23/10/11 là một trong những ngày đen tối nhất sự nghiệp Sir Alex. Ngay tại Old Trafford, Man Utd phơi áo 1-6 trước gã hàng xóm Man City. Ngày hôm ấy đã mở ra thời đại mới cho Man City trong các trận derby Manchester. Nhưng đó không phải phần thú vị nhất.
Hôm ấy, Mario Balotelli đi vào lịch sử với màn ăn mừng độc nhất vô nhị. Anh ghi bàn, ngoảnh mắt về hướng xa khắp góc khán đài và véo áo để lộ dòng chữ: Why always me – nghĩa là “Vì sao luôn là tôi”.
Balotelli là một chàng trai sớm đạt được danh vọng nghề nghiệp từ khi còn rất trẻ. Nhưng trong nhiều năm liền, anh luôn đi tìm lời giải cho câu hỏi “Giải mã chính mình”. Balotelli và câu chuyện về một cậu nhóc không được thừa nhận về mặt pháp lý tới tận năm 2008 sẽ phần nào mở ra những góc nhìn mới về tiền đạo “lắm tài nhiều tật này”.
Sinh ra ở ngoại ô Palermo trong một gia đình di cư từ Ghana sang, Balotelli không được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Tiền lương công nhân mỏ kim của ông Thomas không nuôi nổi gia đình. Bà Rose kể rằng, Balotelli tưởng như đã không qua khỏi vào đúng dịp sinh nhật thứ 2 vì vấn đề liên quan tới đường ruột. Một năm sau, Balotelli được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng tên Francesco và Silvio ở Brescia. Hành trình đi tìm một “định danh” của cậu bé da màu bắt đầu từ đây.
Sống giữa khu phố da trắng trong một gia đình trung lưu, Balotelli thường xuyên đối mặt với những hành vi phân biệt đối xử. “Bọn trẻ trong khu coi cháu như người ngoài hành tinh. Ít người thừa nhận quốc tịch Italia của Balotelli”, bà Silvio kể lại. Sau này, nguyên chủ tịch Carlo Tavecchio của LĐBĐ Italia đã bị cấm tham gia hoạt động bóng đá nửa năm cũng vì hành vi phân biệt Balotelli. Từ nhỏ, Balotelli đã bộc lộ khuynh hướng sống nội tâm. Trong cuốn sách Io Vi Maledico “Tôi nguyền rủa bạn”, nhà báo Concita De Gregorio đã phỏng vấn Tiziana Gatti, một trong những giáo viên cũ của Balotelli. Cô Gatti tiết lộ, Balotelli đã sớm có những biểu hiện của đa nhân cách khi học lớp 3.
Có những câu chuyện được truyền tai từ thế hệ này tới thế hệ khác về một cậu bé da màu và nhút nhát ở Brescia. Người ta đồn rằng cứ đến giờ kiểm tra, Balotelli bị cô lập bởi không ai muốn “trao đổi bài” với kẻ lạc loài. Lại có những tin đồn rằng Balotelli hay rửa tay bằng nước nóng với ý nghĩ, nước nóng sẽ giúp tẩy da và làm trắng da. Balotelli đã luôn ám ảnh với màu da và những ý niệm sắc tộc như thế. Cho đến năm 2008, Balotelli quyết định phải tìm cách gì đó để “hợp thức hóa” sự hiện diện của mình. Anh xin quốc tịch Italia và liên tục ra sức chối bố xuất phát điểm là công dân châu Phi của mình.
“Mario là đứa trẻ lạc lối trong hình ảnh đàn ông trưởng thành. Đôi lúc, cậu ấy làm bạn phì cười và thi thoảng, tất cả chỉ muốn giết chết Mario. Đó luôn là một con người dù tài năng nhưng đầy phức tạp, luôn đấu tranh với nội tại bản thân”, hậu vệ kỳ cựu Zabaleta nhận xét như vậy về Balotelli khi hai người còn là đồng đội ở Man City. “Balotelli không thể kiểm soát hành động. Cậu ấy luôn muốn chứng tỏ với thế giới rằng có một gã tên Mario đang đá bóng rất hay. Và cậu ấy làm những trò lố bịch. Tất nhiên, tôi không nói Balotelli không có tài. Chỉ là cậu ấy quá lập dị thôi”, nhận xét của Mourinho về học trò tại Inter Milan.
Les Chapman, người quản lý áo đấu của Man City kể về thế giới của riêng Balotelli. Thời còn chơi bóng ở Anh, Balotelli sống ở One Deansgate – trung tâm mua sắm của Manchester. Đối diện căn hộ là nhà hàng San Carlo, mất không tới 1 phút đi bộ, cách khoảng 30 yard. Nhưng Balotelli luôn phải đánh xe hơi ra khỏi gara, phóng qua bên đường và đỗ vào hai vạch kẻ vàng (báo hiệu đường bộ cấm dừng đỗ xe ở Anh). Khi dọn tủ đồ của Balotelli, Chapman tìm thấy hơn 30 vé phạt nguội.
“Cậu ta tự vẽ ra một thế giới cho mình và sống cùng nó, thỏa mãn cùng nó”, Mark Lawrenson, cựu trung vệ của Liverpool nói về Balotelli. Đó có lẽ là lý do vì sao Balotelli không thể cảm nhận những tác động ngoại cảnh, và mãi mãi không bao giờ giải đáp câu hỏi “Tại sao luôn luôn là tôi”.