Dấu ấn Park Hang-seo đã được thể hiện đậm nét trong thắng lợi “4 sao” của U23 Việt Nam trước đối thủ Myanmar. Từ chiến thuật, đội hình tới con người, tất cả đều hoàn toàn mới mẻ.
Khi tuyển Việt Nam bị Afghanistan cầm hòa trên sân Mỹ Đình hôm 14/11, HLV Park Hang-seo đã nhận rất nhiều chỉ trích. Bào chữa cho kết quả thất vọng ấy, ông Park nói: “Mọi HLV đều cần thời gian để định hình công việc của mình. Trong thời gian tới, quý vị sẽ được thấy những hình ảnh hoàn toàn khác”.
Trên sân Thunder Castle tối nay (9/12), hình ảnh mới ấy đã phần nào xuất hiện.
Kích nổ Quang Hải, Công Phượng bằng hệ thống 3-4-3
Sáng tạo đầu tiên của HLV Park Hang-seo là hệ thống chiến thuật 3-4-3. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, một đội tuyển Việt Nam xuất phát với chiến thuật này thay vì sơ đồ 4-4-2 hay 4-1-4-1 quen thuộc. Sự cách tân ấy đã làm thay đổi hoàn toàn hệ thống vận hành của U23 Việt Nam và cách chơi của các tuyển thủ.
Điểm mạnh dễ thấy của hệ thống 3-4-3 nằm ở hàng công. Sơ đồ 3 tiền đạo cho phép HLV Park Hang-seo sử dụng cả 3 chân sút tốt nhất của mình là Công Phượng – Quang Hải – Văn Toàn. 3 cầu thủ này chơi cao nhất nhưng đá không cố định. Họ liên tục đảo vị trí cho nhau, vai trò hộ công – đá cắm – lệch cánh trở nên không rõ ràng.
Sự sắp xếp ấy đã khiến hàng thủ U23 Myanmar bối rối đồng thời mở ra những cơ hội rõ ràng cho 2 cầu thủ sáng tạo là Công Phượng và Quang Hải. Bằng chứng là 2 pha lập công tuyệt đẹp của Quang Hải đều tới sau những đường kiến tạo của Công Phượng.
Điểm hạn chế duy nhất của hàng công 3 người ấy nằm ở vị trí của Văn Toàn. Khi buộc phải bỏ biên, bó vào trung lộ và đảo cánh liên tục, Văn Toàn lập tức đánh mất tốc độ và những đột phá thần tốc. Anh nhiều lần để mất bóng và là điểm yếu lớn nhất trên hàng công áo đỏ trận này.
Giấc mơ Bonucci chưa thành hiện thực
Trong khi hàng công cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, hàng phòng ngự chưa thể khiến HLV Park Hang-seo hài lòng.
Hệ thống 3 trung vệ với Duy Mạnh ở trung tâm đã bộc lộ quá nhiều hạn chế. Cùng với Đình Trọng ở biên phải và Văn Hậu ở cánh trái, 3 cầu thủ này đều to cao, tranh chấp tốt nhưng thiếu tốc độ. Sự thiếu ăn ý được thể hiện rõ khi lần đầu tiên họ thi đấu cạnh nhau trong một hệ thống mới. Rất nhiều lần trong trận, Đình Trọng và Văn Hậu đã bị đánh bại ở các pha tranh chấp tay đôi. Mỗi lần như thế, khung thành của Bùi Tiến Dũng đều chao đảo. Bàn thắng lẽ ra phải đến ở phút 38 nếu tiền đạo Myanmar không việt vị đầy ngờ ngệch.
Trong hệ thống mới của ông Park, Duy Mạnh được kỳ vọng rất nhiều. Đặt tiền vệ Duy Mạnh về vị trí trung vệ nghĩa là ông Park đang mơ về một “Leonardo Bonucci Việt Nam”. Mạnh phải vừa là cầu thủ phòng ngự cuối cùng, vừa là cầu thủ phát động tấn công đầu tiên. Anh phải phòng ngự tốt, phải chuyền dài hay, anh cần bình tĩnh hơn tất cả, thông minh hơn tất cả. Quá nhiều đòi hỏi.
Giấc mơ ấy đương nhiên không trở thành hiện thực. Suốt 90 phút, Duy Mạnh gần như không có đường phát động nào. Nhìn Duy Mạnh thi đấu, ông Park hẳn phải nhớ Bùi Tiến Dũng rất nhiều.
Hệ thống 3-4-3 còn cho thấy sự hạn chế ở vị trí của 2 cầu thủ chạy cánh A Hoàng và Văn Thanh. Họ lẽ ra phải lùi xuống để tuyển Việt Nam chuyển thành sơ đồ 5-2-3 trong các tình huống phòng ngự. Nhưng phần vì thể lực không đảm bảo, phần vì chưa quen chiến thuật, họ đều không hoàn thành nhiệm vụ.
Đại thắng trước Myanmar là màn ra mắt không thể tuyệt vời hơn của HLV Park Hang-seo với U23 Việt Nam. Những sự cách tân dũng cảm của ông cũng xứng đáng được ghi nhận. Nhưng để có những đánh giá hoàn thiện hơn về hệ thống 3-4-3 đầy mới lạ, U23 Việt Nam sẽ cần những đối thủ mạnh hơn.
U23 Uzebekistan ở trận tới hay Nhật Bản, Hàn Quốc tại vòng sau sẽ là thước đo thật sự cho sự sáng tạo của ông Park Hang-seo.