Số phận của 5 “Messi Đông Nam Á” tại AFF Cup 2018: Kẻ tỏa sáng rực rỡ, người mòn kiếp dự bị

Bóng đá Đông Nam Á những năm gần đây đã không còn khoảng cách quá lớn về mặt trình độ. Mỗi quốc gia đều có những gương mặt trẻ nổi lên và được so sánh với những siêu sao hàng đầu thế giới như Lionel Messi. Tại AFF Cup 2018, nhiều cầu thủ như thế đã xuất hiện mang theo những sự hy vọng của các cổ động viên nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có lẽ không phải ai cũng có được niềm vui trọn vẹn.

Do không được đánh giá cao về mặt thể hình, nên nhiều quốc gia Đông Nam Á đến lúc này đã lựa chọn lối chơi kỹ thuật cùng một hệ thống chiến thuật khoa học. Nhờ vậy, những cầu thủ có tố chất kỹ thuật đã được trọng dụng. Nếu có khả năng vượt trội, họ sẽ được đưa lên hàng ngôi sao, chứa đựng nhiều khát vọng thay đổi số phận của cả một nền bóng đá.

Những cầu thủ ấy ở đẳng cấp khác biệt với phần còn lại của đội tuyển, lại sở hữu lối chơi thiên về kỹ thuật, đi bóng lắt léo, biến ảo nên được so sánh với Lionel Messi, một trong hai siêu sao lớn nhất của bóng đá thế giới hiện tại. Mặc dù vậy, theo nhiều cách khác nhau, số phận của những “Messi Đông Nam Á” đang có nhiều cảm xúc trái ngược.

Chanathip Songkrasin trong màu áo Consadole Sapporo. Ảnh: J-League.

Người nổi tiếng nhất có lẽ là “Messi Thái Lan” Chanathip Songkrasin. Ở tuổi 25, anh hiện tại là một đại diện tiêu biểu cho những gương mặt trẻ của bóng đá Thái Lan đương đại, đang thống trị khu vực Đông Nam Á và vươn ra tiệm cận với đẳng cấp châu lục. Với trình độ được đánh giá rất cao, anh hiện vẫn đang trui rèn ở J1 trong màu áo Consadole Sapporo và không được triệu tập tham dự AFF Cup 2018.

Chanathip được “để dành” cho ASIAD Cup sẽ diễn ra vào đầu năm sau. Tuy không được cùng các đồng đội chinh phục đấu trường khu vực, nhưng chắc hẳn anh vẫn đang cảm thấy rất vui vì thành tích của đội nhà đến thời điểm này, khi Thái Lan vẫn đang chứng tỏ mình là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch.

Nguyễn Công Phượng đang có màn thể hiện tốt tại AFF Cup 2018.

Chanathip Songkrasin có lẽ vẫn đang là cái tên xứng đáng nhất với danh xứng “Messi Đông Nam Á”. Những gương mặt còn lại đều ít nhiều không còn giữ được phong độ cao hoặc đang đại diện cho những nền bóng đá ở trình độ quá thấp. Ở Việt Nam, cái tên từng một thời được kì vọng tỏa sáng là Nguyễn Công Phượng. Ở tuổi 19, anh từng làm nức lòng các cổ động viên với những pha đi bóng lắt léo, đậm chất kỹ thuật, cùng những bàn thắng làm nổ tung các khán đài như trước đối thủ mạnh Australia. Thế nhưng, theo thời gian, với quá nhiều áp lực từ sự kỳ vọng sẽ thay đổi nền bóng đá Việt Nam, cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG này đã không còn giữ được đẳng cấp của mình.

Danh xưng “Messi Việt Nam” cũng đã dần dần mất đi. Tuy nhiên, điều ấy lại vô tình giúp Công Phượng thi đấu tốt hơn. Tại AFF Cup năm nay, người hâm mộ đã được chứng kiến một trong những Công Phượng hay nhất với hai bàn thắng gọn gàng. Bản thân anh cũng đã tỏa sáng trong mùa giải vừa qua trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai. Tố chất kỹ thuật vẫn còn, nhưng những pha xử lý đã trở nên bớt rườm rà hơn và chính xác hơn, đó chính là điều mà các cổ động viên muốn thấy ở cầu thủ gốc Nghệ An này.

Soukaphone Vongchiengkham (số 7 áo đỏ) không để lại nhiều dấu ấn tại AFF Cup 2018.

Kết thúc vòng bảng AFF Cup 2018, Công Phượng cùng các đồng đội đã dễ dàng đoạt ngôi đầu và sẵn sàng cho vòng bán kết. Tuy nhiên, có những người đồng nghiệp cũng sở hữu lối chơi kỹ thuật như anh lại không thể tận hưởng niềm vui đó. Soukaphone Vongchiengkham là một trong số những cái tên ấy. Năm nay 26 tuổi, “Messi Lào” đang thi đấu cho câu lạc bộ Sisaket của Thái Lan và được coi là gương mặt triển vọng nhất của bóng đá xứ sở triệu voi. Dù sở hữu chiều cao 1m55, nhưng lối chơi kỹ thuật của Vongchiengkham vẫn khiến nhiều người bị mê hoặc, và gây khó khăn cho những hậu vệ cao lớn của đối thủ. Mặc dù vậy, AFF Cup lần này với anh lại là một kỷ niệm buồn.

Việc rơi vào bảng đấu với các đối thủ quá mạnh là Việt Nam, Malaysia và Myanmar đã khiến Messi Lào không thể hiện được nhiều điều. Trong những trận đấu quan trọng như khi gặp Việt Nam, anh thậm chí còn không được vào sân. Kết quả là đội tuyển Lào nói lời chia tay giải đấu với bốn trận toàn thua. Bản thân Vongchiengkham còn bị dính vào scandal khi tuyên bố giã từ đội tuyển ngay sau trận gặp Việt Nam vì một vài phút suy nghĩ bồng bột nhưng rồi sau đó anh đã kịp rút lại quyết định của mình.

Chan Vathanaka để lại một số ấn tượng nhưng không thể giúp đội nhà vượt qua vòng bảng.

May mắn hơn “Messi Lào” một chút, nhưng cũng không thể nói là quá vui, đó là tình cảnh của “Messi Campuchia” Chan Vathanaka. Cái tên này có lẽ vẫn còn gây ấn tượng rất lớn với các cổ động viên Việt Nam với chiến tích ghi hattrick vào lưới SHB Đà Nẵng trong khuôn khổ Mekong Cup ngay tại Mỹ Đình. Tại AFF Cup cách đây hai năm, Chan Vathanaka bắt đầu nổi lên với hai bàn thắng vào lưới Malaysia. Tuy nhiên, mùa AFF Cup năm nay lại là một kỷ niệm buồn.

Ở trận đấu thứ hai trên đất Myanmar, anh đã ghi bàn mở tỉ số. Tuy nhiên, khi hiệp hai bắt đầu, anh bất ngờ bị huấn luyện viên Keisuke Honda rút ra khỏi sân. Kết quả là Campuchia bị thua ngược 1-4. Cảm thấy quá nhiều áp lực, Chan Vathanaka cũng nói bóng gió về việc chia tay đội tuyển ngay sau đó. Đến trận đấu vừa qua, gặp Việt Nam, anh cũng chỉ được ông Felix Dalmas tung vào sân ở những phút cuối cùng, và không thể hiện được nhiều.

Faiq Bolkiah không thể giúp Brunei vượt qua vòng sơ loại.

Tuy nhiên, trớ trêu nhất có lẽ là trường hợp của “Messi Brunei” Faiq Bolkiah. Mặc dù mới bước sang tuổi 20, nhưng chàng trai trẻ này được xem là cầu thủ sở hữu khối tài sản lớn nhất trong giới bóng đá, bởi xuất thân Hoàng gia của mình. Bản thân anh cũng sở hữu lý lịch rất hoành tráng, với việc sinh ra ở Mỹ và từng có một quãng thời gian được đào tạo tại Leicester City. Thế nhưng, anh lại không thể hiện được quá nhiều điều khi trở về khoác áo đội tuyển quốc gia. Việc lựa chọn thi đấu cho một đội tuyển yếu nhất tại khu vực Đông Nam Á đã khiến trình độ của anh trở nên ngày càng đi xuống. Faiq Bolkiah cùng các đồng đội đã để thua trong trận đấu thuộc vòng sơ loại với Timor Leste, qua đó không thể tiến tới vòng chung kết AFF Cup năm nay và phải ngồi ở nhà theo dõi các đội bóng khác tranh tài qua màn ảnh nhỏ.

Sau tất cả, có thể thấy việc một đội tuyển quốc gia muốn phát triển thì cần phải đầu tư rất nhiều, chứ không phải chỉ xoay quanh sự kỳ vọng vào một vài cá nhân có trình độ nổi trội hơn phần còn lại. Những cái danh hão về “Messi Đông Nam Á” cũng vô tình tạo nên nhiều áp lực cho các cầu thủ trẻ, cùng một tâm lý bất ổn, để rồi trình độ của họ mãi không thể tiến lên một nấc thang mới, và cả tập thể mà họ đang thi đấu cũng vậy. Hy vọng rằng, sau giải đấu lần này, các nền bóng đá khu vực Đông Nam Á sẽ có những cách làm khác với hiện tại, để tìm ra nhiều nhân tài hơn, giảm bớt áp lực kỳ vọng cho một ngôi sao hàng đầu. Dần dần, nhiều “Messi Đông Nam Á” sẽ xuất hiện và không còn trải qua cảm xúc đắng cay như lúc này.

"Trên đây là thông tin tham khảo dựa trên những thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm cung cấp cho người đọc hoặc người nghe kiến thức về một chủ đề cụ thể. Thông tin này có thể được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, học tập, giải trí hoặc công việc."

Bài liên quan