U23 Việt Nam đã vượt qua cả U23 Iraq và U23 Qatar trên chấm luân lưu 11 mét. Vậy đâu là bí quyết để các học trò HLV Park Hang-seo thực hiện những quả đá 11m lỳ lợm hiệu quả đến vậy?
Sút penalty trong trận và đặc biệt là loạt đá luân lưu 11 mét được coi như đòn cân não kiểm tra tâm lý và cả thể lực sau khi hai đội trải qua 120 phút vắt kiệt sức.
Điều ngạc nhiên là các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chứng tỏ điều này rất tốt trong cả hai trận gặp Iraq lẫn Qatar ở tứ kết và bán kết.
U23 Việt Nam thực hiện thành công 9/10 quả penalty, đạt tỷ lệ thành công 90%, thành tích hơn cả mong đợi của các cầu thủ trẻ tham dự đấu trường cấp châu lục và trước các đối thủ lớn.
Sự lỳ lợm này từng được ghi nhận ở cấp độ ĐTQG tầm thế giới và nó được ví như “đặc sản” của đội tuyển Đức. Thống kê cho thấy, kể từ năm 1976 đến nay, ĐT Đức đã giành chiến thắng 6/7 loạt đá luân lưu ở các giải đấu lớn như World Cup, EURO.
Cụ thể, các cầu thủ Đức thực hiện thành công 32 trong tổng số 37 cú sút luân lưu 11 mét, đạt tỷ lệ 86%.
Mặc dù đem so sánh với U23 Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo nhưng cũng đủ thấy rằng các học trò của Park Hang-seo đã làm cực tốt nhiệm vụ của mình trong loạt “đấu súng”.
Nhưng câu hỏi là tại sao U23 Việt Nam lại sút luân lưu tốt như vậy? Liệu có bí quyết nào đằng sau thành công này?
Tất nhiên, tâm lý vững, kỹ thuật và nền tảng thể lực tốt sẽ đảm bảo cho cầu thủ đạt tỷ lệ sút 11m thành công cao hơn. Nhưng cũng phải lưu ý đến những nghiên cứu thống kê, tính toán về “bài đá 11m” bởi đó là kinh nghiệm quý báu cho bất kỳ cầu thủ nào.
Theo một nghiên cứu từ tờ Daily Telegraph, ở các giải đấu lớn tính từ World Cup 1998 đến EURO 2012, có tới 40,3% số bàn thắng từ các quả luân lưu đến khi cầu thủ sút vào bên trái, tức bên tay phải của thủ môn.
Ngoài ra, 18,7% số bàn thắng được ghi vào góc dưới bên trái của cầu thủ thực hiện – nhiều hơn bất kỳ vị trí nào. Thật thú vị khi đây cũng là khu vực mà U23 Việt Nam thường xuyên thực hiện thành công tại giải U23 châu Á năm nay.
Thống kê cho thấy, 6 trên 10 cú sút luân lưu của U23 Việt Nam đưa bóng vào bên trái khung thành (bên phải thủ môn) và 5 trong số này đã thành bàn (chỉ có Quang Hải sút hỏng).
Ở đây cần giải thích thêm tại sao hướng bên trái thường được các cầu thủ nhắm bắn 11m. Bởi đa phần cầu thủ thuận chân phải, nên sút bóng về phía góc này sẽ sử dùng lòng trong bàn chân, hoặc phần mu phía trong bàn chân và điều này giúp kiểm soát quỹ đạo đi của trái bóng tốt hơn là sút mu chính diện, sút má ngoài, sục bóng.
Tất nhiên, người sút tốt là chưa đủ, thành công ở loạt đấu súng luân lưu 11m dựa phần nhiều đến khả năng cản phá của các thủ và dễ hiểu khi cái tên TM Bùi Tiến Dũng, người khuất phục 3 trong 10 cú sút ở tứ kết và bán kết, đã trở thành “hiện tượng trên mạng xã hội ở Việt Nam” những ngày qua.
Đối với một cầu thủ bóng đá đẳng cấp thế giới, ghi bàn thắng từ một khoảng cách ngắn chỉ 11m là dễ dàng. Chỉ cần nhắm tới phía trên góc bên phải hoặc bên trái của khung thành và sút căng.
Nghiên cứu của tờ Deutsche Welle (Đức) cho thấy, chỉ cần chưa đầy nửa giây, hoặc chính xác 0,4 giây, đểquả bóng đi tới khung thành. Vì vậy, thủ môn chỉ có 0,2 giây để xem bóng bay đến đâu và 0,2 giây để phản ứng.
Bóng đi nhanh đến nỗi không ai thực sự trông đợi thủ môn nhìn thấy trái bóng và đổ người cản phá, bởi không chỉ là tốc độ khủng khiếp mà còn vì thủ môn chỉ “cai quản” được khoảng 1/4 diện tích khung thành.
Nói thể để thấy rằng, thành tích cản phá 3 quả luân lưu 11m của thủ môn Bùi Tiến Dũng là thực sự phi thường và vì sao trên thế giới người ta vẫn nhắc đến một vài cái tên như là “những chuyên gia bắt phạt đền” khó ai bì kịp.