Hai chân sút hàng đầu của đội tuyển Việt Nam là Lê Công Vinh, Lê Huỳnh Đức lần lượt ghi 15 và 14 bàn thắng tại các kỳ AFF Cup trong lịch sử.
Kurniawan Dwi Yulianto (Indonesia, 13 bàn). Kurniawan được biết đến với biệt danh “Kurus” (gầy gò), là cầu thủ ghi bàn xuất sắc tại AFF Cup trong giai đoạn 1996-2004 với tổng cộng 13 bàn thắng. Anh cùng các đồng đội lọt vào đến chung kết AFF Cup năm 2002 và 2004, bán kết năm 1996 và 1998. Tuy nhiên, những đóng góp tích cực của Kurniawan cũng không đủ để Indonesia được một lần chạm tay vào cúp vàng Đông Nam Á. Chân sút này từng có thời gian chơi cho đội trẻ UC Sampdoria của Italy, rồi sau đó khoác áo Luzern ở Thụy Sĩ vào những năm 1990.
Lê Huỳnh Đức (Việt Nam, 14 bàn). Huyền thoại sinh năm 1972 là cây săn bàn thứ hai của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup chỉ sau đàn em Lê Công Vinh. Những bàn thắng này được Huỳnh Đức ghi từ năm 1996 đến năm 2002 khi giải đấu còn mang tên Tiger Cup. Dù tham dự nhưng không ghi bàn trong năm 2004, Huỳnh Đức vẫn trở thành cầu thủ duy nhất chơi trong 5 giải Tiger Cup.
Năm 2001, Huỳnh Đức viết tên mình vào lịch sử khi trở thành cầu thủ bóng đá Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở nước ngoài bằng bản hợp đồng với CLB Trùng Khánh, Trung Quốc. Sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, anh trở thành HLV CLB Đà Nẵng, đăng quang V-League năm 2009, 2012 và vô địch cúp Quốc gia năm 2013.
Lê Công Vinh (Việt Nam, 15 bàn). Được coi là một trong những cầu thủ thành công nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà, Công Vinh không chỉ ghi bàn tốt hơn, mà còn thực hiện được điều mà đàn anh Huỳnh Đức chưa bao giờ làm được: vô địch AFF Cup vào năm 2008. Đến nay, đây vẫn là chức vô địch duy nhất của đội tuyển Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á.
Công Vinh có bàn thắng đầu tiên của mình ở AFF Cup vào năm 2004 trong trận hòa 1-1 trước Singapore. Nhưng pha lập công đáng nhớ nhất của danh thủ xứ Nghệ cho màu cờ sắc áo phải kể đến cú đánh đầu chính xác vào những phút cuối trong trận chung kết lượt về với đội tuyển Thái Lan năm 2008. Bên cạnh đó, Công Vinh còn liên tục nổ súng cho ĐTQG ở những giải đấu khác như Asian Cup hay vòng loại World Cup. Anh có tổng cộng 51 bàn thắng trong sự nghiệp thi đấu quốc tế, đạt tỷ lệ đáng nể 0,61 bàn mỗi trận.
Worrawoot Srimiaka (Thái Lan, 15 bàn). Là một trong hai cầu thủ Thái Lan lọt vào danh sách này, Worrawoot đã cùng “Voi chiến” vô địch Tiger Cup tới 3 lần vào các năm 2006, 2000 và 2002. Anh là vua phá lưới ở giải đấu năm 2000 với 5 pha lập công, trong đó có tới 3 bàn thắng tại chiến thắng 4-1 trước Indonesia ở chung kết. Ở màu áo CLB, Worrawoot cũng có sự nghiệp lẫy lừng khi cùng CLB Thai Farmers vô địch AFC Champions League vào các năm 1994 và 1995. Tuy nhiên, trong vai trò HLV trưởng đội tuyển U23 Thái Lan, Worrawoot đã phải nhận thất bại xấu hổ tại ASIAD 2018 và bị Liên đoàn bóng đá nước này sa thải.
Teerasil Dangda (Thái Lan, 15 bàn). Dangda là cầu thủ duy nhất trong danh sách này còn đang thi đấu bóng đá đỉnh cao và cống hiến cho đội tuyển. Anh cùng “Voi chiến” vô địch năm 2016 trước khi hai lần về nhì vào các năm 2008 và 2012. Không còn gì phải nghi ngờ về mức độ xuất sắc của Dangda khi anh trở thành vua phá lưới AFF Cup 3 giải liên tiếp từ năm 2012 đến năm 2016. Hiện tại, anh là một trong 3 ngôi sao người Thái đang chơi tại J.League, Nhật Bản và khoác áo CLB Sanfrecce Hiroshima. Tuy nhiên, Dangda lại không tham dự AFF Cup năm nay, vì nhiều khả năng HLV Milovan Rajevac muốn “để dành” anh cho Asian Cup 2019.
Noh Alam Shah (Singapore, 17 bàn): Năm 2007, huyền thoại của “Lions” ghi tên vào sách kỷ lục bằng 7 bàn thắng vào lưới Lào trong trận thắng 11-0 và ghi tổng cộng 10 bàn cả giải. Điều thú vị là tại giải đấu này không có đội tuyển nào vượt qua được thành tích ghi bàn của cá nhân Shah. 2007 thực sự là năm huy hoàng của Singapore khi “Lions” vô địch AFF Cup, còn Shah là cầu thủ hay nhất đồng thời là vua phá lưới giải đấu. Tuy nhiên, trong quá khứ, tiền đạo này không ít lần gặp rắc rối cả trên lẫn ngoài sân cỏ khi từng bị thi cấm thi đấu một năm do đánh bất tỉnh đối thủ trong trận chung kết Singapore Cup năm 2007. Tại AFF Cup năm nay, Shah xuất hiện với tư cách là cố vấn cho HLV trưởng Fandi Ahmad của “Lions”.
Lịch thi đấu vòng bảng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018. Đồ họa: Minh Phúc.