Vào thời buổi bóng đá quay cuồng trong cơn lốc tiền bạc như hiện nay, những cầu thủ chỉ biết gắn bó và cống hiến hết mình cho một CLB luôn được xem là của hiếm.
10. Giuseppe Bergomi – Inter Milan 1979-1999.
Trưởng thành từ lò đào tạo Inter Milan, Bergomi có lần ra mắt đầu tiên cho CLB trong trận đấu thuộc khuôn khổ Coppa Italia mùa 1979/1980. Và cũng từ đó, ông dành hết cả sự nghiệp của mình để cống hiến cho Inter. Bergomi khoác áo Inter 756 lần trước khi giải nghệ. Ông giành được 1 Scudetto (1988/89), 1 Coppa Italia (1981/82) và 3 danh hiệu UEFA Cup (1990/91, 1993/94, 1997/98).
9. Franco Baresi – Milan 1977-1997.
Một trong những huyền thoại của bóng đá Italia và AC Milan. Baresi được xem là hậu vệ quét trứ danh. Ông lên ngôi vô địch thế giới cùng Italia năm 1982. Cùng AC Milan, ông giành được 3 danh hiệu European Cup/Champions League (1988/89, 1989/90, 1993/94) và vô số chiếc cúp ở trong nước. Đáng chú ý, trong 196 lần đá cặp trung vệ cùng đàn em Paolo Maldini, cả hai chỉ để lọt lưới 23 bàn.
8. Jack Charlton – Leeds 1952-1973.
Ông chính là anh trai của huyền thoại Man United Sir Bobby Charlton. Cùng với người em mình, Jack đã lên ngôi vô địch World Cup 1966. Ở cấp độ CLB, trong khi Bobby có những năm tháng cuối sự nghiệp không thi đấu cho Man United thì Jack đã cống hiến trọn vẹn cho Leeds United.
7. Alessandro Costacurta – AC Milan 1986-2007.
Thêm một trung vệ của AC Milan trong danh sách này. Ông đã có sự nghiệp lừng lẫy và vô số danh hiệu cùng AC Rossoneri trước khi giải nghệ ở tuổi 41.
6. Lev Yashin – Dinamo Moscow 1949-1971.
Ông là thủ môn duy nhất đến thời điểm hiện tại được trao danh hiệu Quả bóng vàng. Lev Yashin luôn được xem là thủ môn xuất sắc nhất của lịch sử bóng đá thế giới. Biệt danh của ông là “Nhện đen”. Ông giúp Liên Xô lên ngôi Euro 1960. Ở cấp CLB, Yashin gắn bó trọn sự nghiệp của mình với Dinamo Moscow.
5. Fritz Walter – Kaiserslautern 1937-1959.
Cầu thủ người Đức duy nhất trong danh sách này. Walter là huyền thoại của Kaiserslautern. Ông ghi 357 bàn trong 364 trận đấu cho CLB và giúp Kaiserslautern giành 2 chức vô địch quốc gia (1950/51, 1952/53). Ở cấp độ đội tuyển, Walter cũng có riêng cho mình chức vô địch World Cup cùng Tây Đức năm 1954.
4. Rogerio Ceni – Sao Paolo 1993-2015.
Ceni luôn được biết đến là thủ môn có khả năng ghi bàn từ những tình huống cố định. Ông đã có hơn 100 bàn trong sự nghiệp của mình. Trưởng thành từ CLB Sinop trước khi chuyển đến Sao Paolo, ông có 23 năm thi đấu cho gã khổng lồ của Brazil. Ceni có hơn 1200 lần ra sân cho Sao Paolo. Một con số không tưởng.
3. Ryan Giggs – Man United 1990-2014.
Xếp thứ 3 là huyền thoại Ryan Giggs của Quỷ đỏ thành Manchester. Với sự trung thành của mình cùng Man United, Giggs đã lập nên vô số kỉ lục. Giggs cũng có thành tích đáng tự hào khi ghi bàn 23 trong 24 mùa giải vô địch quốc gia cho Man United. Mùa giải duy nhất anh không thể ghi bàn cũng là mùa giải cuối cùng anh thi đấu cho Quỷ đỏ.
2. Francesco Totti – AS Roma 1992-2017.
Hoàng tử thành Rome đã chính thức treo giày cuối mùa giải trước. Totti hoàn toàn có thể tự hào với những gì mình làm được, 25 năm cống hiến cho Roma. Không có nhiều danh hiệu cùng CLB nhưng CĐV đội bóng Áo bã trầu sẽ mãi nhớ đến người đội trưởng huyền thoại. Totti có 250 bàn thắng cho Roma tại Serie A trong suốt sự nghiệp.
1. Paolo Maldini – AC Milan 1984-2009.
Cầu thủ Italia thứ 5 trong danh sách này và cũng là hậu vệ xuất sắc nhất mà đất nước “hình chiếc ủng” cũng như AC Milan sản sinh ra. Với người cha cũng là một huyền thoại AC Milan, kể từ khi chưa ra đời, Maldini đã được mặc định sẽ là một Rossoneri trong tương lai. Không phụ lòng cha mình, Paolo Maldini đã đi trên con đường được định sẵn. Với 25 năm gắn bó cùng AC Milan, không ai có thể phủ nhận, Maldini còn làm xuất sắc hơn cả cha ông. Nhắc đến Maldini là nhắc đến một trung vệ xuất sắc, một người đội trưởng tài ba và một tấm gương cho lòng trung thành trong bóng đá thế giới.