con số thống kê tổng quan như trên là chưa đủ.
Pep Guardiola
Guardiola chưa bao giờ ngại ngần đốt tiền để hoàn thiện đội hình. Đó là phong cách của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha. Đơn cử mùa Hè vừa qua, Guardiola tống khứ cả 4 hậu vệ biên của Man City mùa trước vì cảm thấy họ quá già và thay thế bằng cách ném vào “chợ người” 120 triệu bảng.
Cũng chẳng phải đợi đến lúc dẫn dắt đội bóng trọc phú kiểu Man City, thời điểm dẫn dắt Barcelona, Guardiola đã là một con nghiện mua sắm, bất chấp việc được hưởng thụ một thế hệ tinh túy nhất lò La Masia sản sinh. Có những bản hợp đồng thành công, chẳng hạn Dani Alves hay David Villa, song cũng chẳng thiếu những thương vụ thất bại thảm hại.
Dmytro Chygrynskiy có lẽ là bản hợp đồng tồi tệ nhất sự nghiệp của Guardiola. Cầu thủ này được mua với giá 20 triệu bảng và chỉ ra sân vỏn vẹn 851 phút trước khi bị tống khứ. Zlatan Ibrahimovic cũng chỉ trụ lại Nou Camp đúng 1 mùa giải dù Barca đã phải tiêu tốn tới 59 triệu bảng (cộng cả Samuel Eto’o).
Jose Mourinho
Tương tự Guardiola, Mourinho cũng không bao giờ ngần ngại vung vãi tiền bạc để đạt được mục đích trên thị trường chuyển nhượng. Dĩ nhiên, ông cũng gặt hái nhiều thành công lẫn nếm trải thất bại. Có những Wesley Sneijder hay Didier Drogba, và cũng có những Khalid Boulahrouz hay Ricardo Quaresma.
Tuy vậy, nếu dùng danh hiệu làm thước đo thì Mourinho là nhà cầm quân sử dụng tiền bạc hiệu quả. Người đặc biệt đã đăng quang giải VĐQG tại 4 quốc gia khác nhau là Bồ Đào Nha, Anh, Italia và Tây Ban Nha, 2 lần vô địch Champions League cộng thêm hằng hà sa số danh hiệu khác. Có những HLV chi nhiều tiền hơn nhưng lại giành được ít danh hiệu hơn.
Tại Old Trafford, còn quá sớm để đánh giá Mourinho thành công hay thất bại. Dẫu vậy, phong cách mạnh vì gạo bạo vì tiền vẫn được thể hiện một cách nhất quán. Chỉ qua 2 mùa Hè làm việc tại Old Trafford, Người đặc biệt đã đốt hơn 300 triệu bảng và thiết lập một kỷ lục chuyển nhượng.
Antonio Conte
Gần 10 năm làm nghề, Conte phần nào chứng minh được khả năng nhìn người và nhào nặn nhân tài. Khi còn dẫn dắt Bari tham dự Serie B, Conte đã mượn tiền đạo Barreto của Udinese và biến chân sút người Brazil thành tay săn bàn hàng đầu giải đấu với 23 pha lập công. 2 năm sau, Conte đưa Siena thăng hạng Serie A dù chỉ sử dụng 1,16 triệu bảng trên TTCN.
Tại Juventus, vị chiến lược gia người Italia ném vào thị trường chuyển nhượng 173,52 triệu bảng trong ba mùa bóng. Kết quả Bà đầm già thành Turin thống trị tuyệt đối Serie A và thực hiện những thương vụ mua đi bán lại siêu lợi nhuận.
Đó là Arturo Vidal (mua 11,25 triệu bảng từ Leverkusen, bán 33,3 triệu bảng cho Bayern Munich) hay Paul Pogba (chiêu mộ theo dạng CNTD, bán với giá 89,3 triệu bảng cho M.U).
Chuyển sang dẫn dắt Chelsea, con mắt tinh tường của Antonio Conte tiếp tục phát huy tác dụng. N’Golo Kante, David Luiz và Marcos Alonso đều thành công ngoài sức tưởng tượng ngay mùa đầu cập bến Stamford Bridge. Đặc biệt là trường hợp của Alonso.
Arsene Wenger
Wenger chưa bao giờ là chuyên gia nổ bom tấn. Xuyên suốt sự nghiệp, vị chiến lược gia lão làng người Pháp chỉ tập trung tới những món hời trên “chợ người” và phát triển tài năng trẻ. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh buộc Wenger phải chi tiêu mạnh tay hơn trong vài năm trở lại đây. Nhờ vậy Arsenal đã có Mesut Ozil, Alexis Sanchez và Alexandre Lacazette.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Wenger cũng chi tiêu khôn ngoan. Chỉ 1 năm sau khi chiêu mộ Lucas Perez và Shkodran Mustafi, bây giờ đã có thể khẳng định 50 triệu bảng xem như vứt đi. Đã từng một thời, Wenger được đánh giá là bậc thầy chuyển nhượng với những thương vụ như Patrick Vieira hay Thierry Henry song phẩm chất quý báu ấy đang dần bị mai một.
Juergen Klopp
Klopp một mực khẳng định ông không phải là một con nghiện mua sắm, ông ưa thích phát triển những tài năng triển vọng trở thành cầu thủ đẳng cấp thế giới. Những gì vị chiến lược gia người Đức này làm được tại Dortmund một phần chứng minh cho điều đó. Điển hình là trường hợp Robert Lewandowski.
Tuy nhiên, những hoạt động trên TTCN từ mùa giải 2012/13 đến nay cho thấy Klopp đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và chiêu mộ những tài năng triển vọng. Dẫu tổng chi tiêu khiêm tốn hơn nhiều so với Mourinho hay Guardiola song Klopp vẫn sẵn sàng chi mạnh tay cho những cầu thủ ông cảm thấy xứng đáng.
Marco Reus, Henrikh Mkhitaryan và Sadio Mane đều là những bản hợp đồng đắt giá thành công của Klopp. Mohamed Salah cũng bắt đầu cho thấy những triển vọng còn Alex Oxlade-Chamberlain thì cần thêm thời gian kiểm chứng. Và mùa tới, ông sẽ có bản hợp đồng đắt giá nhất sự nghiệp mang tên Naby Keita (48 triệu bảng).
Mauricio Pochettino
Pochettino luôn muốn phát triển cầu thủ cây nhà lá vườn hơn là chiêu mộ tân binh. Trong trường hợp cần kíp, ông vẫn hướng đến những cầu thủ trẻ tuổi có thể phát triển. Bằng chứng là 3 năm làm việc tại Tottenham, nhà cầm quân người Argentina này chỉ đem về 4 cầu thủ trên 25 tuổi là Federico Fazio, Toby Alderweireld, Moussa Sissoko và Fernando Llorente.
Đáng nói, trong số 4 cái tên nêu trên thì có tới 2 trường hợp thất bại. Fazio chỉ trụ lại Tottenham đúng 1 mùa giải còn 30 triệu bảng chi cho Newcaste để có Sissoko bị xem là sai lầm lớn. Ngoài ra, Pochettino ưa thích tận dụng những cầu thủ bản xứ và đa năng. Eric Dier và Dele Alli là những ví dụ điển hình.