Không lâu sau khi tuyên bố từ chức đội tuyển Việt Nam, HLV Hữu Thắng đã tiến cử 4 cái tên nội thay thế mình. Tuy nhiên lịch sử cho thấy các ông thầy trong nước đều phải ra đi trong thất bại.
Cú sốc U.22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29 khiến HLV Hữu Thắng nói lời chia tay đội tuyển Việt Nam như một lẽ tất yếu.
Cần phải có người đứng ra nhận trách nhiệm về thất bại đáng quên ở giải đấu mà suốt hành trình người ta vẫn nói về chức vô địch.
Ngay sau khi từ chức, HLV Hữu Thắng đã gửi lên VFF đề xuất về 4 HLV nội có thể khả năng thay thế vị trí của mình ở đội tuyển Việt Nam gồm HLV Hoàng Anh Tuấn, trợ lý Lư Đình Tuấn, HLV Lê Huỳnh Đức và HLV Lê Thụy Hải.
Sau khi HLV tạm quyền Mai Đức Chung hoàn thành nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vượt qua Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019, đây là lúc VFF khởi động công cuộc tìm một HLV chính thức để nắm đội.
Việc Hữu Thắng từng được ca ngợi, đánh giá cao, kỳ vòng rất nhiều nhưng lại ngã sấp mặt khiến cho việc cầm lái đội tuyển Việt Nam trở thành thách thức rất lớn với các HLV trong nước.
Đây là điều rõ như ban ngày. Cắt duyên với Hữu Thắng, VFF hẳn có lý đề dè dặt khi trao đội tuyển cho một trong 4 gương mặt kể trên.
Thống kê cho thấy trong một thập kỷ qua, đội tuyển Việt Nam đã 6 lần thay tướng gồm 3 thầy nội và 3 HLV nước ngoài. Đặt lên bàn so sánh dễ nhận thấy các HLV nội luôn phải đón nhận những kết cục buồn hơn các đồng nghiệp ngoại quốc.
Trước HLV Hữu Thắng, HLV Phan Thanh Hùng từng phải ra đi sau khi không thể giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng bảng AFF Cup 2012 trên đất Thái Lan, trong khi đó Hoàng Văn Phúc cũng phải rời ghế sau khi cùng U.23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 27.
Đây lần đầu tiên sau 12 năm bóng đá Việt bị hất văng khỏi vòng bảng Đại hội thể thao Đông Nam Á.
So với hai người tiền nhiệm nội, HLV Hữu Thắng có khá hơn nhưng dấu ấn và thành tích vẫn không vượt được thầy ngoại gần nhất Toshiya Miura.
Tính đến thời điểm này, ông thầy người Bồ Đào Nha, Calisto là HLV ngoại thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam khi đưa bóng đá nước nhà đoạt chức vô địch AFF Cup 2008 và U.23 Việt Nam giành HCB SEA Games 29 trước khi phải ra đi sau cú ngã tại bán kết AFF Cup 2010.
Quay trở lại với câu chuyện tìm HLV mới cho đội tuyển Việt Nam, Hữu Thắng có lý do riêng để tiến cử các đồng nghiệp trong nước đã và đang làm việc tại V.League.
Nhưng rõ ràng khi nhìn vào những gì các thầy nội làm được, đặc biệt là chính Hữu Thắng thì sự nghi ngại càng tăng cao.
Câu chuyện chọn HLV nào thực tế chỉ là phần ngọn, bề nổi của vấn đề bóng đá Việt. Và khi những tồn tại của nền bóng đá chưa được giải quyết thì thật khó mơ mộng thành tích cao trong kế hoạch dài hơi cách bóng đá Thái Lan đang trải qua.