Bóng đá Thái Lan đang và sắp diễn ra rất nhiều thay đổi lớn, chủ yếu vì thất bại của U23 nước này, và thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á.
Cụ thể, HLV U23 Thái Lan Jankovic đã nghỉ việc ít ngày trước trong khi đó, FAT còn tuyên bố thời gian tới sẽ thay hết các HLV các tuyển trẻ từ thầy ngoại sang thầy nội.
Cần phải nói luôn rằng, nước đi này của FAT chưa chắc đã mang lại điều lợi, vì thực tế cũng chỉ cách đây chưa lâu, chính LĐBĐ Thái Lan đã thay hàng loạt HLV nội ở các cấp độ trẻ sang sử dụng HLV ngoại, ở thời điểm mà Kiatisak phải rời ĐTQG xứ Chùa vàng.
Bóng đá Thái Lan đã đổi đi, rồi lại nhanh chóng đổi lại khi không có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Điều duy nhất đáng khen họ ở nước đi mới này, có lẽ là phản ứng nhanh sau khi xảy ra kết quả tồi tệ.
Lý do khiến bóng đá Thái Lan thay đổi mạnh mẽ như vậy chẳng đơn thuần đến từ việc U23 nước này thua thảm và bị loại sớm khỏi vòng bảng U23 châu Á, mà còn ở nỗi lo ngại các đối thủ trong khu vực có thể vùng lên, lấy mấy vị thế số 1 ĐNÁ.
Nỗi lo của Thái Lan là không xa chút nào, khi cả U23 Việt Nam lẫn U23 Malaysia đều chơi quá tốt ở VCK U23 châu Á. Lứa cầu thủ trẻ tài năng của 2 nước này rồi sẽ sớm lên làm trụ cột ở ĐTQG và khi đó, sẽ có nhiều năm cạnh tranh gay gắt cùng Thái Lan.
Song đến đây lại đặt ra một câu hỏi, khi người Thái Lan bắt đầu sợ Việt Nam, thì chúng ta phải sợ ai? Và khi người Thái phản ứng nhanh, mạnh tới vậy sau thất bại, Việt Nam có phải làm gì khi thành công không?
Câu trả lời thứ nhất, chúng ta vẫn sẽ phải sợ… Thái Lan thôi, thậm chí là sợ hơn trước cách mà họ thất bại. Hãy nhìn mà xem, bao năm qua Việt Nam thua người Thái, nhưng đã bao giờ sau thất bại, chúng ta thực hiện được điều gì đó cải cách mang tính mạnh mẽ, triệt để được như họ? Riêng ở điểm đó, chúng ta vẫn đang thua Thái Lan.
Câu trả lời thứ hai, Việt Nam có lẽ còn phải làm nhiều hơn Thái Lan khi thành công, bởi so với người Thái, bao năm qua Việt Nam đã làm quá ít. Và đây là lúc nhân cú hích từ sự thành công của U23 Việt Nam, chúng ta cần biến những “kế hoạch” bao năm qua thành hiện thực.
Hãy nhìn vào điều tưởng chừng đã là “chân lý” của bóng đá Việt Nam bao năm qua, rằng chúng ta yếu hơn nhiều đối thủ, thể lực kém hơn… đã bị HLV Park Hang-seo đạp đổ như thế nào? Ngay lập tức, phải làm sao để nâng cao thể lực cầu thủ Việt Nam, đảm bảo cho các cầu thủ chế độ dinh dưỡng tốt để có thể lực tốt là bài toán cần được giải quyết gấp.
Sửa đổi chế độ tập luyện, thi đấu cho các cấp độ trẻ cũng là điều VFF cần hướng tới. Những lớp cầu thủ trẻ Việt Nam đang có quá ít môi trường để thi đấu cọ xát, và cánh cửa lên chuyên nghiệp của họ đã cần những sự ưu ái hơn, như cách mà VPF đề xuất VFF rằng từ V-League 2018, mỗi CLB cần có từ 1 – 2 cầu thủ U23 trong đội hình xuất phát.
Cơ sở vật chất cũng là điều tối quan trọng trong phát triển bóng đá. Thật đáng buồn là nhà vô địch V-League Quảng Nam lại không đủ tiêu chuẩn thi đấu cúp vô địch châu Á vì vấn đề cơ sở vật chất. Đội lớn đã vậy, đội trẻ nhiều CLB tại V-League hẳn phải thiếu thốn tới mức nào?
Đầu tư phát triển bóng đá trẻ không phải câu chuyện nói cho vui, mà là sự đầu tư, trăn trở và bắt tay thực hiện ngay – liên tục trong nhiều năm trời.
Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều, nhiều những trung tâm đào tạo trẻ nữa như HAGL, Hà Nội FC, Viettel, VPF… và chỉ có thế, chúng ta mới hy vọng đến những ngày tháng thực sự không cần phải sợ Thái Lan, dám ngẩng đầu ra sân chơi châu lục, thế giới. Còn hiện tại, chiến tích của U23 Việt Nam vẫn chỉ là nhất thời!